Các học viên thân mến,
Ở phần 2, tôi đã nói tới một số khó khăn khi áp dụng các chế độ ăn “kiêng cữ” kia.
Đó là:
-Khó kiểm soát được chất lượng thật sự của đầu vào – nguồn thực phẩm.
-Giá cả đắt đỏ.
-Sự bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt, khi mà chúng ta vẫn phải có những mối quan hệ, giao tiếp trong gia đình, xã hội. Đặc biệt càng khó hơn đối với những người đang độ tuổi đi làm, thường xuyên phải đi công tác.
Tuy nhiên, chúng ta đã hơn một lần nghe câu “Thích thì tìm cách, không thích tìm lí do”.
Vì vậy, nếu ai nằm trong diện “buộc phải” áp dụng những chế độ này, thì chắc chắn vẫn sẽ phải tìm được giải pháp cho mình.
Bây giờ, tôi xin được bàn đến việc: Có phải tất cả loài người cần phải thay đổi chế độ ăn uống truyền thống đã có từ hàng ngàn đời nay sang mấy phương pháp kia hay không?
Với nhận định chủ quan của mình, tôi nghĩ là KHÔNG!
Tại sao lại KHÔNG?
Bởi vì: Loài người là cao cấp nhất! Loài người thống lĩnh, thống trị muôn loài!
Tạo hóa đã sắp đặt như vậy!
Cũng như tạo hóa đã tạo ra vũ trụ với hàng tỉ hành tinh, trong đó có trái đất theo một trật tự đã được sắp đặt sẵn.
Trên hành tinh của chúng ta, tạo hóa sinh ra muôn loài, từ cỏ cây, hoa lá, thực vật, động vật… đều đã được tính toán, đã nằm trong một trật tự được sắp đặt của Tạo hóa – Mẹ Thiên Nhiên.
Vâng, xin khẳng định lại một lần nữa cho thật rõ (trước khi chúng ta bàn tiếp câu chuyện ăn gì, ăn như thế nào): KHI MẸ THIÊN NHIÊN TẠO RA TRÁI ĐẤT NÀY VÀ TẤT THẢY NHỮNG THỨ CỎ CÂY HOA LÁ, CHIM MUÔNG, THÚ VẬT, CON NGƯỜI… TẤT CẢ ĐỀU ĐƯỢC SẮP ĐẶT ĐỂ DIỄN RA TRONG MỘT TRẬT TỰ, MỸ LỆ VÀ ĐIỀU HÒA!
Để chứng minh luận điểm này, chúng ta hãy nhớ lại lời của một nhà thông thái có tên Sudeih Babu khi giảng giải cho phái đoàn gồm toàn các nhà khoa học hàng đầu của Hoàng gia Anh trong chuyến sang Ấn Độ để tìm hiểu nền minh triết phương Đông. (Tất cả những thông số dưới đây đều đã được khoa học công nhận là chính xác. Bạn có thể hỏi ông Google. Ngoài ra, nên đọc cuốn “Hành trình về phương Đông”, bởi nó rất hay, rất minh triết)
1/Trái đất quay quanh trục của nó với vận tốc 1600 cây số một giờ ở giữa đường xích đạo. Nếu nó quay chậm 10 lần thì ngày sẽ dài gấp 10 và dĩ nhiên sức nóng của mặt trời cũng gia tăng gấp 10 lần. Thế thì cây cối, sinh vật đều bị thiêu sống hết còn gì. Nếu cái gì chống được sức nóng cũng chết lạnh vì đêm cũng dài ra gấp 10 và sức lạnh cũng tăng lên gấp 10 lần kia mà.
Ai đã làm trái đất quay trong một điều kiện tốt đẹp như thế?
Mặt trời là nguồn sống của quả đất phải không? Mặt trời nóng khoảng 5500 độ bách phân. Quả địa cầu ở đúng một vị trí tốt đẹp không xa quá mà cũng không gần quá. Vừa vặn đủ để đón nhận sức nóng của mặt trời. Nếu sức nóng mặt trời gia tăng một chút, ta sẽ chết thiêu, và ngược lại nếu sức nóng mặt trời giảm đi một chút, ta sẽ chết rét.
Tại sao trái đất nằm ở điều kiện thuận lợi như vậy?
Trục trái đất nghiêng theo một toa độ là 23 độ. Nếu trái đất đứng thẳng, không nghiêng theo bên nào thì sẽ không có thời tiết bốn mùa. Nước sẽ bốc hơi hết về hai cực và đồng thành băng giá cả.
Mặt trăng là một vệ tinh của trái đất, điều khiển thuỷ triều biển cả. Nếu nó không cách xa trái đất 380 000 cây số mà xích lại gần hơn 80 000 cây số thì một cuộc hồng thuỷ sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên ngập tất cả các lục địa mỗi ngày hai lần.
Tóm lại tất cả mọi đời sống trên mặt địa cầu sẽ biến mất, nếu các điều kiện sai lệch đi một ly. Nếu nói rằng đời sống chỉ là một sự ngẫu nhiên thì có đúng không?
Đương nhiên là không, hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên.
Bởi trong tỷ tỷ lần may ra mới có một điều kiện tốt đẹp hoàn toàn để có được sự sống như thế.
2/Nếu những con số trên xem có vẻ trừu tượng quá, hãy thử quan sát thiên nhiên dưới cái nhìn của khoa sinh vật học (Biology) xem sao.
Với khả năng sinh tồn của mọi vật, ta thấy sự hiện diện của tạo hoá rất chu đáo. Sự sống không có sức nặng hay bề đo mà mạnh mẽ làm sao. Bạn hãy nhìn một rễ cây non nớt, mềm yếu, vậy mà nó có thể soi nứt một tảng đá cứng rắn. Sự sống chinh phục không khí, đất, nước. Nó thống trị mọi nguyên tố, nó bắt buộc vật chất tan rã rồi lại kết hợp thành các hình thể mới.
Sự sống là nhà điêu khắc nặn thành những hình thể mới lạ, là hoạ sĩ vẽ những cảnh vật thiên nhiên tô điểm cho tạo hoá. Sự sống cũng là nhạc sĩ dạy chim hót thánh thót, dạy côn trùng ngân nga, là nhà hoá học chế các hương thơm, quả ngọt. Sự sống từ các loài thảo mộc thu hút thán khí biến thành dưỡng khí nuôi muôn loài.
Hãy nhìn những giọt nguyên sinh chất (protoplasm) trong suốt gần như vô hình, mắt ta không thể nhìn thấy, mà nó di động nhờ hấp thụ sinh khí thái dương. Chính cái tế bào đơn độc này chứa mầm sống của muôn loài, và là cội nguồn của toàn sự sống theo khoa học thực nghiệm. Tự nó không tạo ra sự sống vậy thì sự sống ở đâu đã đến?
Cá hồi (salmon) sinh ra ở nước ngọt, theo dòng nước ra biển và sống ở đây cho đến khi trưởng thành rồi lại trở về nguồn. Hãy nhìn nó lội ngược dòng về sinh quán, nó bơi một mạch đâu hề phân vân lưỡng lự. Nếu ta bắt nó đem đến một chỗ khác, nó vẫn trở lại nơi xưa. Ai đã dạy cho nó phân biệt một cách chắc chắn như vậy?
Loài lươn biển cũng thế, chúng rời sinh quán từ các ao hồ, sông lạch khắp nơi trên thế giới để bắt đầu một cuộc du hành đến tận ngoài khơi quần đảo Bermuda. Muốn đến đây, một con lươn Âu châu phải đi gần 4000 cây số, lươn Á châu phải đi xa hơn, có khi gần 8000 cây số. Chỉ tại đây chúng mới sinh sản và chết. Các con lươn con sinh ra tại đây không biết gì về sinh quán mà vẫn trở về quê hương xa xôi của cha mẹ chúng nó. Biết tìm về một cái lạch ở Pháp hay một cái hồ ở Nam dương. Giống nào về nhà giống đó, một con lươn Pháp không bao giờ bị bắt ở Ấn độ và một con lươn giống Thái lan không bao giờ đi lạc sang Phi châu. Ai đã ban cho loài lươn nguồn cảm kích phân biệt như thế? Ai đã hướng dẫn những con lươn bé bỏng trên đường phiêu du ngàn dặm như vậy?
Chắc chắn không thể do ngẫu nhiên phải không các bạn?
3/Còn xét theo góc độ di truyền: Yếu tố này là một mầm sống nguyên thuỷ rất nhỏ chứa đựng trong tất cả các tế bào. Mọi sinh vật đều có đặc điểm di truyền khác nhau. Yếu tố này cho ta thấy rõ sự sống đã được trù định từ trước vì một cái cây sẽ tạo ra một cái cây, chứ không phải con vật. Từ các loại sinh vật bé nhỏ như con kiến đến các loài sinh vật to lớn như cá voi đều chịu sự chi phối của yếu tố này.
Điều này chắc chắn không phải ai nghĩ ra hay ngẫu nhiên phải không?
Chỉ có đấng sáng tạo mới có đủ quyền năng làm các việc đó.
Khắp nơi trong vũ trụ đâu đâu cũng có một sự quân bình tuyệt đối, không loài nào lấn át loài nào. Hãy nhìn loài côn trùng, chúng sinh sản rất nhanh mà sao không chiếm quả đất? Ấy là vì chúng không có bộ phổi như loài có vú (mammal). Chúng thở bằng khí quản (trachea) và khi chúng lột xác lớn lên, khí quản không lớn theo nên thân thể chúng bị giới hạn trong khuôn khổ nhất định. Con người hơn loài thú ở điểm lý trí. Bản năng con thú tuy kỳ diệu, nhưng bị giới hạn. Bộ óc con người tuyệt vời ở chỗ nó có thể vượt xa tầm giới hạn của nó. Muốn quan niệm sự hiện hữu của thượng đế, cần phải có một năng khiếu mà chỉ loài người mới có. Ta có thể gọi nó là trí tưởng tượng cũng được, nhưng nhờ nó mà con người mới thu nhận các sự kiện vô hình, vô ảnh. Trí tưởng tượng mở cho ta một chân trời bao la và nhờ thế ta mới ý thức một thực tại tuyệt diệu rằng thượng đế là tất cả, ngài ở khắp mọi nơi, nhưng không ở đâu ngài hiện rõ như trong tâm hồn chúng…
Qua những thuyết trình trên đây của nhà thông thái Babu, chúng ta thấy được rằng: “Khắp nơi trong vũ trụ đâu đâu cũng có một sự quân bình tuyệt đối, không loài nào lấn át loài nào.”
Côn trùng, sâu bọ, giun dế có tác dụng rất tốt trong việc cải tạo đất. Nhưng nếu chỉ có chúng tồn tại thì trái đất này sẽ lúc nhúc toàn sâu bọ, giun dế, không có chỗ mà dẫm chân. Thế nhưng đã có chim chóc, gia cầm (cụ thể là gà và một số loài khác) và một số loài bò sát, động vật khác lấy chúng làm thức ăn để khống chế sự phát triển của côn trùng trong giới hạn cho phép của sự quân bình.
Cũng tương tự như vậy, các loài ăn cỏ, thực vật sẽ khống chế để trái đất này không mọc um tùm cây cối, cỏ dại.
Và để khống chế sự sinh sôi nảy nở của loài ăn cỏ, ăn thực vật không để viễn cảnh khắp nơi đâu đâu cũng thấy trâu bò, ngựa, dê, voi, thỏ… thì đã có các loài ăn thịt “lập lại trật tự”.
Và để khống chế sự sinh sôi nảy nở của loài ăn thịt, tránh viễn cảnh từng binh đoàn sư tử, hổ, báo, chó sói, linh cẩu nghênh ngang cắn xé, giết chóc tất cả những gì mà chúng gặp, thì đã có LOÀI NGƯỜI!
Loài người được sinh ra với trọng trách là CHÚA TỂ CỦA MUÔN LOÀI. Là người cầm cương nảy mực, giữ gìn để mọi sự phải nằm trong thế trật tự, cân bằng của tạo hóa.
Tất nhiên, với điều kiện loài người thông minh, sống thuận tự nhiên, thuận với chức năng, vai trò được Mẹ Thiên Nhiên giao phó, chứ không phải là cái lũ “nửa người nửa ngợm, nửa quỉ nửa ma” chỉ biết ăn tàn phá hoại. Tàn phá, hủy diệt Mẹ Thiên Nhiên như cái bọn người đang tồn tại ở rất nhiều nước trên thế giới như bây giờ.
Và nếu chúng không tỉnh ngộ, thì Mẹ Thiên Nhiên sẽ trừng phạt. Sẽ đến ngày diệt vong là điều không thể tránh khỏi. (Cũng như trên trái đất này đã tồn tại nhiều nên văn minh. Tất thảy những nên văn minh đó đều cao hơn nền văn minh của giống người bây giờ. Và đều đã bị hủy diệt do đạo đức băng hoại, do tàn phá thiên nhiên, đi ngược lại qui luật vũ trụ)
Nhưng thôi, đó lại là phạm trù của một bài viết khác.
Quay lại với việc con người được sinh ra để nắm giữ vai trò thống soái nên được ăn và ăn được tất cả những gì có trên trái đất. Từ rau củ quả, hạt đến các bọn ăn cỏ, ăn thịt…
Ngoài việc có ngoại hình đẹp đẽ (chắc chắn đẹp trai, xinh gái hơn khỉ rồi), thì con người còn sở hữu hàng loạt ưu thế khác.
Con người phát triển về mặt trí não hơn bất kì loài động vật nào.
Não người nặng trung bình 1,34 kg nhưng chiếm tới 1,85% tổng khối lượng cơ thể, trong khi não cá voi xanh nặng “nhất quả đất” là 6,92 kg, nhưng chỉ chiếm 0,007%. Còn mấy “ông” khác được tiếng là thông minh trong “giới tinh hoa” động vật cũng chỉ ở một tỉ lệ hết sức vớ vẩn nếu so với ông người.
Ví dụ:
-Được tiếng là thông minh trong các loài dưới nước: cá voi xanh: 0,007%; Cá heo: 0,37%
-Được tiếng là tinh nhanh, oai vệ và ác ôn trong số các “ông xơi thịt”: Sư tử: 0,12%; Hổ: 0,15% (ông Hổ khôn hơn. Bảo sao cao hổ lại đắt và tốt hơn cao sư tử )
-Được tiếng là thông minh, tình nghĩa, là cánh tay đắc lực của con người trong số các “ông gặm cỏ, ăn thực vật”: Bò: 0,063%; Ngựa: 0,11%;; Voi: 0,13%
-Được tiếng là thông minh, gần gũi với loài người nhất: Chuột: 0,49%; Mèo: 0,66%; Chó: 0,71%
-Được mệnh danh là “anh em họ hàng” rất gần của loài người (theo thuyết tiến hóa Darwin): Khỉ đột: 0,15%;;; Tinh tinh: 0,83%; Người vượn Java: 1,32%. Ở đây xin nói thẳng là tôi không tin vào cái thuyết tiến hóa của thằng cha Darwin này đâu nhá!
Não người lớn hơn tất cả các loài động vật trên trái đất (nhắc lại, tính theo tỉ lệ não/cơ thể). Do đó, con người là động vật cao cấp, thượng đẳng, thông minh nhất.
Ngoài ra, con người hơn loài thú ở điểm là có lý trí. Bản năng con thú tuy kỳ diệu, nhưng bị giới hạn. Bộ óc con người tuyệt vời ở chỗ nó có thể vượt xa tầm giới hạn của nó.
Ngoài não ra, về mặt cấu tạo sinh học con người cũng có nhiều điểm ưu việt nữa. Từ đôi bàn tay được cấu tạo với các ngón vô cùng linh hoạt, không chỉ thuận tiện trong việc săn bắn, hái lượm, mà còn sử dụng thành thạo mọi công cụ lao động.
Đến cấu tạo của hàm răng với đầy đủ các chức năng: Răng cửa để cắn rau, hoa, quả, củ… răng nanh để xé thịt, răng cối, răng hàm để nhai nghiền các loại củ, hạt, ngũ cốc…
Còn nói về ruột, cơ quan vô cùng quan trọng của hệ tiêu hóa thì thế nào?
Nếu cộng tất cả các đoạn ruột lại thì tổng chiều dài ruột ở một người trưởng thành sẽ vào khoảng 7,5m. Điều này đồng nghĩa rằng, chiều dài của ruột gần gấp 4 LẦN so với chiều cao của một người trưởng thành.
Trong khi đó, ruột của các “ông xơi thịt” có chiều dài gấp 3 LẦN chiều dài cơ thể.
Còn các “ông xơi cỏ” thì dài gấp từ 6 đến 12 LẦN.
Qua những số liệu trên, ta thấy tỉ lệ ruột và chiều dài cơ thể “ông người” gần với mấy “ông ăn thịt” hơn, xa mấy “ông ăn cỏ” hơn.
Còn về dạ dày, thì dạ dày: “ông người” cũng có a xít, nhưng ít hơn, chỉ bằng 1/10 “ông ăn thịt”. Và so với các “ông ăn cỏ” thì dạ dày người không có ezyme để phân hủy xenlulozơ. Điều này lí giải tại sao “ông người” vẫn có thể chén thịt như mấy ông “hổ báo cáo chồn” (nhưng tất nhiên với liểu lượng ít hơn), nhưng lại không thể ăn thuần cỏ hoặc nhai toàn rơm như mấy “ông ăn cỏ” kia được.
Tạo hóa đã cấu tạo như vậy. Hay nói theo kiểu ông bà mình là “Trời sinh ra thế”!
Trời sinh ra “ông người” với cấu tạo não bộ thông minh để làm CHÚA TỂ CỦA MUÔN LOÀI!
Trời sinh ra “ông người” với hàm răng, dạ dày, ruột non ruột già… là để thích hợp với việc ĂN TẤT – ĂN TẠP. Xơi tất tần tật mọi thứ, từ rau, hoa, củ, quả, thịt, cá… Có điều ăn như thế nào, tỉ lệ bao nhiêu thì sẽ nói ở phần sau.
Cho đến đây, chúng ta thấy rằng: Con người là loại ăn tạp và xét cho kĩ thì dường như có vẻ gần với loài ăn thịt hơn.
Con trâu, con bò và nhiều loài khác có thể ăn cỏ, ăn rơm mà vẫn béo tốt, thịt vẫn rất ngon.
Nhưng con người thì chịu. Không tin thì bạn cứ thử đi rồi sẽ biết.
Thế nhưng con người có thể ăn toàn thịt, cá, rất ít rau, hoa quả, thậm chí là không có rau, hoa quảnhư các sắc dân sống ở Bắc Cực, nơi quanh năm băng tuyết. Ai không tin thì cứ tìm đến nơi người Eskimo mà xem. Nhiệt độ quanh năm toàn âm 60-70 độ thì rau hoa quả ở đâu? Họ chỉ ăn cá, thịt tuần lộc, hà mã. Thế nhưng họ vẫn tồn tại và có sức khỏe, sức chịu đựng dạng vô địch để chống chọi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mà nói thật điều này, giả sử ở đó rất dồi dào hoa trái, củ quả và họ chỉ xơi những thứ này là chủ yếu thì không thể chống chọi nổi với cái lạnh băng giá kinh người đó quá một tuần đâu.
Hoặc các bộ lạc sống du mục trên thảo nguyên, hoang mạc như người Mông Cổ chẳng hạn… Nơi mà cũng rất ít rau hoa quả. Phần lớn họ ăn thuần thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Thế nhưng sức khỏe của họ là vô địch!
Hẳn chúng ta đã biết, trong lịch sử nhân loại, người Mông Cổ đã thống trị gần như cả thế giới này. Họ đánh từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Họ đối mặt với các đạo quân thiện chiến nhất, huyền thoại nhất về sức mạnh, về độ tinh xảo của vũ khí thời đó như quân Ả Rập với những giống ngựa vừa đẹp vừa khỏe, gươm, kiếm được rèn từ loại thép Damascus cũng đi vào huyền thoại với độ sắc bén chém sắt như chém chuối…
Họ đối diện với các đạo kị binh hạng nặng, người ngựa đều to vật vã ở xứ châu Âu như các nước Nga, Ba Lan, Hung, Áo…
Thế nhưng các ông khổng lồ với chiều cao xấp xỉ 2 mét, râu quai nón, ria con kiến, sở hữu những vũ khí hạng nặng, những con ngựa khổng lồ kia đã bị thua, chay mất dép. Vừa chạy vừa khóc nhếch nhác ướt hết mẹ cả râu ria bởi một đám toàn ăn thịt có hình hài nhỏ bé hơn, và cũng chỉ ngồi trên những con ngựa nhỏ hơn nhiều.
Đọc đến đây, có thể bạn sẽ nói rằng sở dĩ quân Mông Cổ thiện chiến vì trẻ con Mông Cổ sinh ra trên lưng ngựa. Cả cuộc đời gắn bó với yên ngựa nên cưỡi ngựa giỏi hơn đi bộ, bắn cung (do săn bắn nhiều thành kĩ năng) cũng giỏi hơn quân các xứ khác…
Nếu nghĩ như vậy, bạn chỉ đúng một phần.
Bởi nếu chỉ bắn cung giỏi, cưỡi ngựa giỏi nhưng sức khỏe yếu kém do suy dinh dưỡng, đi đứng lẩy bẩy thì liệu những kĩ năng trên có giúp họ làm nên chuyện hay không?
Và đừng quên, lính Mông Cổ ngày xưa không chỉ sử dụng cung tên rất giỏi, mà họ cận chiến cũng cực giỏi.
Để cận chiến được, nghĩa là oánh giáp lá cà với kị binh châu Âu với những con ngựa to gấp đôi ngựa Mông Cổ, những chiến binh tộc người da trắng to lớn gấp đôi người Mông Cổ (như đã nói ở trên)… Nếu không có sức khòe thì một phát hắt xì hơi của mấy chú châu Âu kia cũng khiến quân Mông Cổ ngay lập tức biến thành “Mông Đít”…
Giả sử, giả sử thôi nhé: Nếu quân Mông Cổ thời đó suốt ngày ăn bắp cải sống, nhai cà rốt, ổi, chuối, nhãn, táo lê… thì liệu họ oánh nhau ra sao nhỉ?
Có khi lúc đó lại xảy ra cảnh con ngựa nó bảo với chiến binh Mông Cổ: Mày cũng ăn rau, ăn cỏ như tao thì tuổi đ’ gì mà đòi cưỡi tao. Quì xuống cho bố mày cưỡi thì có!
Có khi thế thật ý chứ…
Từng này dẫn chứng, hi vọng đã tàm tạm đủ để nói lên một điều:
Con người, với cấu tạo trí não, cơ thể (bao gồm răng, hệ tiêu hóa…) là loại ăn tạp. Nghĩa là ăn được đủ thứ, kể cả ăn thực vật lẫn ăn thịt. Và trong bản đồ dinh dưỡng của con người, phải bao gốm cả thịt cá, cả thực vật (rau củ quả, hạt…)
Ăn như thế nào, tỉ lệ rau hoa quả, thịt cá ra sao…?
Theo ý kiến cá nhân tôi (với những gì đã độc, đã nghiền ngẫm, đã tự thực hành với rất nhiều trường phái dinh dưỡng) thì nên ăn thanh đạm nhưng phải đủ chất. Nghĩa là bữa ăn có con cá, con tôm,quả trứng, miếng thịt, miếng rau. Ngoài ra ăn thêm hoa quả nữa.
Có điều, lượng thịt cá (đạm động vật nói chung) nên ít hơn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, hoa trái…).
Đấy là đối với những người bình thường, nghĩa là những người may mắn chưa mang trong mình các bệnh mãn tính hoặc bệnh nan y.
Còn đối với những người đã mắc bệnh nọ, bệnh kia thì CÓ THỂ (CÓ THỂ chứ KHÔNG NHẤT THIẾT) ăn theo chế độ THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI qua các công trình nghiên cứu “Nhân tố Enzyme” và “Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện” (xin nhắc lại, đây là những công trình nghiên cứu rất công phu, có tính khoa học cao).
Có điều, nếu ăn theo chế độ này, thì bạn sẽ phải nói lời từ biệt với rất rất nhiều những món ăn khoái khẩu khác.
Muốn biết cụ thể là ăn gì, ăn như thế nào, tỉ lệ ra sao, hãy tự mua sách mà đọc, mà nghiên cứu.
Và nếu ăn theo chế độ này thì ăn đến bao giờ?
Chỉ ăn đến khi bệnh tật thuyên giảm, rồi quay lại chế độ ăn bình thường…?
Hay ăn cả đời?
Sự lựa chọn là của bạn! Tôi và không ai có thể quyết định thay cho bạn được.
Còn cá nhân tôi, tôi không theo thuyết nào cả. Tôi trung thành với lối ăn uống thanh đạm, có đủ thịt cá, tôm tép, trứng… và các thức ăn có nguồn gốc thực vật như vừa kể trên. Và cũng theo tỉ lệ “động vật” ít hơn “thực vật”.
NHƯNG: Quan trọng nhất là nguồn thực phẩm phải sạch. Phải được trồng cấy một cách tự nhiên chứ không phải là những thực phẩm bẩn, kể cả là thức ăn từ thực vật lẫn động vật.
Vấn nạn mà chúng ta đang gặp bây giờ ở chỗ: Hầu hết nguồn thực phẩm đều bẩn, rất bẩn. Rất có hại, kể cả rau hoa quả lẫn các loại thịt.
Vậy thì, thay vì hô hào ăn toàn rau hoa quả, bài xích việc ăn thịt là không đúng, là rất cực đoan. Thậm chí đi ngược lại với cấu tạo của cơ thể con người. Ngoài ra, chưa kể nếu ăn toàn rau hoa quả bẩn với đủ loại thuốc hóa chất thì chết nhanh lắm (vì phải ăn sống mà).
Còn nếu lại hô hào ăn toàn thịt cá, bỏ rau hoa quả thì cũng là cực đoan và không khoa học, cũng lại đi ngược lại với qui luật, cấu tạo của tạo hóa.
Và vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng thực phẩm, phải lên án những kẻ vì lợi nhuận mà tạo ra nguồn thực phẩm bẩn đầu độc nhân loại.
Nhưng để làm được điều này, vào cái thời buổi mà lương tâm là một thứ gì đó xa xỉ, đạo đức băng hoại, suy đồi… Vì đồng tiền có thể đầu độc, giết dần giết mòn nhiều thế hệ đồng loại thì đúng là khó hơn lên trời.
Vậy thì giải pháp ra sao?
Nếu đưa ra được giải pháp cụ thể, chính xác có tính vĩ mô, thì có nhẽ tôi sẽ phải làm TỔNG THỐNG THẾ GIỚI mất rồi.
Nên ở đây, chỉ xin nêu những ý kiến hoàn toàn cá nhân để mọi người tham khảo chứ không dám có ý khuyên bảo, dụ dỗ gì ai đâu nhá!
Tìm mua những thực phẩm sạch. Phải đảm bảo là sạch thật. Nhưng đừng quên là giá sẽ không rẻ chút nào so với các loại thực phẩm bán ngoài chợ.
Hoặc tự mình trồng cấy, chăn nuôi. Nếu đang phải buộc ở thành phố vì công việc, cuộc sống mưu sinh, thì hãy kiếm một mảnh đất ở ngoại thành (đất ruộng, giá không quá đắt), lên kế hoạch thuê người trồng cấy, chăn nuôi…
Còn nếu bạn không vướng bận gì để buộc phải ở thành phố nữa, thì hãy “bỏ phố lên rừng”. Nghĩa là về nông thôn (miền xuôi, miền trung du, miền núi… đều được).
Miễn là tránh xa những thứ ồn ào, bụi bặm, ô trược của phố xá. Sống một cuộc sống thanh thản, thanh đạm, ăn đồ sạch do mình tự cấy trồng, chăn nuôi. Trả lại thành phố cho những người chưa thể rời bỏ đi như mình được.
Và cứ như vậy, cuộc sống tiếp diễn theo kiểu già thì về quê, lên rừng. Trẻ đang trong tuổi lao động, đang phải kiếm tiền thì ở thành phố. Các thế hệ cứ thế tiếp nối nhau. Bọn bây giờ đang trẻ, đang ở thành phố đến lúc nào đó cũng sẽ già đi, cũng phải về quê, lên rừng, nhường lại “phố xá” cho bọn trẻ kế cận.
Chắc chỉ có thể như vậy thôi. Chứ tất cả đồng loạt bỏ về quê, lên rừng hết thì viễn cảnh lại là những gì tôi đã viết ở phần 2. Lại hổ báo cáo chồn, khủng long vừa đi nghênh ngang ngoài phố vừa ăn tiết canh lòng lợn, vừa hút xì gà, vừa uống whisky. Lúc đó có khi những ông đại gia bất động sản sẽ lại phân lô bán nền ở trên rừng, trên núi…
Nhưng cái chính là liệu có tiền mà mua không? Khi mà mọi hoạt động kinh tế đã đình trệ vì tất cả loài người đã lên rừng để sống…?
Ôi, khó quá nhể?
Vậy thì có cách nào khả dĩ hơn không?
CÓ ĐẤY! CHỜ ĐỌC TIẾP PHẦN SAU…
P.S: Những gì tôi viết đều là cả một quá trình suy nghĩ rất nghiêm túc. Để viết được những dòng này, tôi mất thời gian để đọc, để nghĩ, để chiêm nghiệm… Chưa kể là đã phải đem thân mình ra làm chuột bạch thử nghiệm các kiểu ăn uống như đã kể ở phần 1.
Nếu bạn nào hay có thói quen “Ôi, viết dài quá” vì chỉ có tư duy xem chuyện tranh thì hãy lập tức rời đi.
Ngôn ngữ của bài viết cũng không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm. Nên các nhà đạo đức, mô phạm cũng đừng đọc. Xin hãy rời đi!