Xin lỗi các học viên vì những ngày vừa rồi tôi bận quá. Vừa phải cùng ban tổ chức chuẩn bị lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Khí công Himalaya tại Việt Nam, vừa phải chuẩn bị bài vở cho lớp quí 4, rồi thêm vào đó là một đống việc nhà… khiến cho tôi không có được chút thời gian rảnh rỗi nào cả.
Nhưng mặc dù vậy, đã làm gì thì cũng cố để làm cho trọn vẹn (chứ không phải là “làm cho xong việc” đâu nhé!) Do đó, hôm nay tôi sẽ viết tiếp phần 5.
Như vậy là trong phần 4, chúng ta đã xem xét căn nguyên gây nên các bệnh mãn tính của cơ thể người dưới góc độ của Khí công Himalaya.
Để trình bày những điều rất khô khan này là rất khó, nhưng tôi đã cố gắng hết sức có thể và hi vọng các bạn đã hiểu được phần nào…
Và mặc dù đã lí giải một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tật là do chúng ta hít thở sai, dẫn đến cơ thể thiếu ô xy, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể gặp trục trặc, dẫn đến rối loạn, dẫn đến bệnh tật…
Nhưng tôi không phủ nhận tầm quan trọng cực kì của dinh dưỡng trong việc quyết định sức khỏe của con người.
Vì sao?
Liệu tôi có “ba phải” hay không? Khi mà phần 4 nói rằng chúng ta bị bệnh trước hết do hít thở sai cách. Nhưng bây giờ, trong phần 5 này lại nói “dinh dưỡng vô cùng quan trọng”. Nghe có vẻ “câu sau chửi bố câu trước”. Nhưng thực ra, những gì tôi đang nói hoàn toàn logic.
Tôi sẽ chứng minh ngay bây giờ. Và xin nói cho rõ: Những gì tôi sẽ viết ở đây chỉ liên quan tới những người đã bị mắc bệnh.
Giả sử là chúng ta hít thở sai, dẫn đến trục trặc, rối loạn cơ chế chuyển hóa như trong phần 4 tôi đã viết. Và kết quả là chúng ta bị mắc bệnh.
Nghĩa là từ cấp tế bào đến các cơ quan của cơ thể không đủ sức để tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thành dinh dưỡng; Không hấp thu được dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Thì việc chúng ta cứ tiếp tục ăn nhiều, ăn cho sướng miệng, ăn những thứ mình thích (phần lớn là các món khoái khẩu được chế biến từ động vật) sẽ tiếp tục là một gánh nặng cho hệ tiêu hóa, cho cơ chế chuyển hóa của cơ thể.
Và như vậy, nghĩa là cái cơ thể đang mắc bệnh của chúng ta vốn đã yếu rồi, lại phải è cổ, lại phải tiêu hao năng lượng để tiêu hóa cái đống thức ăn mà lẽ ra phải biến thành năng lượng, nhưng vì sự trục trặc trong quá trình trao đổi, chuyển hóa chất thì lại chẳng đem cho cơ thể năng lượng mà nó thực sự cần phải có.
Theo cơ chế bình thường, lẽ ra cơ thể mất năng lượng để tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thì cái “đống thức ăn” này phải biến thành năng lượng mới. Số năng lượng mới này phải nhiều hơn số năng lượng mà cơ thể bỏ ra để tiêu hóa. Điều này dễ hiểu thôi mà, trong kinh doanh, buôn bán gọi là “làm ăn có lãi”.
Nhưng đằng này thì mất năng lượng để tiêu hóa, chuyển hóa, nhưng không hấp thụ được dinh dưỡng. Như vậy thì mất cả chì lẫn chài, gọi là “làm ăn thua lỗ”.
Chưa hết, cái đống thức ăn được nghiền nát, được biến thành dinh dưỡng kia nhưng không được tế bào hấp thụ hết, sẽ tồn đọng trong cơ thể. Để lâu biến thành độc tố (Cứ hình dung một đĩa thức ăn dù ngon đến mấy, nhưng để lâu cũng bị thiu thối.)
Như đã lí giải ở phần 4, do hít thở sai, tất cả mọi cơ quan, bộ phận, chức năng của cơ thể đều bị suy giảm, xuống cấp. Do vậy, việc đào thải những chất tồn đọng này ra ngoài cũng là một gánh nặng cho cơ thể.
Do đó, việc chú ý đến chế độ ăn uống lúc này là rất quan trọng. Ăn ít đi để giảm gánh nặng cho cơ thể đỡ phải cực nhọc tiêu hóa, chuyển hóa, đỡ phải nạp cả một đống dưỡng chất nhưng lại không tiêu thụ được.
Vì thế mới có thuyết “Ăn ít để khỏe”, “Nhịn ăn gián đoạn” chính là để phục vụ cho mục đích này.
Và nó thực sự phát huy tác dụng đối với những người bị bệnh.
Hoặc các phương pháp ăn thực dưỡng hiện đại, ăn thô toàn rau hoa quả… cũng mang lại lợi ích này: Cơ thể không phải oằn mình gánh lượng thức ăn từ động vật. Và chỉ để tiêu hóa, chuyển hóa những đồ ăn thanh đạm thì nó sẽ dễ thở hơn.
Rất nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức ăn từ thực vật dễ tiêu hóa, chuyển hóa hơn là từ động vật: dù là chất đạm, chất đường, chất xơ, acid, vitamin, khoáng chất các kiểu… (nếu thích, các bạn có thể tự tìm hiểu).
Như vậy là chúng ta giúp cơ thể đỡ phải làm việc vất vả trong khâu tiêu hóa, chuyển hóa và chắc chắn sẽ hấp thu chất dinh dưỡng có nguồn gốc “thanh đạm” (từ thực vật) này dễ hơn.
Lúc đó, đương nhiên, cơ thể đỡ vất vả hơn, sẽ dần có những cải thiện tích cực hơn. Chúng ta sẽ thấy bệnh tật thuyên giảm, các chỉ số ổn định dần. Người khỏe lên.
Còn tất nhiên, nếu người bệnh vừa áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, vừa kết hợp tập khí công để biết hít thở đúng cách…
Nhất là lại được tập những bài khí công chuyên trị cho những vấn đề mà mình đang gặp phải thì tốc độ cải thiện, khôi phục sẽ còn nhanh hơn rất nhiều.
OK, tôi hi vọng qua những dòng này, đã lí giải được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với những người mang bệnh.
Còn về cá nhân tôi thì sao???
Xin thưa: Tôi vẫn nhất quán quan điểm trước sau như một:
-Con người được tạo hóa sinh ra để làm chúa tể của muôn loài. (Đã nói rõ ở những phần trên)
-Con người được sử dụng tất tần tật mọi thứ hoa trái, củ quả, các loại gia súc, gia cầm, cá tôm để làm thực phẩm, nuôi sống và phát triển giống loài.
Xin nhắc lại là TẤT TẦN TẬT mọi thứ, mọi loài đều có thể bị loài người xơi tái. Thế nhưng nếu việc mổ một con gà, vịt, ngan ngỗng, lợn, bò, dê… để có những món luộc, hấp, xào, tái, tái lăn… vô cùng ngon lành và lại dễ làm. Thì ngu gì mà phải nghĩ đến việc giết một con voi, con gấu, hổ, báo… để chế biến thức ăn từ chúng? Làm việc này vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Vả lại, theo bố trí của tự nhiên, những thứ mà loài người thấy ngon miệng nó sẵn hơn mấy thằng voi, gấu, tê giác… kia rất nhiều.
Chưa kể là nếu về dinh dưỡng, thì món “voi quay giòn bì”, “hổ tái chanh”, “tê giác hấp”, “báo nướng”, “gấu kho tàu” chắc chó gì đã ngon hơn, bổ hơn là làm từ gà vịt, lợn, dê, bò…
Cũng tương tự như vậy, thủy hải sản thì những món thịt cá mập, cá voi làm sao mà ngon được bằng mấy ông cá ngừ, cá hồi, tôm hùm… (ví dụ thế chẳng hạn).
Tóm lại: Thằng người được xơi hết mọi loài khác. Có điều, thằng khôn thì ăn những thứ vừa ngon miệng, dễ kiếm, dễ làm và an toàn. Còn thằng nào ngu thì cứ kiếm những loại vừa hiếm (khó kiếm) hơn, vừa hung dữ, nguy hiểm hơn mà chén…
Có điều, chính vì con người là loài ăn tạp, nên nếu có thể thì đừng có chỉ ăn toàn thịt hoặc ăn toàn thực vật. Hãy ăn đủ mọi thứ nhưng trong một chừng mực, một tỉ lệ phù hợp. Bữa ăn nên thanh đạm, đừng ngồn ngộn thịt cá. Mà có cơm (ngũ cốc), có miếng thịt, miếng cá, quả trứng, bát canh, đĩa rau… Ngoài ra, còn rất nhiều thứ hoa quả, củ hạt cũng là những nguồn dinh dưỡng không thể bỏ qua.
Còn muốn biết tỉ lệ những loại thực phẩm nên là bao nhiêu trong khẩu phần dinh dưỡng… Thì hãy đọc sách (những sách mà tôi đã nêu tên ở các phần trước). Hãy đọc đi, đọc những công trình nghiên cứu có giá trị, công phu, có chiều sâu…
Còn nếu lười nhác là căn bệnh cố hữu của bạn, thì hãy áng chừng trong khẩu phần bữa ăn đừng để thịt cá nhiều hơn ngũ cốc, rau quả…
Và đừng quên một điều: KHÔNG ĂN NO QUÁ! HÃY LUÔN ĂN KHOẢNG 70% KHẢ NĂNG CỦA MÌNH. Hãy để dạ dày rỗng một chút chứ đừng nhồi nhét quá nhiều.
BÂY GIỜ NGƯỜI TA BỊ BỆNH DO ĂN NHIỀU QUÁ CHỨ KHÔNG PHẢI DO ĂN ÍT ĐÂU!
Và tôi luôn cố gắng thực hiện đúng như vậy. Ăn đủ thức, đủ món, không kiêng cữ gì. Cố gắng không ăn quá nhiều thịt, không ăn quá no…
Mà thực ra, nói một cách thật chính xác thì chuyện ăn uống của tôi nó cũng “cơm đường cháo chợ” lắm… Do hoàn cảnh, đã từ lâu tôi sống kiểu lang thang cơ nhỡ, gặp gì ăn nấy. Lúc nhậu với học viên, bạn bè thì làm dăm vại bia, mấy miếng da lợn (nem thính), vài gắp rau, mấy miếng thịt là cũng qua bữa. Lúc sang nhà bố mẹ thì ông bà già ăn gì, mình ăn nấy. Lúc ra quán cơm bụi thì làm suất 40 ngàn, bảo bà bán cơm “Món nào còn thừa thì gắp cho tôi cũng được!”. Cũng không ít lần lỡ bữa, chẳng có gì ăn, thì tự cho mình cảm giác được làm “Hoàng thượng” với một vài gói mì “Cung Đình” hoặc “Tiến Vua”.
Nếu về muộn, không còn mì ăn liền thì lục tủ lạnh. Có miếng hoa quả thì tráp tạm. Không hoa quả mà có miếng su hào, cà chua bí ngô thì ăn sống. Nếu tủ lạnh nhẵn như chùi thì nằm khàn nhịn đói qua đêm cũng chẳng thấy hề hấn gì cả… Không tiểu đường, không mỡ máu, không gì gì… Suốt ngày phơi nắng, đội mưa, uống lạnh, ăn nóng… cũng chẳng viêm họng, chẳng cảm cúm… Thấy vẫn đủ sức làm nhiều việc.
Nói chung, tôi vốn là thằng đơn giản, bây giờ thì ở mức TỐI GIẢN. Ăn gì cũng được, ngủ đâu cũng xong (may quá, suýt viết nhầm thành ĂN GÌ CŨNG ĐƯỢC, NGỦ VỚI AI CŨNG XONG là bỏ cm ngay…)
Nhưng để ở tuổi 56 mà thấy mình còn khoẻ hơn thời thanh niên, vẫn “Trơ gan cùng tuế nguyệt” như vậy, thì chắc chắn là phải nhờ Khí công Himalaya rồi!
Vì là một người tập khí công, nên tôi luôn chú trọng tới việc dùng khí để nâng cao sức khoẻ, dùng khí công hỗ trợ cho tiêu hóa, cho quá trình chuyển hóa thức ăn tạo ra những chất dinh dưỡng cần thiết nuôi cơ thể.
Tôi có đủ “vũ khí” để làm tất cả những việc này:
-Buổi sáng tôi tập khí công để cơ thể tràn đầy năng lượng, bước vào một ngày mới. Đặc biệt, tôi chú trọng việc cung cấp đủ ô xy cho não, cho toàn bộ cơ thể qua phần động công và tĩnh công mà tôi và các học viên các lớp tập theo các quí (chương trình tập luyện 3 tháng một) vẫn thực hành.
-Sau bữa ăn (thường là bữa trưa và tối) chừng 30-40 phút, tôi tập bài hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Bài này rất nhẹ nhàng nên phù hợp cho tập luyện sau ăn. Tập xong thấy bụng nhẹ bẫng như chưa ăn gì. Rất sướng!
-Còn những hôm phải đi nhậu, thì lúc về, nếu chưa nốc nhiều đến mức “vào nhầm nhà khác” hoặc mở tủ lạnh ra để đái vào vì thấy đèn sáng (tưởng nhầm toilet) thì kiểu gì tôi cũng phải tập khoảng 25-30 phút. Hoặc là tập bài để xả rượu, hoặc bài hỗ trợ tiêu hóa…
Tập xong, ngủ như chết độ 3-4 tiếng. Sáng dạy lúc 4h, thấy đầu nhẹ bẫng như chưa từng biết đến bia rượu là cái chó gì trong cuộc đời này cả… Còn những hôm nào nốc nhiều mà không tập thì cũng mệt bã cả người.
-Những lúc thần kinh căng thẳng, tôi tập chùm bài “Cân bằng tâm trí, xả stress” hoặc những bài tương đương như chùm bài làm mạnh hệ thần kinh…
-Thi thoảng, tập bài củng cố làm mạnh gan, thận, tim, phổi…
-Ngoài ra, còn rất rất nhiều những bài tập công hiệu khác, đáp ứng được hầu hết những gì cơ thể con người cần đến.
-Biết là đang sống trong một xã hội cực kì nguy hiểm, có nhiều kẻ độc ác, vô nhân tính, sẵn sàng hi sinh mạng sống của đồng loại để kiếm tiền nên khắp nơi nhan nhản những thứ bẩn thỉu, đầy độc tố (từ thức ăn, nguồn nước, bầu không khí…) nên tôi cũng hết sức chú trọng tập luyện những bài làm mạnh hệ miễn dịch, hệ bạch huyết để chấp nhận NẾU PHẢI ĂN ĐỒ BẨN, UỐNG NƯỚC BẨN, HÍT THỞ KHÔNG KHÍ BẨN THÌ CŨNG CHƠI, NHƯNG ÍT BỊ ẢNH HƯỞNG NHẤT!!!
Nói chung, vì hiểu được tầm quan trọng của Khí công Himalaya đối với sức khỏe, nên tôi không tiếc thời gian cho việc tập luyện.
Có điều, tôi tập luyện một cách thông minh (tự nhận một cách hết sức tự tin): TẬP VỪA SỨC, LẮNG NGHE CƠ THỂ, XEM NÓ CẦN GÌ, THIẾU CÁI GÌ???
Hầu hết những bài này tôi đã hướng dẫn học viên từ những năm trước tới giờ. Và tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn cho đến khi còn có người muốn học.
Ngoài ra, trong hơn mười năm giảng dạy, hướng dẫn và thực hành Khí công Himalaya cùng hàng vạn người trực tiếp, còn trực tuyến thì không thể đếm xuể… Tôi khẳng định chắc chắn rằng: KHÍ CÔNG RẤT TỐT CHO SỨC KHỎE CỦA CON NGƯỜI!
Nhưng tôi rất thích câu ngạn ngữ của người châu Âu: NẾU ĐÃ TỐT RỒI THÌ CỐ GẮNG LÀM TỐT HƠN!
Do đó, mặc dù đã đạt được chút ít kết quả trong 10 năm qua trên bước đường phát triển môn phái, tôi luôn luôn cải tiến nội dung, liều lượng của buổi tập nhằm đảm bảo ngày càng phù hợp với thể trạng, lứa tuổi của các học viên.
Và một điều mà tôi nhận thấy – một sự thật không mấy vui vẻ, đó là: Nếu kiên trì tập luyện, tập ĐỀU – ĐỦ – ĐÚNG thì sức khoẻ sẽ được cải thiện rất tốt, thế nhưng có không ít học viên hoặc do thể trạng đã quá yếu khi đến với môn phái, hoặc do lười nhác, thiếu kiên trì nên chỉ tập một thời gian chưa được là bao, chưa kịp nhận thấy kết quả là đã chán, bỏ không tập nữa.
Tất nhiên, sự lựa chọn là của họ. Vì đã ở tuổi quá trưởng thành, quá chín rồi thì họ quá đủ tư cách để phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Hoặc tập luyện để khoẻ người, hoặc thối chí, lười nhác để tiếp tục đau ốm, tiếp tục hàng ngày há miệng, ngửa cổ nuốt từng vốc thuốc tân dược, bỏ hết tiền bạc ra để mua một cái giường rất đắt, đó là GIƯỜNG BỆNH với đủ thứ dậy dợ lằng nhằng, bình nhựa treo lủng lẳng…
Thế nhưng, nghĩ đến những học viên thể trạng ốm yếu, tập luyện khó khăn thì cũng thấy tội, thấy thương vô cùng!
Vì phần lớn trong số các học viên khi tìm đến với Khí công Himalaya đều có vấn đề về sức khỏe.
Có những người “vật vã, lăn lộn” với bệnh tình của mình ở các kiểu bệnh viện. Thậm chí không ít người đã được bác sĩ khuyên “Thích làm gì thì làm ngay đi…”
Họ tìm đến với Khí công Himalaya như một sự bấu víu cuống cuồng, một tia hi vọng cuối cùng.
Và không phải ai trong số họ cũng có thể tập luyện với mức độ có thể thu được lợi ích ngay từ các bài tập…
Vậy phải làm gì?
Tôi nghĩ đến hướng dùng thảo dược kết hợp cùng tập luyện.
Tôi biết, nếu vừa tập luyện khí công Himalaya, vừa kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học và sử dụng thảo dược có chất lượng tốt thì sẽ hỗ trợ cho họ được rất nhiều.
Bản thân Sư Phụ tôi vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống đông y, rồi sau này, qua những tháng năm tu tập khí công, lang bạt ở một số bang miền Đông Bắc Ấn Độ (trên dải Himalaya) đã học thêm được rất nhiều kiến thức về thuốc thảo dược của trường phái y học cổ truyền Tây Tạng, Ấn Độ. Sư Phụ đánh giá cao sự kết hợp giữa tập luyện khí công, dinh dưỡng và thảo dược.
Ấy thế nhưng khi tôi năn nỉ xin được chỉ dạy các kiến thức, các bài thuốc thảo dược thì Sư Phụ nhất mực từ chối.
Vì sao ư? Tôi sẽ kể ngay bây giờ…
Có lẽ trước khi kể về việc này, tôi muốn tản mạn thêm một chút về NHỮNG KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA SƯ PHỤ!
(Còn nữa)