Trong các giờ trên lớp, tôi luôn nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của TĨNH CÔNG – cụ thể là 3 kĩ thuật hít thở mà chúng ta tập luyện trong quí này.
Ngoài thời lượng tập luyện trên lớp, tôi cũng luôn lưu ý, khuyến khích các học viên nên tập luyện 3 kĩ thuật thở này hàng ngày để thu được những kết quả tốt nhất cho sức khỏe.
Vậy những kĩ thuật thở này có tác dụng ra sao?
Thực ra, những điều này tôi đã hơn một lần nói rất kĩ qua các buổi tập. Nhưng có thể vào những giờ học đó, có những học viên vắng mặt.
Vậy ở đây, tôi sẽ tổng kết những điều mình đã chia sẻ cùng các học viên.
I/ĐỘNG CÔNG LÀ GÌ? TĨNH CÔNG LÀ GÌ?
Có rất nhiều trường phái khí công dưỡng sinh. Mỗi trường phái có những bài tập theo phương pháp của mình. Nhưng tựu trung lại, chỉ có mấy phương pháp (hình thức) tập luyện sau:
1/Tĩnh công (các bài tập được thực hiện trong tư thế ngồi yên một chỗ, thực hành những kĩ thuật hít thở)
2/Động công: Các bài tập được thực hiện ở tư thế động. Các động tác được thực hiện hoặc là đứng, hoặc là ngồi, nằm. Hơi thở nương theo động tác hoặc thở tự do.
3/Cả TĨNH CÔNG và ĐỘNG CÔNG
Môn phái Khí công Himalaya của chúng ta may mắn sở hữu cả 2 hình thức tập luyện TĨNH CÔNG và ĐỘNG CÔNG.
Có thể sẽ có câu hỏi: Việc gì phải vừa tập TĨNH CÔNG, vừa tập ĐỘNG CÔNG, lằng nhằng dây điện thế? Bao nhiêu môn chỉ tập hoặc TĨNH CÔNG, hoặc ĐỘNG CÔNG vẫn được đó thôi?
Câu trả lời: Đương nhiên là thế! Phần lớn nhiều môn phái hoặc chỉ tập thiên về TĨNH CÔNG hoặc chuyên về ĐỘNG CÔNG. Và người tập luyện vẫn được cải thiện sức khỏe.
Còn chúng ta may mắn được tập cả TĨNH CÔNG và ĐỘNG CÔNG.
Các bài tập dạng TĨNH CÔNG hay ĐỘNG CÔNG, chẳng qua chỉ là phương tiện giúp người tập đi tới cái đích có tên SỨC KHỎE.
Nó y hệt như việc trong xóm nhà chúng ta, có nhà chẳng có phương tiện nào để đi lại ngoài đôi chân (kể thêm hẳn là có ĐÔI TAY nữa cho nó oai). Có nhà tằn tiện mãi cũng chỉ sắm được chiếc xe đạp. Nhà khá hơn thì có hẳn xe máy.
Nhưng có nhà dạng “đẳng cấp” thì có cả chân + tay, cả xe đạp, xe máy và ô tô.
Vậy thì trong số 3 nhà kể trên, nếu định đến một địa điểm nào đó…
Ví dụ như đi từ Hà Nội vào Sài Gòn chẳng hạn…
Thì kiểu gì mà ông chỉ có đôi chân (cộng thêm đôi tay nữa cho oai) cũng đi tới nơi sau dăm bảy tháng (Sư Minh Tuệ cũng chỉ đi bộ mà làm mấy vòng quanh Việt Nam trong 6 năm đấy thôi).
Thế nhưng nếu đi bằng xe đạp chắc chắn sẽ nhanh hơn.
Đi xe máy còn nhanh nữa.
Đi ô tô thì quá oách. Vừa nhanh, vừa an toàn, không mưa nắng, nóng nực, giá rét…
(Bỏ qua quả máy bay đi nhé, vì tạm thời ở Việt Nam chưa cho phép sử dụng máy bay riêng nên khỏi ví von làm gì).
Vậy nếu bạn không phải là người tu theo HẠNH ĐẦU ĐÀ như sư Minh Tuệ, thì bạn thực lòng muốn có phương tiện gì?
Xong vụ Hà Nội – Sài Gòn với các phương tiện di chuyển khác nhau.
Quay trở lại với vụ TĨNH CÔNG & ĐỘNG CÔNG.
Cả hai hình thức tập luyện này đều rất tuyệt vời, rất hữu hiệu để nâng cao sức khỏe.
Mỗi hình thức sở hữu những ưu điểm nổi trội.
Lại ví von tí cho dễ hiểu:
Nếu coi việc tập luyện để giữ gìn sức khỏe như một cuộc chiến đẩy lùi bệnh tật…
Thì theo lí thuyết kinh điển của nghệ thuật quân sự, bao giờ cũng phải dùng hỏa lực mạnh trước. Kiểu như dập pháo, dội bom cho địch chết cmn gần hết. Rồi sau đó mới đến lượt các đồng chí bộ binh nấp sau xe tăng (hoặc nhiều khi không có xe tăng) lò dò hoặc lừ lừ tiến lên, sục sạo vào từng ngóc ngách, hầm trú ẩn, chiến hào xem có còn thằng giặc “bệnh tật” nào chưa chết sau vụ oanh kích kia, lôi ra diệt nốt.
Trong trường hợp trên, “oanh kích hỏa lực mạnh” chính là ĐỘNG CÔNG.
Còn đám “lò dò, lừ lừ lùng sục” chính là TĨNH CÔNG.
Vậy nghĩa là gì?
Giả sử trận oánh nhau với thằng bệnh tật đó nếu chỉ có ĐỘNG CÔNG – hỏa lực mạnh thì cũng tiêu diệt được kha khá quân địch. Nhưng chưa thể triệt để.
Còn nếu chỉ có TĨNH CÔNG, thì “lò dò, lừ lừ lùng sục” không hề dễ dàng. Phải oánh nhau rất lâu vì địch chưa bị tiêu diệt bởi hỏa lực mạnh nên còn rất đông, rất quyết liệt. Kết quả có thể thắng, nhưng không dễ dàng, không nhanh chóng được.
Hi vọng là nói theo kiểu “nôm na, mộc mạc” này sẽ giúp các học viên dễ dàng hiểu vấn đề hơn?
Còn bây giờ, xin nói theo ngôn ngữ của KHÍ CÔNG:
Động công là quá trình sinh hóa, tĩnh công là quá trình chuyển hóa.
Động công là dương, là CHA!
Tĩnh công là âm, là MẸ!
“Cha sinh, mẹ dưỡng”!
Theo cái lí thông thường, thì CHA là người kiếm tiền và “đem tiền về cho Mẹ” (nghe có vẻ giống Đen Vâu nhể )..
Mẹ là vị mama tổng quản, sẽ biết chi tiêu số tiền đó sao cho hợp lí nhất, phù hợp nhất đối với cuộc sống gia đình.
Vậy ở đây, ông Cha ĐỘNG CÔNG sẽ tạo ra khí lực. Và bà Mẹ TĨNH CÔNG sẽ là người chuyển hóa cái khí lực đó một cách phù hợp nhất cho cơ thể, để có sức khỏe.
Tất nhiên, nếu nhà không có Mẹ, thì gã Cha kia vừa kiếm tiền, vừa phải tính toán chi tiêu.
Hoặc giả nhà không có Cha, thì bà Mẹ cũng sẽ vẫn phải bươn chải vừa kiếm tiền, vừa toan tính cho cuộc sống.
Nhưng đó là trường hợp bất đắc dĩ. Chứ còn có đủ cả Cha và Mẹ sẽ vẫn là phương án lí tưởng nhất!
II/TÁC DỤNG CỦA 3 KĨ THUẬT THỞ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TẬP LUYỆN LỚP QUÍ 3.2024:
Chúng ta tập luyện 3 kĩ thuật hít thở.
3 Kĩ thuật hít thở này nằm trong chương trình đào tạo các Lạt Ma của Khí công Tây Tạng. Tất nhiên, chẳng cứ đào tạo Lạt Ma thì mới có các kĩ thuật hít thở này. Tuy nhiên, nó nằm trong chương trình tập luyện của các Lạt Ma và tôi giới thiệu đến các học viên.
1/Thải độc tố cơ thể:
Nếu coi cơ thể của mình như một ngôi nhà. Thì dù bất kì là nhà đắt hay rẻ, biệt thự hàng chục, hàng trăm tỉ hay chỉ là ngôi nhà cấp 4 hoặc nhà tranh vách đất…
Muốn ở được, trước hết nhà phải sạch sẽ.
Một ngôi nhà tranh vách đất nếu sạch sẽ thì sẽ đem lại sức khỏe cho người ở trong nó.
Còn một ngôi biệt thự, một tòa lâu đài nếu đầy rác rưởi, bốc mùi xú uế thì không thể ở được. Đồng nghĩa với việc người ở trong nó làm sao mà khỏe mạnh được?
Chúng ta vẫn phải thường xuyên hàng ngày, hoặc hàng tuần quét tước, vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng.
Thế nhưng đối với “ngôi nhà cơ thể” này, chúng ta có ý thức làm điều đó không?
Hàng ngày chúng ta ăn uống thứ nọ thứ kia. Mà đồ ăn thức uống bây giờ phần lớn là thực phẩm bẩn (có muốn cũng khó tránh được).
Không khí cũng ô nhiễm, bẩn thỉu.
Ra đường thì đủ loại bụi bặm, khí thải từ ô tô, xe máy…
Đám đàn ông thì bia rươu, thuốc lá…
Đám đàn bà thì bôi trét lên mặt mũi, cơ thể đủ loại hóa chất dưới các dạng son phấn, kem dưỡng da…
Tất cả những thứ đó đi vào, ngấm vào cơ thể ta.
Độc tố, suy ra cũng là một dạng vật chất.
Vật chất luôn tồn tại dưới 3 thể: Rắn, Lỏng và Khí.
Cơ thể rất vất vả loại bỏ các chất độc tố.
Thể rắn loại qua đường đại tiện.
Thể lỏng qua đường tiểu tiện, mồ hôi.
Nhưng còn thể khí, nếu chúng ta không biết cách hít thở cho đúng, thì sự đào thải qua việc hô hấp sẽ rất hạn chế!
Mà chất độc dạng khí – còn gọi là trược khí, thán khí, vô cùng nhiều trong cơ thể chúng ta được tạo thành qua quá trình chuyển hóa từ các nguồn đầu vào.
Vậy kĩ thuật hít thở THẢI ĐỘC TỐ sẽ hỗ trợ vô cùng đắc lực cho việc “dọn dẹp vệ sinh, thải rác” ra khỏi ngôi nhà cơ thể của chúng ta.
Khi cơ thể được thải tối đa độc tố ra ngoài, chưa cần phải làm gì thêm, chưa cần phải bồi bổ gì thêm, đã tự chuyển biến theo chiều hướng tốt lên.
Kĩ thuật này còn có tác dụng đẩy những gì dư thừa ra ngoài. Vì vậy, đối với những bệnh mãn tính như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mở, tiểu đường… hãy tập thật tích cực. Sau một thời gian sẽ thuyên giảm.
Đặc biệt là đối với những ai bị ợ chua, trào ngược dư a xít thì kĩ thuật này phát huy tác dụng rất nhanh chóng.
Không chỉ thế, kĩ thuật hít thở này còn giúp chúng ta cân bằng trạng thái tinh thần một cách vô cùng hữu hiệu. Nếu lúc nào đó mình nổi nóng, muốn chửi bới, cãi cọ, oánh nhau… nghĩa là lúc hỏa khí bốc lên đầu.
Vậy thì hãy áp dụng ngay kĩ thuật thở này. Chỉ sau mươi hơi thở, bạn sẽ thấy hỏa khí không còn nữa. Không còn muốn đấm vỡ mõm thằng khác hoặc nói những lời khiến nó muốn đấm vỡ mõm mình.
Lúc nào cáu giận, bạn cứ thử mà xem!
Còn tiếp!
(02 kĩ thuật hít thở còn lại: “Cân bằng âm dương; Làm mạnh hệ miễn dịch, tăng nội lực cơ thể” sẽ biên tiếp vào ngày mai)
Tác giả: Chưởng môn phái Khí công Himalaya Trần Hoài Văn
Xin vui lòng ghi rõ nguồn “Câu lạc bộ Khí công Himalaya – https://khiconghimalaya.vn” khi phát hành lại thông tin trên.