Thầy tôi là người rất giỏi về y học cổ truyền. Bởi thế, các bài giảng của Thầy được kiến giải bằng những kiến thức về kinh huyệt, mạch lạc rất khoa học và dễ hiểu.
Tôi ham học thì ít, nhưng lòng tham thì vô biên, nên cứ vòi Thầy dạy cả đông y cho. Cụ nhìn tôi, cái nhìn như chế diễu pha lẫn nét bao dung: “Thầy đang dạy cho mày khí công, nghĩa là phần Thánh đạo. Còn đông y, dù có thật giỏi, thì cũng chỉ là Vương đạo và Bá đạo mà thôi…” Tuy nhiên, là một thằng tham lam và khá trơ trẽn, tôi vẫn tiếp tục năn nỉ… Cuối cùng, “đất chẳng chịu giời, thì giời phải chịu đất”. Cụ bảo: “Học tạm cái này đi. Sau này, mày sẽ được học về y học cổ truyền với các cao nhân khác. Thầy không còn nhiều thời gian đâu…”
Và thế là cụ truyền cho tôi món “thổi hương” kèm đọc chú (cái này thì những ai học Thất Sơn thần quyền, hay còn gọi là Quyền thề, Võ bùa…) sẽ hiểu ngay vấn đề. Còn người khác thì không hiểu, không tin bởi thấy nó rất kì lạ, kì cục, khó hiểu…
Đại khái, cách chữa bệnh như sau: Người chữa bệnh sẽ đốt 1 nắm hương (3-5-7-9 nén, đừng nhiều quá mà chỉ tổ khói cay xè, nhức mắt. Có thể thay thế hương bằng ngải cứu, thuốc lá…), thổi vào vùng bị đau và một số vùng liên quan (sau này, khi chuyển sang học Diện chẩn điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu, tôi mới biết đó chính là những vùng “đồng ứng, phản chiếu”. Cũng chính vì vậy, tôi rất tâm đắc với món “huyền công” của y phái này). Vừa thổi hương, vừa lẩm nhẩm đọc chú, còn người được chữa cứ “nhắm mắt vào mà hưởng thụ”. Sau khi thổi hương (hoặc ngải cứu) xong, lại trì chú vào chai nước do chính người bệnh cầm đến rồi bảo người đó uống.
Thú thật là sau khi được truyền nghề, tôi đã hăm hở lao vào thực hành. Nhưng không hề đơn giản chút nào. Bởi thời bây giờ, thuốc các kiểu bán ê hề ngoài hiệu. Trong nhà, nếu ai bị đau đầu,đau bụng, ho hắng… thì lại tợp mấy viên, vài hôm thì khỏi. Chứ ít ai chịu ngồi nhắm nghiền mắt, phơi lưng, phơi bụng ra cho mình thổi hương, thổi ngải…
Những ngày đầu tiên “hành nghề”, thất bại đau đớn!
Của đáng tội, cũng là do lỗi của tôi một phần… Hì hục mãi, cũng có “khứa”, nghĩa là nịnh mãi, thuyết phục mãi thì vợ con cũng chịu đem thân ra làm chuột bạch. Nhưng tại mình tham, đốt nhiều hương, khói nghi ngút khiến “đám chuột bạch” chảy hết cả nước mắt nước mũi, đúng kiểu chuột bị hun khói. Cũng vì chưa có kinh nghiệm, đọc chú hơi to. Đám“chuột” kia không hiểu gì, tò mò hé mắt ra nhìn, thấy mình tay vung nắm hương đỏ rực, mắt long sòng sọc, phồng mang trợn má đọc “xi ca lô, xì cà lồ” gì đó, điệu bộ y hệt thằng bị down. Đã thế, tay chân còn vụng về, làm rơi cả đống tàn nhang vào cổ, vào lưng “bệnh nhân chuột bạch”, khiến chúng co chân chạy một mạch, một đi không trở lại với gã “thầy thuốc down” này!
Người nhà không xong, xoay ra người ngoài. Tình nguyện chữa bệnh không công… Gạ mãi, cũng có người đồng ý. Rút kinh nghiệm, khôn hơn, đọc chú thầm trong tâm, mặt mũi không long lên nữa, mà hiền từ một cách vô cùng giả tạo, thay hương bằng ngải cứu (vừa đỡ khói, vừa đỡ mang màu sắc mê tín dị đoan)…
Lạy Giời, lạy Tổ! Sau một quãng thời gian nịnh nọt, năn nỉ để được chữa bệnh… Đã có đôi chút thành công. Ai hợp thì khỏi nhanh lắm. Nhất là những bệnh về lưng vai gáy cổ, đau đầu…, nếu ai hợp, thì chỉ sau lần đầu tiên đã thấy dịu hẳn…
Vì vậy, bây giờ không phải “nịnh nọt bố con thằng nào nữa” rồi, mà vẫn có “khứa”. Đã thế, từ khi học Diện chẩn điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu, thì sau khi thổi hương (hơ ngải), còn giở bộ đồ nghề ra bấm bấm day day, lăn lăn gõ gõ, chọc chọc ngoáy ngoáy… Bệnh nhân cứ gọi là “phê như con tê tê”…
Nhưng càng tiếp xúc với lĩnh vực “chữa bệnh” này, tôi càng thấm thía lời Thầy đã dạy về cái gọi là “5 con đường đạo trong y học”. Xin chép ra đây để các bạn học viên cùng tham khảo.
5 CON ĐƯỜNG ĐẠO trong y học bao gồm:
1/ THÁNH ĐẠO:
Dạy cho con người cách tập luyện, khiến cơ thể mình luôn luôn khỏe mạnh, không bệnh tật nào xâm nhập được. Giống như trong một quốc gia, nếu có quân đội hùng mạnh, thì không kẻ thù nào có thể xâm lược được; nếu có lực lượng cảnh sát tinh nhuệ, thì an toàn xã hội luôn được bảo đảm.
Cơ thể con người ta là bộ máy tinh vi, kì diệu nhất, là sản phẩm tuyệt vời nhất mà Tạo hóa (Thượng Đế) đã làm ra. Các cơ quan lục phủ ngũ tạng, các tuyến hooc môn, tùng, yên, giáp, thượng thận… luôn tiết ra những chất mà cơ thể đòi hỏi. Và những chất này bao giờ cũng là tốt nhất, không một sản phẩm hóa dược tân tiến, hiện đại nào có thể sánh được. Cơ thể con người có một năng lực vô cùng lớn trong việc tự trị bệnh, nếu biết tập luyện đúng phương pháp, để đánh thức những tiềm năng tự phục hồi, tự quân bình trạng thái.
Điều này các môn Khí công dưỡng sinh làm rất tốt, trong đó có KHÍ CÔNG HIMALAYA!
2/ VƯƠNG ĐẠO: Cách chữa bệnh lấy chính khí làm gốc. Nghĩa là người thầy thuốc biết xác lập phác đồ điều trị hợp lí, chữa từ gốc bệnh để phục hồi nguyên khí, thể trạng gần như ban đầu cho bệnh nhân. Ví dụ nhiều khi đau tai nhưng lại chữa thận, đau mắt nhưng lại chữa gan, bị bệnh ngoài da nhưng lại chữa phổi…
3/ BÁ ĐẠO: Chữa bệnh ở ngọn. Đau đâu chữa đấy, hỏng gì thay nấy.
4/ KÌ ĐẠO: Chữa bệnh bằng những phương pháp “không giống ai”, dị thường, kì lạ… nằm ngoài cơ sở y lí dân gian cũng như y học hiện đại. Một trong số này có thể kể đến các phương pháp “chữa mẹo” trong dân gian… Hoặc chính thủ pháp “thổi hương, hơ ngải, đọc chú” cũng nằm trong con đường đạo thứ 4 này.
Các phương pháp theo “Kì đạo”nhiều khi mang lại hiệu quả rất tốt, rất nhanh mà không thể giải thích được bằng khoa học thực nghiệm.
5/ MA ĐẠO: Lợi dụng lòng tin mê muội của bệnh nhân, giở trò buôn thần bán thánh, dùng các tiểu xảo tà đạo, dẫn dụ người ta vào con đường mê muội… Nhiều khi bệnh nhân bị “chiếm xác”, tuy cơ thể khỏi bệnh, nhưng bên trong là “một người khác”, chứ không phải là “linh hồn” của mình nữa.
Vậy thì, thưa các bạn!
Có lẽ, chúng ta không nên theo con đường thứ 5 “Ma đạo”, phải vậy không?
Ngay cả cái cách mà tôi đã năn nỉ để gần như “buộc” Thầy phải dậy (nằm trong “KÌ ĐẠO”), cũng chỉ mang tính “chữa cháy” mà thôi.
Còn lại 3 con đường (tính từ dưới lên): BÁ ĐẠO, VƯƠNG ĐẠO, THÁNH ĐẠO
BÁ ĐẠO và VƯƠNG ĐẠO đòi hỏi bạn phải là những bác sĩ giỏi hoặc những lương y cực giỏi. Điều này e rằng không phải ai cũng làm được, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kinh tế và tuổi tác. Học là phải tốn tiền, tốn thời gian. Mà đa số chúng ta, khi phát bệnh nọ, tật kia thì đã không còn trẻ nữa để mà đi học tây y hay đông y.
Nhưng với “THÁNH ĐẠO”, bạn luôn luôn có thể bắt đầu tập luyện các môn Khí công dưỡng sinh, dù tuổi già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn…
Vậy, hãy nhớ và cố theo con đường “THÁNH ĐẠO” nhé, hỡi những ai đã tình cờ nhìn thấy bài viết này!
Chúc các bạn luôn vui khỏe, thân tâm an lạc!