fbpx

CÓ NÊN ĐƯA BỐ MẸ VÀO VIỆN DƯỠNG LÃO???

TÂM SỰ VỀ BỐ GIÀ VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ KHÔNG LỜI GIẢI

________________________________________

I/KHI DẤU CHÂN THỜI GIAN IN HẰN

Buổi chiều cuối thu, từ Đà Nẵng ra, hắn hộc tốc phi từ ga về nhà. Cánh cổng sắt rít lên một tiếng kẽo kẹt như lời than vãn của thời gian. Từ trong nhà, tiếng ti vi vọng ra oang oang mặc dù chẳng có ai thực sự xem. Như thường lệ, hắn thấy bố ngồi một mình trên chiếc ghế gỗ nứt nẻ, cũ kỹ, ánh mắt xa xăm nhìn về khoảng không mơ hồ nào đó, tay cầm ly rượu đã cạn một nửa.

“Bố ăn gì chưa?” Hắn hỏi, dù biết chắc rằng trên bàn là mâm cơm nguội tanh mà người giúp việc đã dọn từ vài tiếng trước, hầu như chưa động đũa.

Ông ngước nhìn hắn, ánh mắt có chút ngơ ngác như vừa tỉnh từ một cơn mơ. Rồi ông gượng một nụ cười mệt mỏi: “À, con ra rồi đấy à. Bố chưa đói.”

Đã một năm trôi qua kể từ khi mẹ hắn ra đi. Và cũng một năm nay, hắn chứng kiến bố tàn tạ từng ngày – một người đàn ông 84 tuổi đang sống giữa những ký ức và cô đơn.

Từ ngày mẹ mất, ngôi nhà dường như cũng mất đi linh hồn của nó. Bố hắn trở nên suy sụp, nhiều khi như người thất thần, mặt mũi ngơ ngác. Nhiều bữa ăn, ông ngồi nhìn đi đâu, quên cả gắp thức ăn. Chỉ có rượu là thứ không bao giờ quên, và nhiều khi say nghiêng ngả, cứ gọi tên vợ trong cơn mơ màng.

Cuộc sống lộn ngược – lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Có những đêm khuya, hắn thấy ông lập cập mở cửa ra ngoài tum, lặng lẽ ngắm nhìn những chậu cây hoa cảnh mà mẹ hắn đã trồng từ ngày xưa…

Những chậu cây chẳng hiểu có nói gì với bố không… Hắn chỉ thấy những chiếc lá khe khẽ run rẩy trong cơn gió đêm như thì thầm những giai điệu bất tận của đời người…

II. BÀI TOÁN KHÔNG LỜI GIẢI

“Con có nhớ mẹ nói gì trước khi mất không?” Một buổi tối, bố bất ngờ hỏi trong lúc cùng ngồi uống trà.

Hắn gật đầu. Làm sao quên được. Mẹ đã dặn hắn và các em: “Hãy chăm sóc bố con, đừng để bố buồn.”

Lời dặn tưởng đơn giản, nhưng thực hiện lại khó vô cùng. Hắn – một người đàn ông 58 tuổi, Chưởng môn Khí Đạo Himalaya, người đã từng trải qua biết bao thử thách trong đời và hầu như chưa bao giờ bị khuất phục, chịu thua trước bất kì hoàn cảnh nào – lại bất lực trước nỗi buồn của bố mình.

Bố hắn muốn có “bà nữa” về chăm sóc. Hắn rất ủng hộ, nhưng đây là phương án bất khả thi. Vì bố hắn già yếu quá rồi, chẳng có bà nào “chịu” về ở cùng cả. Thử tưởng tượng, một ông già 84 tuổi, sức khỏe sa sút, đãng trí, lẩm cẩm, thì làm sao có thể bắt đầu một mối quan hệ mới?

Thấy bố cả ngày lủi thủi, cô đơn, hắn đã nghĩ đến việc đưa bố vào viện dưỡng lão với gói chăm sóc loại tốt. Nhưng bố hắn nhất định không chịu vì cho rằng như vậy là “vô phúc” – có con mà không được nhờ cậy gì.

“Tao nuôi các con từ khi chưa biết đi, chưa biết nói. Tao không bỏ chúng mày bao giờ. Nay tao già, chúng mày lại muốn bỏ rơi tao à?” – bố nói, và những lời ấy như những nhát dao đâm thẳng vào tim hắn.

Hắn cố giải thích, đó không phải là bỏ rơi, mà là tìm nơi chăm sóc tốt nhất cho bố. Nhưng bố không nghe, và cuối cùng, hắn đành chịu, cứ để bố ở nhà với người giúp việc. Vì bản thân hắn và các em hắn (những đứa con của bố) cũng phải đi làm. Các cháu cũng phải đi học, đi làm, mỗi đứa một phương.

Đây chính là một bài toán không có lời giải – khi truyền thống va chạm với thực tế hiện đại, khi tình yêu thương vấp phải những rào cản của cuộc sống.

III/MÀN ĐÊM TRONG NGÔI NHÀ NHIỀU NGƯỜI

Hầu hết người Việt Nam chúng ta, khi nói đến việc đưa người già vào viện dưỡng lão, đều cảm thấy day dứt và mặc cảm tội lỗi. Chúng ta lớn lên với những câu ca dao, tục ngữ về công ơn cha mẹ, về lòng hiếu thảo của con cái. “Công cha như núi Thái Sơn”, “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, nuôi cháu mới hay công sinh thành” – những câu nói ấy đã thấm vào máu thịt chúng ta.

Nhưng thực tế của xã hội hiện đại lại có những đòi hỏi khác. Ngày xưa, gia đình nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Những người già không bao giờ phải lo cô đơn vì luôn có con cháu quây quần. Công việc đồng áng, thủ công nghiệp cho phép con cháu vừa làm việc vừa chăm sóc ông bà.

Còn bây giờ? Nhịp sống công nghiệp, công việc văn phòng kéo dài từ sáng đến tối, những căn hộ chung cư chật hẹp, chi phí sinh hoạt tăng cao… Tất cả đã làm thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống.

Nhưng điều trớ trêu là, dù cuộc sống đã thay đổi, quan niệm về chữ hiếu vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng ta vẫn nghĩ rằng, hiếu là phải giữ cha mẹ ở nhà, dù cho điều đó có ý nghĩa gì khi cả ngày nhà vắng tanh, không có ai để trò chuyện, để chia sẻ?

Bố hắn ngày ngày vẫn bật ti vi oang oang mặc dù chẳng xem, vì chỉ muốn “cho có tiếng người”. Ông cố gắng tạo ra ảo giác về một không gian sống động, trong khi thực tế, ông đang sống trong một ngôi nhà đầy người, nhưng lại vắng bóng sự hiện diện thực sự của con người.

IV/TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT: BỐ HẮN VÀ CĂN PHÒNG 12M²

Nói về bố hắn, đây thực sự là một trường hợp đặc biệt mà hắn hoàn toàn bó tay. Khác với nhiều người già khác, bố hắn đã tự nguyện “nhốt” mình trong căn phòng 12m² suốt gần 40 năm qua. Không phải vì bệnh tật hay khó khăn trong việc đi lại, mà đơn giản vì ông không muốn bước ra khỏi không gian quen thuộc ấy.

Anh em hắn đã nhiều lần khuyến khích bố tham gia các sinh hoạt của hội người cao tuổi địa phương, các câu lạc bộ ca hát, thơ văn… nhưng ông luôn từ chối. “Bố không thích những nơi đông người,” ông nói, “Bố quen với cuộc sống này rồi.”

Thế giới của bố hắn thu hẹp lại trong căn phòng nhỏ với chiếc giường, chiếc bàn, và chiếc ti vi cũ. Thỉnh thoảng, ông lại lên tầng tum, nhìn ra khu vườn nhỏ, nơi mẹ hắn từng chăm sóc những khóm hoa. Nhưng hầu hết thời gian, ông sống trong thế giới của riêng mình, với những ký ức, những suy tư mà bọn hắn – những đứa con – không thể nào chạm tới.

V/GIA ĐÌNH HẮN: NHỮNG MẶT SÁNG TỐI

May mắn thay, trong bức tranh u ám ấy vẫn có những điểm sáng. Bố mẹ hắn có bốn người con, hắn là con trai duy nhất và ba cô em gái.

Hắn phải thừa nhận rằng, các em gái hắn đều rất biết yêu thương và chăm sóc bố mẹ, chứ không hề đểnh đoảng như hắn.

Sau khi li hôn, hắn càng cảm thấy mình là người con bất hiếu. Không chỉ vì không thể dành nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ, mà còn vì không thể mang về một người con dâu để phụng dưỡng cha mẹ già – một điều mà trong quan niệm truyền thống của người Việt là vô cùng quan trọng.

Thêm vào đó, vì hoàn cảnh cuộc sống riêng, giờ hắn lại ở trong Đà Nẵng. Nhưng kiểu gì hắn cũng phải bố trí 1 tuần ở Đà Nẵng, 1 tuần ra Hà Nội. Và kể cả trong trường hợp không có công việc gì đòi hỏi sự có mặt thường xuyên này, nhưng hắn vẫn đi lại giữa hai nơi còn có bố ở ngoài này.

Rất may, sát nhà bố hắn là căn nhà của vợ chồng cô em út. Vợ chồng nó luôn quan tâm và chăm sóc bố thường xuyên. Đặc biệt, chú em rể út – Nguyễn Toèn – là một người con rể hiếm có, rất tử tế và có ý thức chăm sóc bố vợ. Hắn thật sự biết ơn nó rất nhiều.

Hàng ngày, bố hắn được cô giúp việc chăm sóc cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Và các em gái cùng gia đình chúng luân phiên ghé thăm, mang đến cho bố những bữa cơm ngon, những cuộc trò chuyện ấm áp.

Nhưng dẫu vậy, vẫn không thể lấp đầy khoảng trống mà mẹ hắn để lại, không thể xua tan cái bóng cô đơn luôn bao trùm lấy bố.

VI/ĐỊNH NGHĨA LẠI CHỮ HIẾU

Vậy thì, hiếu là gì? Hiếu có phải là giữ cha mẹ ở nhà, ngay cả khi điều đó có thể không phải là tốt nhất cho họ? Hay hiếu là tìm kiếm giải pháp tốt nhất có thể cho cha mẹ, dù điều đó có thể đi ngược lại với quan niệm truyền thống?

Hắn tin rằng, chữ hiếu cần được định nghĩa lại trong bối cảnh xã hội hiện đại:

1/Hiếu là tôn trọng ý muốn và phẩm giá của cha mẹ.

Nếu bố mẹ muốn ở nhà, hãy tìm cách để đáp ứng nguyện vọng ấy một cách tốt nhất, có thể là thuê người chăm sóc chuyên nghiệp, tổ chức thời gian để các con luân phiên về thăm, tạo ra những sinh hoạt phù hợp để bố mẹ không cảm thấy cô đơn.

Nếu bố mẹ muốn vào viện dưỡng lão, hãy tôn trọng quyết định đó và tìm một nơi thực sự tốt, chứ không phải là “tống” bố mẹ đi để rảnh tay lo việc riêng.

2/Hiếu là đảm bảo cha mẹ có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.

Nhiều khi, chất lượng cuộc sống không chỉ là vật chất đầy đủ, mà còn là sự kết nối tinh thần, cảm giác được cần đến, được tôn trọng. Bố hắn, dù sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi với người giúp việc chăm sóc, vẫn cảm thấy cô đơn vì thiếu đi sự tương tác tinh thần.

3/Hiếu là duy trì kết nối tinh thần, dù có thể xa cách về mặt địa lí.

Một cuộc gọi điện thoại mỗi vài ngày, một chuyến thăm đều đặn mỗi tuần, một món quà nhỏ trong ngày sinh nhật, hay đơn giản là một tin nhắn hỏi thăm… tất cả đều là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Trong thời đại công nghệ số, khoảng cách địa lý không còn là rào cản lớn cho sự kết nối tình cảm.

4/Hiếu là nhận ra và chấp nhận giới hạn của bản thân.

Chúng ta không phải là siêu nhân. Chúng ta có công việc, có gia đình riêng, có trách nhiệm với con cái của chính mình. Không thể đòi hỏi mọi người đều có thể từ bỏ tất cả để chăm sóc cha mẹ 24/7. Điều quan trọng là tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong điều kiện thực tế.

5/Hiếu là không để cha mẹ trở thành gánh nặng tâm lý.

Nhiều người già lo lắng vì trở thành gánh nặng cho con cái. Họ thấy con mình vất vả, mệt mỏi vì phải chăm sóc mình. Hiếu là giúp cha mẹ sống những năm tháng cuối đời mà không phải lo lắng, áy náy. Đôi khi, một viện dưỡng lão tốt, nơi họ được chăm sóc chuyên nghiệp và có bạn bè, có thể là cách để giảm bớt cảm giác “làm phiền” con cái.

VII/ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM: NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC TẾ

Đối với trường hợp đặc biệt như bố hắn – người đã tự nguyện sống trong căn phòng nhỏ suốt 40 năm và từ chối mọi hoạt động xã hội – làm thế nào để cải thiện cuộc sống của ông?

1/Tạo môi trường sống thân thiện trong không gian quen thuộc

Thay vì cố gắng thay đổi thói quen của bố, anh em hắn đã cố gắng cải thiện môi trường sống trong chính căn phòng 12m² ấy. Một chiếc giường thoải mái hơn, một cái tivi, điều hòa luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất hoặc bất kì thứ gì bố yêu cầu để tự thấy thoải mái, tiện nghi hơn.

2/Mang thế giới bên ngoài vào trong

Nếu bố không muốn ra ngoài, anh em hắn mang thế giới bên ngoài vào cho ông. Những bữa cơm gia đình được tổ chức trong căn bếp nhỏ với sự góp mặt của các con, các cháu. Hắn và thằng em rể Nguyễn Toèn ngồi uống rượu với bố, bàn luận chuyện chính trị, thời sự trong nước, quốc tế… những thứ mà trước đây ông khá thích thú…

Nhiều khi ba bố con nói chuyện hăng quá, cùng ngồi văng tục, chửi bậy nghe cũng khoai khoái…

Hoặc cũng có những trận đá bóng Việt Nam với nước ngoài, ba bố con (hắn cùng thằng Toèn em rể) ngồi xem.

Mỗi khi thấy mấy thằng In đô, Ma lai chơi đểu đánh nguội khiến cầu thủ nhà mình lăn lộn, ba bố con đều đồng thanh gào lên “ĐM thằng kia, giết!!”.

Hắn tiện tay đập một phát suýt vỡ kính mặt bàn, bố hắn cũng giơ tay lên định đập theo, nhưng chợt nhớ ra mình không còn ở tuổi cái thằng con mất dạy kia nên khả năng bị gẫy tay là rất cao, ngài bèn thu tay lại, cất đi, không đập nữa…

Mấy đứa con gái luôn tranh thủ có mặt ít nhất tuần một vài lần ăn cùng bố, gắp thức ăn cho bố và nói những câu chuyện vui, kéo ông ra khỏi cái tổ kén của hoài niệm nặng nề…

Những câu chuyện về cuộc sống, công việc,sự quay quần của các con, các cháu phần nào giúp bố cảm nhận được nhịp sống bên ngoài.

3/Áp dụng công nghệ theo cách đơn giản nhất

Điều này thì không áp dụng được trong gia đình hắn. Vì bố hắn rất “ếch nhựa” trong lĩnh vực này.

Chẳng bù cho mẹ hắn hồi còn sống, nhắn tin zalo nhoay nhoáy, lập FB bốt ảnh, còm kiếc đủ kiểu.

Nhưng nếu gia đình bạn đọc nào có ông bố bà mẹ biết sử dụng mấy thứ “công nghệ” này thì cũng rất nên sắm sửa cho các cụ một chiếc máy tính bảng đơn giản với các ứng dụng xem phim, nghe nhạc, và vài trò chơi đơn giản đã giúp giết thời gian hiệu quả hơn.

4/Thuê người chăm sóc phù hợp

Nên tìm kiếm người giúp việc không chỉ là người chăm sóc biết nấu ăn, giặt giũ mà còn là người biết lắng nghe, biết trò chuyện với người già. Họ hiểu rằng, nhiệm vụ của họ không chỉ là chăm sóc thể chất mà còn là làm bạn với các cụ.

5/Tận dụng sự hỗ trợ từ gia đình mở rộng

Sự hiện diện thường xuyên của vợ chồng cô em út và đặc biệt là chú em rể Nguyễn Toèn đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của bố. Hai em không chỉ sang thăm mà còn thực sự quan tâm, trò chuyện, và chia sẻ những khoảnh khắc đời thường với bố.

VIII/CHIA SẺ GÁNH NẶNG

Đối với hắn, người con trai duy nhất nhưng lại là người con bất lực nhất trong việc chăm sóc bố, nỗi day dứt luôn thường trực. Hắn đã ly hôn, không có gia đình ổn định, và công việc đòi hỏi nhiều thời gian. Nhiều đêm, hắn trằn trọc với câu hỏi: Liệu mình có phải là đứa con bất hiếu? Lúc bố (mẹ) hắn cần nhất sự có mặt của một đứa con dâu, thì hắn không làm được việc đó…

Nhưng rồi hắn nhận ra, chăm sóc người già không phải là hành trình đơn độc của một người. Đó là trách nhiệm chung của cả gia đình, thậm chí là của cả cộng đồng. Và trong gia đình hắn, mỗi người đang đóng góp theo cách riêng của mình.

Các em gái hắn với tình yêu thương vô bờ bến, luôn dành thời gian bên bố dù công việc và gia đình của chúng bận rộn đến đâu. Chú em rể Nguyễn Toèn, người đàn ông tử tế mà hắn hết lòng biết ơn, đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho bố hắn.

Còn hắn, dù không thể hiện diện thường xuyên như mong muốn, vẫn cố gắng đóng góp theo cách của mình – tài chính cho việc chăm sóc, những bữa ngồi hầu rượu bố có khi cả vài tiếng đồng hồ, những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng miễn là nó hợp gu ông bố của mình…

Anh em bọn hắn đã học được cách chia sẻ gánh nặng, hỗ trợ lẫn nhau. Và có lẽ, đó chính là định nghĩa mới của chữ hiếu trong thời đại này – không phải là một người con hy sinh tất cả, mà là tất cả cùng đóng góp để mang lại cuộc sống tốt nhất có thể cho người thân yêu.

IX/KẾT LUẬN: ĐÂU MỚI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT?

Chăm sóc bố mẹ già như thế nào? Đặc biệt là khi một trong hai người đã “ra đi”, còn một người ở lại với nỗi đau đớn mất mát về tình cảm, với nỗi cô đơn khủng khiếp vì thiếu đi người bạn đời của mình?

Nên để bố (mẹ) ở nhà hay vào viện dưỡng lão?

Câu trả lời không đơn giản, không có công thức chung cho tất cả mọi người. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh riêng, mỗi người già là một cá thể với những nhu cầu, mong muốn khác biệt. Có những người già thích sự náo nhiệt, có những người lại thích yên tĩnh. Có người mong muốn được ở bên con cháu, có người lại thích tự do, độc lập.

Nhưng có một điều hắn tin chắc: Yêu thương không đo bằng khoảng cách địa lý, không tính bằng số giờ ở chung một mái nhà. Yêu thương đo bằng sự quan tâm thực sự, bằng nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất cho người mình yêu thương, dù điều đó có thể đi ngược lại với kỳ vọng xã hội, với áp lực dư luận.

Bố hắn, dù vẫn khăng khăng sống trong căn phòng nhỏ của mình, vẫn từ chối tham gia các hoạt động xã hội, nhưng ít nhất, ông đang được bao bọc bởi tình yêu thương của các con, của người giúp việc tận tụy, và đặc biệt là của người con rể tuyệt vời.

Và có lẽ, đó mới là điều quan trọng nhất – không phải là nơi người già sống, không phải là số lượng hoạt động họ tham gia, mà là chất lượng cuộc sống và cảm giác được yêu thương, trân trọng mà họ có được.

Nếu bạn đang day dứt, đau đớn trước quyết định về cách chăm sóc cha mẹ già, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Hàng triệu người con như chúng ta đang phải đối mặt với cùng một thách thức. Và dù bạn quyết định thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương, sự tôn trọng, và mong muốn mang lại cho cha mẹ những năm tháng cuối đời trọn vẹn nhất.

Vì cuối cùng, điều cha mẹ cần không phải là một căn nhà sang trọng, không phải là sự hiện diện 24/7 của con cái, mà là biết rằng họ được yêu thương, được trân trọng, và được chăm sóc tốt nhất có thể.

Và có lẽ, đó chính là định nghĩa đích thực của chữ Hiếu trong thời đại mới.

________________________________________

(Hình minh họa: Sưu tầm trên mạng)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.