=================================
CHƯƠNG 2:
BẢN CHẤT KHÍ ĐẠO HIMALAYA VÀ NHÁNH KHÍ CÔNG Y HỌC
1. Giới thiệu về Khí Đạo Himalaya – Tinh hoa nghìn năm hội tụ
Một lời giải thích về tên gọi Khí Đạo Himalaya
Trước tiên, tôi muốn chia sẻ với quí độc giả về sự chuyển đổi trong tên gọi của hệ thống tu luyện mà chúng tôi đang truyền dạy. Trước đây, phương pháp này được biết đến với tên gọi “Khí công Himalaya”, nhưng từ nay, chúng tôi chính thức sử dụng tên gọi “Khí Đạo Himalaya”.
Sự thay đổi này không đơn thuần chỉ là một điều chỉnh về ngôn từ, mà là sự phản ánh chính xác hơn về bản chất và triết lý sâu sắc của phương pháp.
Trong khi “Khí công” nhấn mạnh vào khía cạnh rèn luyện kỹ thuật và thực hành hơi thở, thì “Khí Đạo”mở rộng hơn, bao hàm cả một con đường tu luyện toàn diện – không chỉ về kỹ thuật mà còn về tinh thần, tâm thức và lối sống.
“Đạo” trong Khí Đạo Himalaya không chỉ có nghĩa là con đường hay phương pháp, mà còn tượng trưng cho nguyên lý, chân lý và sự hòa hợp với vũ trụ. Khi kết hợp với “Khí” – năng lượng sinh mệnh, và “Himalaya” – vùng đất thiêng liêng với truyền thống tu luyện cổ xưa, cái tên “Khí Đạo Himalaya”thể hiện đầy đủ hơn về một hệ thống tu luyện toàn diện, giúp con người phát triển cả sức khỏe, nội lực, trí tuệ và sự hòa hợp với Đạo.
Tên gọi mới này không phải là một sự thay đổi tùy hứng, mà là một bước tiến hóa tất yếu, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển sâu hơn trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy của chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng rằng, với tên gọi này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về chiều sâu và giá trị toàn diện của phương pháp mà chúng tôi đang chia sẻ – một con đường không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn khai mở tiềm năng vô hạn của tâm trí và tinh thần.
=============================
Nhiều học viên thường tò mò về bản chất thực sự của Khí công y Himalaya. Họ hỏi tôi: “Thưa Thầy, Khí công y Himalaya có liên quan đến những màn biểu diễn như đập gạch bằng đầu, chống giáo vào cổ, hay nằm cho xe cán qua người không?”
Tất nhiên, đứng trước câu hỏi rất thú vị như vậy, tôi thường gợi ý họ tách bạch giữa thực tế và hình ảnh phim ảnh. Trong các bộ phim võ hiệp Trung Hoa, chúng ta thường thấy những cao thủ nội công có thể đẩy đối thủ bay xa chỉ bằng một cái phất tay, đi trên mặt nước, hay lướt trên ngọn cây.
Thậm chí với những người đã quen biết, tôi còn nói đùa với họ: “Ồ, thật vui mắt và thú vị khi trong một đất nước cứ ra đường là thấy hàng loạt người nhảy nhót, múa hát trên than hồng, mảnh thủy tinh; Chạy ầm ầm trên mặt hồ; Dùng đầu đập vỡ hết các bức tường và dùng TRYM quật dập cả thân cây… Thế nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu trong một đất nước mà chỉ toàn những người không ốm đau, bệnh tật, không vật vã khổ sở, đau đớn, tán gia bại sản và chết khổ sở…. Các bạn có đồng ý như vậy không?”
Nghe tôi nói vậy, ai cũng phá lên cười và gật đầu đồng ý.
Khí công quả thật tồn tại và có những hiệu quả đáng kinh ngạc, nhưng bản chất và mục đích của nó sâu sắc hơn nhiều so với những màn biểu diễn ngoạn mục.
Thế hệ 6X như tôi còn nhớ những cảnh tượng ở bến xe, bến tàu: những người bán thuốc sâu răng, hôi nách thường kèm theo các màn biểu diễn gây ấn tượng. Tuy nhiên, những màn trình diễn đó chủ yếu là mẹo và tiểu xảo, không phản ánh đúng tinh thần và bản chất của khí công chân chính.
Về các màn công phá gạch, chống giáo vào cổ, đi trên thủy tinh hay chịu đòn không đau, đây là những kỹ năng thuộc phạm trù khí công võ thuật. Chúng có giá trị riêng trong lịch sử và văn hóa võ thuật, nhưng không phải là trọng tâm của Khí công y Himalaya.
Trong những năm đầu học với Sư Phụ, tôi cũng từng bị thu hút bởi những kỹ năng ngoạn mục này và cũng hì hục rang đỗ, rang sỏi, buộc chì vào chân, ngâm rượu xoa bóp… Khi ấy, Sư Phụ tôi đã chia sẻ một góc nhìn sâu sắc: “Nếu con luyện những kỹ năng này để truyền dạy, con hãy suy nghĩ về tỷ lệ thành công và mục đích cuối cùng. Sẽ có mấy người đủ kiên trì tập luyện và làm được những “công phu” đó? Liệu họ sẽ dùng những kỹ năng đó vào việc gì? Biểu diễn? Tìm kiếm danh tiếng?”
Người tiếp tục: “Thầy kỳ vọng ở con nhiều hơn thế – đó là khả năng truyền bá những bài tập nâng cao sức khỏe và chữa bệnh cho cộng đồng. Những bài tập ấy cần đơn giản, dễ tiếp cận để mọi người đều có thể thực hành. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự đóng góp vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đó chính là tinh thần của Khí công Y học. Còn những kỹ năng biểu diễn kia, nếu sau này con quan tâm, con vẫn có thể tìm hiểu thêm.”
Sau này, khi Khí công Himalaya đã đem lại sự cải thiện vô cùng đáng kể cho hàng ngàn người tập luyện, tôi mới thực sự vỡ ra rằng: Lời dạy của Sư Phụ đã giúp tôi nhận ra rằng giá trị cốt lõi của Khí công y Himalaya nằm ở khả năng chữa lành, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện. Đó là con đường tôi đã chọn để theo đuổi và truyền dạy.
Bản chất của khí công y học là một nghệ thuật tinh tế về nhận thức, điều phối và vận dụng năng lượng sinh mệnh, thông qua sự kết hợp giữa hơi thở có ý thức, vận động thân thể hài hòa, và sự định hướng của tâm trí. Đây là một con đường giúp con người khám phá tiềm năng thể chất, khai mở năng lượng nội tại, chữa lành bệnh tật, và tiến tới trạng thái cân bằng hoàn hảo giữa thân – tâm – trí.
Trong hơn 5000 năm lịch sử y học phương Đông, khí công không chỉ là một phương pháp điều trị, mà còn là một triết lý sống, một con đường tu dưỡng tinh thần, và một phương tiện để hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa con người với vũ trụ. Các bậc thầy thời cổ đại đã quan sát và nhận ra rằng mọi vật trong vũ trụ đều được cấu thành từ năng lượng, và con người cũng không ngoại lệ. Họ đã khám phá ra rằng thông qua việc điều chỉnh và làm hài hòa năng lượng trong cơ thể, người ta có thể đạt được trạng thái khỏe mạnh tối ưu và thậm chí vượt qua những giới hạn thông thường của con người.
Nói một cách đơn giản, khí công y học giúp cơ thể vận hành theo cách tối ưu nhất mà tự nhiên (tạo hóa) đã thiết kế. Khi khí lưu thông thông suốt, thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, và tuổi thọ cũng sẽ tự nhiên kéo dài.
2. Mối liên hệ với khí công y học – Khí công trong truyền thống phương Đông
Khí công y học là một nhánh quan trọng của y học cổ truyền Trung Hoa, Tây Tạng, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước khác, được xây dựng trên nền tảng hiểu biết về sự vận động của khí – năng lượng sinh mệnh – trong cơ thể con người. Phương pháp này sử dụng hơi thở có ý thức, động tác tinh tế, sức mạnh ý niệm và năng lượng trường khí để điều hòa hoạt động nội tạng, tăng cường sinh lực và hỗ trợ quá trình phòng ngừa, điều trị bệnh tật.
Trong suốt chiều dài lịch sử phương Đông, khí công y học đã được các danh y lỗi lạc như Biển Thước, Hoa Đà, Tôn Tư Mạc, và Lý Thời Trân (Trung Quốc); Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh (Việt Nam) … nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chữa lành bệnh tật, tăng cường thể chất và kéo dài tuổi thọ.
Hoa Đà, một danh y thời Tam Quốc, đã sáng tạo ra “Ngũ Cầm Hí” – bộ khí công bắt chước động tác của năm loài vật (hổ, hươu, gấu, khỉ và chim) để tăng cường sức khỏe. Tôn Tư Mạc, một y sỹ vĩ đại thời nhà Tấn, đã viết “Thiên Kim Phương” trong đó mô tả chi tiết các phương pháp khí công để điều trị bệnh.
Nếu cần so sánh, khí công y học giống như một dòng suối ngầm tinh khiết, âm thầm chảy xuyên suốt trong toàn bộ nền y học phương Đông. Nó không chỉ đơn thuần là một phương pháp tập luyện thể chất, mà còn là một hệ thống tri thức uyên thâm về cấu trúc và chức năng của cơ thể con người, về bản chất của sinh lực, và về sự kết nối mật thiết giữa con người với các quy luật vũ trụ.
Trong hành trình gần hai thập kỷ nghiên cứu, tu luyện và truyền dạy khí công, tôi và các học viên đã chứng kiến vô số trường hợp hồi phục kỳ diệu khi người bệnh kiên trì tập luyện đúng phương pháp. Từ những bệnh nhân mắc các chứng đau mãn tính đã nhiều năm không đáp ứng với thuốc men, đến những người mắc các bệnh lý phức tạp như tăng huyết áp, tiểu đường, cho đến các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo âu – tất cả đều có sự cải thiện đáng kể.
Điều quan trọng cần hiểu rõ là: Những kết quả này không phải là phép màu hay hiện tượng siêu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của việc tái kích hoạt khả năng tự điều chỉnh và tự chữa lành vốn có trong mỗi con người, thông qua việc khơi thông và điều hòa dòng chảy năng lượng sinh mệnh.
3. Hệ thống năng lượng trong cơ thể – Bản đồ vi tế của sự sống
Khí công y học hoạt động dựa trên một hệ thống năng lượng phức tạp và tinh vi trong cơ thể con người, một hệ thống thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc các thiết bị y khoa thông thường. Tuy nhiên, thông qua hàng ngàn năm quan sát và trải nghiệm, các bậc thầy khí công đã vẽ nên một “bản đồ năng lượng” chi tiết của cơ thể con người.
Hệ thống năng lượng này bao gồm các dòng khí khác nhau, mỗi loại đều có vai trò và chức năng riêng biệt:
Nguyên khí (Yuan Qi) – Đây là năng lượng nguyên thủy, căn bản nhất, được hình thành từ thời điểm thụ thai và được lưu trữ trong thận. Nguyên khí đóng vai trò nền tảng cho mọi hoạt động sinh lý và tinh thần, là nguồn gốc của sức sống và khả năng phát triển. Trong Hoàng Đế Nội Kinh, một văn bản y học cổ đại của Trung Hoa, Nguyên khí được mô tả như “nguồn gốc của sự sống, gốc rễ của thể xác và tinh thần”.
Khi Nguyên khí dồi dào, con người không chỉ khỏe mạnh mà còn tràn đầy sinh lực, trí tuệ minh mẫn và tinh thần phấn chấn. Ngược lại, khi Nguyên khí suy giảm, cơ thể sẽ suy yếu, dễ mắc bệnh và nhanh lão hóa. Điều đáng chú ý là, khác với quan niệm phổ biến, Nguyên khí không phải là một lượng cố định không thể thay đổi. Thông qua luyện tập khí công đúng cách, đặc biệt là các bài tập tĩnh công như “Thai Tức Công” và “Đan Điền Hô Hấp”, người ta có thể bảo tồn và thậm chí tăng cường Nguyên khí, từ đó kéo dài tuổi thọ và chất lượng sống.
Chân khí (Zhen Qi) – Đây là năng lượng tinh khiết đã qua tinh lọc, được chuyển hóa từ Nguyên khí kết hợp với năng lượng từ thức ăn và không khí. Chân khí lưu thông trong hệ thống kinh lạc, nuôi dưỡng các cơ quan và mô, duy trì chức năng sinh lý bình thường. Trong các văn bản cổ, Chân khí được ví như “dòng sông sinh mệnh” chảy khắp cơ thể.
Một điểm đáng chú ý là Chân khí không chỉ lưu thông theo một hướng cố định. Khí có thể di chuyển theo nhiều hướng khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể và ý niệm của người tập. Trong khí công cao cấp, người tập có thể điều khiển Chân khí tập trung vào các bộ phận cụ thể để tăng cường chức năng hoặc chữa lành tổn thương.
Vệ khí (Wei Qi) – Đây là lớp năng lượng bảo vệ, lưu thông ở ngoài cùng của cơ thể, tạo thành một “lá chắn năng lượng” chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Vệ khí đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, kiểm soát sự mở đóng của lỗ chân lông và điều hòa thân nhiệt. Trong các văn bản y học cổ điển, Vệ khí được mô tả như “người lính canh” bảo vệ cơ thể khỏi “tà khí” (các yếu tố bệnh lý từ môi trường).
Một hiểu biết thú vị là Vệ khí không chỉ lưu thông trong cơ thể mà còn tạo ra một trường năng lượng bao quanh cơ thể, có thể mở rộng từ vài centimet đến hàng mét tùy theo sức mạnh nội lực của mỗi người. Các bậc thầy khí công có thể cảm nhận được trường Vệ khí của người khác và thậm chí có thể tương tác với nó. Khi Vệ khí mạnh mẽ, người ta không chỉ ít bị bệnh mà còn cảm thấy tự tin, an toàn và ít bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực từ môi trường.
Trong thuật ngữ của một số trường phái yoga và khí công Ấn Độ, Tây Tạng, vệ khí còn được gọi là vầng hào quang (bao quanh thân thể con người). Khoa học đã phát minh ra máy có thể chụp được vầng hào quang này.
Dinh khí (Ying Qi) – Đây là năng lượng nuôi dưỡng được tạo ra từ tinh chất của thức ăn, lưu thông theo đường máu để cung cấp dưỡng chất và năng lượng cho các cơ quan nội tạng. Dinh khí đóng vai trò thiết yếu trong quá trình trao đổi chất, tái tạo tế bào và duy trì chức năng sinh lý.
Một điểm ít được biết đến là Dinh khí có mối liên hệ mật thiết với cảm xúc và tinh thần. Khi Dinh khí dồi dào và lưu thông tốt, con người không chỉ có sức khỏe thể chất mà còn có tinh thần vui vẻ, tâm trạng ổn định. Ngược lại, khi Dinh khí suy giảm hoặc tắc nghẽn, không chỉ cơ thể yếu đi mà còn dễ dẫn đến trạng thái lo âu, trầm cảm. Đây là lý do vì sao trong khí công, việc điều hòa Dinh khí không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn cân bằng cảm xúc.
Tông khí (Zong Qi) – Đây là năng lượng tổng hợp được hình thành từ sự kết hợp giữa khí hấp thụ từ thức ăn và không khí, tập trung chủ yếu ở vùng ngực. Tông khí hỗ trợ chức năng hô hấp, tuần hoàn máu và cả khả năng phát âm. Trong các văn bản cổ, Tông khí được ví như “hơi thở của cuộc sống”.
Điều đáng chú ý là các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra mối liên hệ giữa Tông khí và chức năng của tuyến ức – một cơ quan quan trọng trong hệ miễn dịch, nằm ở chính vị trí mà y học cổ truyền mô tả là trung tâm của Tông khí. Điều này cho thấy các bậc thầy y học cổ đại đã có những hiểu biết sâu sắc về sinh lý học mà không cần các thiết bị y khoa hiện đại.
Ngoài các loại khí nêu trên, hệ thống năng lượng của cơ thể còn bao gồm một mạng lưới phức tạp các đường dẫn năng lượng, được gọi là kinh lạc.
Hệ thống kinh lạc gồm 12 kinh chính (tương ứng với 12 tạng phủ), 8 mạch kỳ kinh (các mạch đặc biệt không kết nối trực tiếp với các tạng phủ), và hàng trăm huyệt đạo(các điểm kết nối năng lượng) phân bố khắp cơ thể.
Trong số các mạch kỳ kinh, hai mạch quan trọng nhất là Nhâm mạch và Đốc mạch, tạo thành một vòng tuần hoàn năng lượng được gọi là “Tiểu Chu Thiên”. Nhâm mạch chạy từ đáy bụng lên đến môi dưới, trong khi Đốc mạch chạy dọc theo cột sống từ đáy xương cụt lên đến môi trên. Khi khí lưu thông thông suốt trong Tiểu Chu Thiên, sức khỏe và tuổi thọ sẽ được nâng cao đáng kể.
Trong các huyệt đạo, một số điểm đặc biệt quan trọng trong khí công bao gồm:
Đan Điền – Có ba vị trí Đan Điền: Hạ Đan Điền (khoảng 3cm dưới rốn), Trung Đan Điền (vùng ngực), và Thượng Đan Điền (giữa hai chân mày). Trong đó, Hạ Đan Điền được xem là “kho chứa năng lượng” của cơ thể, là trung tâm của trọng lực và sinh lực. Khi tôi hướng dẫn học viên tập trung vào Đan Điền, nhiều người bắt đầu cảm nhận được cảm giác ấm nóng hoặc rung động nhẹ tại khu vực này – đó chính là biểu hiện của sự tích tụ khí.
Bách Hội – Huyệt đạo nằm ở đỉnh đầu, được xem là “cửa ngõ” kết nối con người với năng lượng vũ trụ. Khi kích hoạt huyệt Bách Hội, năng lượng vũ trụ có thể được hấp thụ vào cơ thể, giúp nâng cao tầm nhận thức và trí tuệ. Trong các phương pháp thiền định cao cấp, việc mở “cửa Bách Hội” là một bước quan trọng để đạt đến trạng thái giác ngộ.
Ấn Đường – Huyệt đạo nằm giữa hai chân mày, còn được gọi là ‘con mắt thứ ba’. Đây là trung tâm của trực giác và nhận thức cao cấp. Khi huyệt Ấn Đường được kích hoạt, người tập có thể trải nghiệm trạng thái tỉnh thức cao hơn, tầm nhìn nội tâm sáng rõ hơn.
Lao Cung – Huyệt đạo nằm ở giữa lòng bàn tay, là cửa ngõ để phát và thu năng lượng. Trong khí công trị liệu, các bậc thầy sử dụng huyệt Lao Cung để truyền năng lượng chữa lành cho người bệnh.
Dũng Tuyền – Huyệt đạo nằm ở giữa lòng bàn chân, là điểm kết nối với năng lượng đất. Kích hoạt huyệt Dũng Tuyền giúp cơ thể hấp thụ năng lượng từ đất, tạo nên sự vững chãi và cân bằng.
Đây chính là “bản đồ năng lượng” tinh vi của cơ thể, nơi khí vận hành để nuôi dưỡng và duy trì toàn bộ hệ thống sinh lý. Khi giảng dạy tại Trung tâm Khí Đạo Himalaya, tôi thường ví hệ thống kinh lạc như một mạng lưới đường cao tốc vô hình, nơi năng lượng được vận chuyển đến mọi ngóc ngách, mọi tế bào của cơ thể.
Khi những “đường cao tốc” này thông suốt, sức khỏe sẽ được duy trì ở trạng thái tối ưu. Nhưng khi có chỗ tắc nghẽn hoặc mất cân bằng, bệnh tật sẽ bắt đầu hình thành và phát triển. Luyện tập khí công chính là cách để khai thông những điểm tắc nghẽn đó, khôi phục dòng chảy tự nhiên của năng lượng, và từ đó khôi phục trạng thái cân bằng và khỏe mạnh.
Một điểm đáng lưu ý là: Hệ thống năng lượng này không chỉ tồn tại ở cấp độ vật lý mà còn ở cấp độ tinh thần và tâm linh. Theo quan niệm của y học phương Đông, mỗi kinh lạc và tạng phủ không chỉ có chức năng sinh lý mà còn liên quan đến các trạng thái cảm xúc và tinh thần cụ thể. Ví dụ, kinh Can (Gan) liên quan đến cảm xúc giận dữ, kinh Tâm (Tim) liên quan đến niềm vui, kinh Phế (Phổi) liên quan đến nỗi buồn.
Hiểu biết này mở ra một cách tiếp cận toàn diện với sức khỏe: Khi điều hòa khí trong một kinh lạc cụ thể, chúng ta không chỉ tác động đến chức năng sinh lý mà còn tác động đến trạng thái cảm xúc và tinh thần tương ứng. Đây chính là lý do vì sao khí công không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn mang lại sự cân bằng tình cảm và sự tĩnh lặng tinh thần.
4. Tác động của khí công đến cơ thể theo cái nhìn khoa học – Lý giải hiện đại
Trong những thập kỷ gần đây, khoa học hiện đại đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về khí công y học và tác động của nó lên cơ thể con người. Mặc dù khoa học phương Tây vẫn chưa thể “nhìn thấy” khí theo cách mà y học cổ truyền phương Đông mô tả, nhưng các nghiên cứu khoa học đã ghi nhận những thay đổi sinh lý cụ thể khi con người thực hành khí công.
Khi luyện tập khí công đúng phương pháp, cơ thể trải qua nhiều thay đổi tích cực, bao gồm:
Cải thiện tuần hoàn máu – Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hành khí công đều đặn giúp tăng lưu lượng máu đến các mô, cải thiện sự co giãn của mạch máu, và điều hòa huyết áp. Điều này đặc biệt có lợi cho người mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, và suy tim.
Một nghiên cứu tại Đại học Y Thượng Hải đã theo dõi 120 bệnh nhân tăng huyết áp thực hành khí công trong 6 tháng. Kết quả cho thấy 85% số người có sự giảm đáng kể về huyết áp, với mức giảm trung bình là 14.5mm Hg cho huyết áp tâm thu và 8.3mm Hg cho huyết áp tâm trương. Điều thú vị là những thay đổi này duy trì ổn định kể cả khi ngừng dùng thuốc (dưới sự giám sát của bác sĩ).
Tăng cường hệ miễn dịch – Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng khí công có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại các mầm bệnh và quá trình viêm. Điều này giúp cơ thể chống lại bệnh tật hiệu quả hơn, đặc biệt là các bệnh mãn tính và tự miễn.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung đã chỉ ra rằng người thực hành khí công thường xuyên có số lượng tế bào lympho T và tế bào diệt tự nhiên (NK cells) cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Những tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus hoặc tế bào ung thư.
Ổn định thần kinh và cảm xúc – Hơi thở sâu và có ý thức trong khí công kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp giảm stress, lo âu và cải thiện giấc ngủ. Nhiều người thực hành khí công đều đặn báo cáo rằng họ cảm thấy bình tĩnh hơn, tập trung tốt hơn và ít bị xáo trộn bởi những thăng trầm cảm xúc.
Các nghiên cứu sử dụng điện não đồ (EEG) đã ghi nhận sự gia tăng sóng alpha và theta trong não của người thực hành khí công – đây là những sóng não liên quan đến trạng thái thư giãn sâu, tỉnh táo và sáng tạo. Bác sĩ Herbert Benson từ Đại học Harvard đã mô tả hiện tượng này như “phản ứng thư giãn” – trạng thái sinh lý đối lập với phản ứng căng thẳng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”.
Kích hoạt cơ chế tự chữa lành – Có lẽ tác động ấn tượng nhất của khí công là khả năng kích hoạt và tăng cường các cơ chế tự chữa lành vốn có của cơ thể. Khí công giúp các tế bào tái tạo nhanh hơn, tăng cường khả năng phục hồi tổn thương, và thậm chí có thể tác động đến biểu hiện gen liên quan đến quá trình lão hóa và bệnh tật.
Một nghiên cứu đáng chú ý tại Đại học California đã phát hiện rằng việc thực hành khí công đều đặn có liên quan đến hoạt động tăng cường của enzyme telomerase – một enzyme bảo vệ telomere (phần cuối của nhiễm sắc thể) khỏi sự thoái hóa liên quan đến tuổi tác. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì telomere ngắn đi được cho là một dấu hiệu của quá trình lão hóa tế bào và liên quan đến nhiều bệnh lý mãn tính.
Cải thiện cân bằng và phối hợp vận động – Các động tác chậm rãi và có kiểm soát trong khí công giúp tăng cường kết nối thần kinh-cơ, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp vận động. Điều này đặc biệt hữu ích cho người cao tuổi trong việc phòng ngừa té ngã – một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở nhóm tuổi này.
Một nghiên cứu tại Đại học Emory đã theo dõi 200 người cao tuổi (trên 75) tập luyện khí công dưỡng sinh trong 6 tháng. Kết quả cho thấy nhóm tập luyện giảm 47% nguy cơ té ngã so với nhóm đối chứng, đồng thời cải thiện đáng kể chức năng vận động và chất lượng cuộc sống.
Tái lập cân bằng nội tiết – Thông qua các động tác hài hòa và hơi thở sâu, khí công giúp tái lập trạng thái cân bằng trong hệ thống nội tiết, điều hòa việc sản xuất và tiết ra các hormone quan trọng như cortisol, adrenaline, endorphin, và melatonin. Điều này giúp cơ thể ứng phó tốt hơn với stress, cải thiện tâm trạng, và điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức.
Một nghiên cứu đáng chú ý trên các bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa đã phát hiện rằng việc tập luyện khí công đều đặn trong 12 tuần giúp giảm đáng kể mức insulin và đường huyết lúc đói, cải thiện độ nhạy insulin và chức năng tế bào beta tuyến tụy. Những thay đổi này gợi ý rằng khí công có thể là một phương pháp bổ trợ hiệu quả trong việc quản lý bệnh tiểu đường type 2 và các rối loạn chuyển hóa khác.
Tối ưu hóa quá trình hô hấp – Các kỹ thuật thở trong khí công giúp tăng cường dung tích phổi, cải thiện hiệu quả trao đổi khí, và tối ưu hóa việc sử dụng oxygen trong cơ thể. Những người thực hành khí công thường xuyên có khả năng hít thở sâu hơn, đều đặn hơn, và sử dụng cơ hoành hiệu quả hơn – điều mà nhiều người hiện đại đã đánh mất do thói quen thở nông và căng thẳng thường xuyên.
Các nghiên cứu trên bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen suyễn đã ghi nhận cải thiện đáng kể về chức năng phổi và chất lượng cuộc sống sau khi thực hành khí công đều đặn. Một phân tích tổng hợp từ 15 nghiên cứu với hơn 1,000 bệnh nhân COPD cho thấy khí công giúp tăng khoảng cách đi bộ 6 phút (một chỉ số quan trọng về khả năng vận động), cải thiện thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1), và giảm tần suất đợt cấp.
(Còn tiếp…)
Tác giả: Chưởng môn phái Khí công Himalaya Trần Hoài Văn
Xin vui lòng ghi rõ nguồn “Câu lạc bộ Khí công Himalaya – https://khiconghimalaya.vn” khi phát hành lại thông tin trên