Trước hết, xin cảm ơn bạn Ha Hoang đã gợi ý cho tôi viết bài này. Bởi quả thật, đây là những điều mà những người sắp tập, mới tập KHÍ CÔNG HIMALAYA rất cần biết.
Cụ thể là những điều sau đây:
1/ KHÍ CÔNG HIMALAYA là một bộ môn khí công dưỡng sinh chứ không phải khí công võ thuật.
2/ Chính vì là khí công dưỡng sinh, nên KHÍ CÔNG HIMALAYA không huấn luyện các bài tập phô trương sức mạnh hoặc những màn biểu diễn giật gân, li kì theo kiểu Sơn đông mãi võ.
3/ Các bài tập của KHÍ CÔNG HIMALAYA có mục đích giúp học viên trở thành người KHỎE MẠNH.
Xin lưu ý phân biệt rõ ràng hai khái niệm: KHỎE và KHỎE MẠNH.
– Các lực sĩ cử tạ có thể nhấc được hàng vài trăm kg, những vận động viên thể hình có thân hình lực lưỡng, bắp tay bắp chân cuồn cuộn… Nhưng nếu họ lại mang trong mình bệnh tật, thì đó chỉ có thể gọi là những người KHỎE.
– Những người không cần phải có sức mạnh đập đá, nhổ bật gốc cây, nhưng luôn ăn ngon, ngủ ngon, minh mẫn và có sức làm việc bền bỉ, thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh công việc, môi trường sống… và điều quan trọng nhất là không mang trong người trọng bệnh. Đó chính là người KHỎE MẠNH.
4/ KHÍ CÔNG HIMALAYA không phải là môn tu tập giúp học viên trở thành Tiên, Thánh, Thần… với những khả năng siêu việt mang nặng màu sắc thần thông.
KHÍ CÔNG HIMALAYA với hệ thống bài tập của mình, giúp học viên được sống đúng nghĩa trọn vẹn một KIẾP NGƯỜI, nghĩa là: KHÔNG ỐM ĐAU, BỆNH TẬT; ĂN NGON – NGỦ YÊN – LÀM VIỆC TỐT – TẬN HƯỞNG TỐT THÀNH QUẢ LAO ĐỘNG CỦA MÌNH.
5/ Để theo học KHÍ CÔNG HIMALAYA, không cần phải có năng khiếu bẩm sinh, mà chỉ cần:
– Trân quí kiếp làm người này.
– Có hiếu với cha mẹ.
Thể hiện rõ nhất ở việc biết yêu quí tấm thân tứ đại của mình do cha mẹ sinh ra. Hãy nhớ, để lớn khôn được như bây giờ, cha mẹ ta đã phải vất vả tới cỡ nào? Những ai đã từng làm bố làm mẹ, chắc quá hiểu điều này thông qua việc chăm bẵm, nuôi nấng những đứa con của mình. Mỗi khi con cái ốm đau, bệnh tật, bố mẹ đã lo lắng, vất vả ra sao?… Chưa cần biết chúng có trở nên ông nọ bà kia hay không, niềm hạnh phúc của cha mẹ rất giản dị, khi thấy con mình luôn mạnh khỏe. Kể cả khi chúng có lớn khôn, có trưởng thành đến mấy, nhưng chắc chắn cha mẹ sẽ rất đau lòng khi chúng ốm đau quặt quẹo.
Hơn nữa, nếu không có sức khỏe, thì chính chúng ta còn chưa chăm sóc được bản thân mình, huống chi nói chuyện báo hiếu bố mẹ.
– Có ý chí bền bỉ, kiên trì, không vội vàng, sốt ruột. Bởi dù có hệ thống bài tập cực kì phong phú, khoa học và hữu hiệu, nhưng cũng cần phải có thời gian, tác dụng của những bài tập đó mới ngấm vào các đường kinh mạch, các tuyến hooc môn, làm mạnh lục phủ ngũ tạng, vực dậy, nâng cấp toàn bộ cơ thể. Hay nói cách khác, nếu hình dung cơ thể mình là một cái cây, thì tập khí công là tự chữa bệnh cho mình từ gốc rễ. Khi gốc rễ đã hết sâu bệnh, thì cành mới khỏe, lá mới xanh tươi được.
Hãy hình dung thời gian đầu tập luyện giống như việc làm móng nhà. Ai đã xây nhà chắc biết, lúc làm móng, thấy thời gian trôi đi sao mà chậm chạp, thậm chí có phần nặng nề. Bởi mãi chẳng thấy nó nhú lên trên mặt đất. Thế nhưng, khi qua giai đoạn làm móng, thì sẽ thấy rất nhanh, cứ vài hôm, muộn nhất là một tuần đã xây xong một tầng.
Hay như học ngoại ngữ, thời gian đầu rất dễ làm người học chán nản, bỏ cuộc. Nhưng nếu ai đã kiên trì theo qua được 6 tháng đầu, thì phần nhiều sẽ học được đến nơi đến chốn, đọc thông viết thạo ngoại ngữ đó. Còn nếu không, chỉ bỏ ngay sau vài tuần, thậm chí vài buổi.
Khí công cũng vậy. Nếu ai chăm chỉ tập đều đặn, đúng phương pháp, đúng sức của mình trong vòng 100 ngày, sẽ thấy những cải thiện đáng kể về sức khỏe. Sau đó, sẽ có ham thích, đam mê, vì có sức khỏe làm gì cũng dễ, ham làm, ham sống, ham yêu…
6/ Hành trang để tập khí công, ngoài 5 điều trên, còn cần có 1 tấm thảm yoga, một vài bộ quần áo vải cotton, vải bông dễ thấm mồ hôi.
Để có một sức khỏe tốt, thế có là quá nhiều không nhỉ?