fbpx

NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI TẬP KHÍ CÔNG HIMALAYA

Xin chia sẻ với bạn đọc những dặn dò của Thầy Trần Hoài Văn về những điều cần lưu ý khi tập luyện Khí công Himalaya để học viên được hưởng nhiều nhất lợi lạc từ việc tập luyện, tránh để vừa phí công sức, vừa phí thời gian mà hiệu quả thu về lại không được như mong muốn,

Mặc dù những điều này tôi thường xuyên nói trên lớp trong các bài giảng. Nhưng thi thoảng vẫn nhận được PM với nhiều câu hỏi “không giống ai”… Lập tức, tôi hiểu là những gì mình nói dường như chưa “đến đúng địa chỉ”, từ “tai nọ lại chui ra ngoài bằng tai kia”.
Vậy tôi xin tranh thủ ghi lại những điều mà chúng ta cần phải nhớ:

1.Hãy biết yêu thương chính mình. Vì không ai yêu thương mình bằng mình đâu. Khi mình có sức khỏe, có nhan sắc (đẹp gái hoặc bô trai) thì có kẻ tán tỉnh, chăm sóc, chiều chuộng, mua quà, rót vào tai những lời đường mật, ong bướm, liếc mắt đưa tình, liếm mép, nuốt nước bọt một cách lộ liễu hoặc kín đáo…
Nhưng khi mình ốm đau dặt dẹo, thì bọn khốn kiếp kể trên chúng nó chạy rơi cả gỉ mắt ngay lập tức. Kể cả những thằng tên là “chồng” (hoặc những con tên là “vợ”)… không phải đứa nào cũng đủ tư cách đạo đức để chịu ở lại với mình đâu.

2.Người bình thường (chưa đến mức bị down) là người biết lao động, kiếm tiền tốt trong khả năng của mình.
Nhưng người thông minh là người biết tiêu những đồng tiền do mình làm ra một cách có ý nghĩa nhất. Nên nhớ, kiếm tiền đã khó, nhưng biết tiêu tiền còn khó hơn.
Nếu không có sức khỏe, ốm đau dặt dẹo, nằm một chỗ thì đến tiền (thành quả lao động của chính mình) cũng chẳng tiêu được đâu, vì không ăn được, chơi được… Không cẩn thận là có đứa khác đến tiêu hộ tiền do mình làm ra, xài luôn chồng (vợ) mình, đánh đập con mình đấy!

3.Trong tập luyện khí công, hãy là con rùa trong truyện ngụ ngôn của Ê dốp (“Rùa và thỏ chạy thi”), chứ đừng có làm thỏ. Con rùa mỗi ngày đi một ít, cần cù, nhẫn nại, tịnh tiến đều đều và rồi chiến thắng. Chứ như thỏ hăng tiết vịt chạy được một hôm, những ngày sau bỏ bễ thì chẳng được kết quả gì.
Tương tự như vậy với khí công, mỗi ngày tập một ít, đều đặn, bền bỉ, dẻo dai… chắc chắn sẽ đến đích.

4.Tập khí công phải tập đúng phương pháp, đừng có tự động chế ra cái gì, bớt đi cái gì. Nếu tập đúng thì được hưởng mười phần lợi lạc, tập sai ít thì được ít lợi lạc. Còn tập sai nhiều thì biến KHÍ CÔNG = PHÍ CÔNG

5.Tập khí công là tập cho mình, chứ không phải cho người khác. Do đó, phải biết sức mình mà tập. Đừng có đua theo người khác, vì họ là họ, mình là mình. Người khác có thể bây giờ tập tốt hơn mình vì người ta trẻ hơn, khỏe hơn… Cũng có thể, tạm thời ngước khác có những kết quả rất khả quan, còn mình thì chưa thấy gì…? Đừng lo lắng, đừng sốt ruột. “Chưa” không có nghĩa là “không”.

Những gì cần đến, sẽ đến!
Ông bà mình có câu: “đường xa mới biết ngựa hay”, “Cờ bạc ăn nhau lúc tàn canh”… Mình cứ kiên nhẫn, mỗi hôm cố gắng một tí thôi, chắc chắn sẽ không thua kém ai, nếu như không nói là vượt người khác.
Nên nhớ, phải có ý thức cố gắng. Nhưng cố một chút thôi, chứ đừng cố quá. Bởi CỐ QUÁ = QUÁ CỐ!

6.Tập luyện theo KHÍ CÔNG HIMALAYA không có chuyện bị “tẩu hỏa nhập ma” như một số người bị ảnh hưởng của truyện chưởng Kim Dung và phim bộ Hong Kong vẫn rêu rao đâu.
Các bài tập KHÍ CÔNG HIMALAYA không dùng ý dẫn khí, ép khí đi đâu cả. Khí vận hành tự nhiên theo cấu tạo của cơ thể. Mỗi lần chúng ta tập luyện, là “kiếm cho cơ thể một cục năng lượng”. Cơ thể như một vị tổng quản xuất sắc, tự nó sẽ điều phối năng lượng đến những nơi cần thiết. Chúng ta hoàn toàn không can thiệp thô bạo vào sự vận hành tự nhiên trong cơ thể. Do đó, không bị “phản ứng phụ” gì đâu.

7.Không được phép chủ quan, ra điều (cậy) là tập khí công rồi thì không cần phải giữ gìn sức khỏe. Bởi bệnh tật như kẻ xâm lăng, nó luôn rình rập, chỉ chờ đợi ta chủ quan là xơi tái chúng ta ngay lập tức.
Có thể hiểu (ví) cơ thể mình như một quốc gia, tập luyện sức khỏe như tinh luyện quân đội, còn bệnh tật như quân xâm lược hoặc bọn nổi loạn. Một quốc gia dù hùng mạnh đến mấy, cũng luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, trau dồi quân đội. Nếu không, ắt mất nước.

8.Có DUYÊN thì gặp, nhưng có PHÚC mới được nhận.
Gặp được KHÍ CÔNG HIMALAYA rồi, coi như đã có DUYÊN lành. Vậy đừng để PHÚC tuột đi mất!

Chúc các bạn chăm chỉ tập luyện và tập thật tốt!

Tác giả: Chưởng môn phái Khí công Himalaya Trần Hoài Văn

Xin vui lòng ghi rõ nguồn “Câu lạc bộ Khí công Himalaya – https://khiconghimalaya.vn” khi phát hành lại thông tin trên.

One comment

  1. Mình hay đứng núi này trông núi nọ nên 36 tuổi vẫn chưa có gia đình điều này cũng bình thường từ khi mình học khí công mình cảm thấy cần chờ đợi và nhẫn nại.theo cảm quan của mình khí công himalaya có những thứ thuộc về buổi sáng về bình minh nên mỗi khi tập mình đã rèn luyện cơ thể đến cái đích cần đến cảm ơn khí công cảm ơn các anh chị đã hỗ trợ trong thời gian qua

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.