Con tàu SE19 lao vun vút xuyên qua màn đêm đen sẫm. Ngoài cửa sổ, những đốm đèn vàng nhập nhòe loang loáng như những vì sao bé nhỏ đang chạy ngược chiều.
Hắn, vừa kết thúc một bài Tĩnh công của Khí Đạo Himalaya, ngồi tựa lưng vào thành ghế, lắng nghe tiếng bánh xe nghiến trên đường ray với nhịp điệu đều đặn: “lạch cạch, lạch cạch…” – âm thanh quen thuộc ấy theo hắn suốt bao năm tháng trong kiếp người lang bạt.
Hàng tuần, hắn vẫn đi trên hành trình tuần hoàn này – một tuần ở Hà Nội với người cha già 84 tuổi, giảng dạy Khí Đạo cho các học viên lớp trực tiếp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam; một tuần ở Đà Nẵng với hai con trai – những thiên thần nhỏ bé của đời hắn. Rồi lại ra Hà Nội, rồi lại vào Đà Nẵng… Một vòng tuần hoàn không ngừng về thời gian và không gian…
Từ khi mẹ hắn ra đi cách đây một năm, cha hắn như héo hắt đi trong nỗi cô đơn. Và hắn, dẫu đã ở tuổi 58, vẫn không thôi trăn trở và nhói đau vì chưa tròn với trách nhiệm của một người con.
Đời người, phải chăng cũng giống như chuyến tàu này? Mỗi chúng ta đều là những hành khách tạm thời trên một hành trình bị giới hạn bởi hai điểm đến đã định sẵn: SINH và TỬ. Khoảng giữa ấy, ta chỉ là những kẻ khách qua đường, gặp gỡ và chia tay nhau tại những nhà ga không hẹn trước.
==================
Ngồi trên tàu, hắn không khỏi nhớ về những chuyến tàu đi suốt một thời trai trẻ – thời mà hắn còn là sinh viên “nhảy tàu” từ Kazan lên Moscow để lấy hàng hóa buôn bán, mưu sinh.
“Nhảy tàu” – cái từ ngữ nghe có vẻ nổi loạn mà thực chất là đầy nghĩa đen: Lũ sinh viên bọn hắn đi trốn vé không hề đơn giản, vì hồi đó Liên Xô quản lí người nước ngoài rất chặt chẽ, muốn đi từ thành phố này sang thành phố khác phải có visa như thể đi từ nước nọ sang nước kia vậy.
Rồi những chuyến tàu xuyên đêm từ Moscow sang Warsaw và ngược lại, cũng chỉ để buôn bán, mưu sinh. Hắn nhớ những lần phải trốn chui trốn lủi để tránh cảnh sát biên phòng, phải giấu vàng, đô la khi qua biên giới để không bị hải quan Brest (một cửa khẩu giữa Liên Xô – Ba Lan) tịch thu. Đó là những tháng ngày gian khó nhưng cũng chứa đựng biết bao kỷ niệm khó quên trong đời người.
Bây giờ, ngồi trên chuyến tàu đường sắt Bắc-Nam, hắn không còn phải trốn tránh như xưa, nhưng nhịp điệu “lạch cạch” vẫn quen thuộc đến lạ. Thay vào đó, hắn được tận hưởng vẻ đẹp của đất nước mình trải dài như một bức tranh tuyệt đẹp qua khung cửa tàu: từ Hải Vân với mây mù giăng kín, đến bãi biển Lăng Cô trong xanh, hay những cánh đồng lúa miền Trung vàng đến nhức mắt vào mùa gặt…
Đôi chân hắn đã lang bạt qua nhiều vùng đất, vùng lãnh thổ, nhưng hắn thấy không đâu đẹp bằng dải đất chữ S nhiều đau thương và gian khổ (có thể cảm xúc này mang đôi chút cảm tính). Hắn thấy phục “các cụ nhà mình quá”, bởi những phần đẹp nhất của đất nước toàn là nhờ những lần “mang gươm đi mở cõi” của tổ tiên từ thuở xa xưa…
Hắn từng gặp biết bao người trên hành trình này. Họ đến rồi đi như những dáng hình thoáng qua trong sương khói, đôi khi chỉ để lại vài câu nói, một cái nhìn, một nụ cười, hay đôi khi chỉ là một sự im lặng đầy ắp những điều không thể nói thành lời.
Ai bảo những cuộc gặp gỡ thoáng qua không thể khắc sâu vào tâm khảm? Ai bảo những khoảnh khắc ngắn ngủi không thể trở thành vĩnh cửu trong ký ức?
Hắn nhớ một người đàn ông già nua ngồi cạnh hắn trên chuyến tàu ngược về miền Bắc năm nào. Ông không nói nhiều, chỉ im lặng ngắm nhìn phong cảnh qua khung cửa sổ hẹp. Khi tàu dừng ở một ga nhỏ miền Trung, ông chậm rãi đứng dậy, khẽ vỗ vai hắn và nói: “Đừng tìm kiếm hạnh phúc ở những chân trời xa xôi, nó luôn ở ngay trong tim mình, như viên ngọc đã được mài giũa bởi những nỗi đau.” Rồi ông xuống tàu, biến mất giữa đám đông hối hả. Hắn chẳng bao giờ gặp lại ông, nhưng những lời nói ấy đã trở thành kim chỉ nam cho hắn suốt những năm tháng trôi dạt.
Có người ta gặp chỉ một lần rồi chẳng bao giờ gặp lại. Nhưng cái “một lần” ấy đôi khi lại mang sức nặng của cả một đời người. Như con bướm đêm lao vào ngọn lửa, đôi khi ta cũng lao vào những cuộc tình chóng vánh, để rồi mang theo những vết bỏng không thể lành trong suốt quãng đời còn lại. Vết thương có khi đau đớn, nhưng cũng có khi lại ngọt ngào đến kỳ lạ.
Đôi khi, một người xa lạ bước vào đời ta chỉ trong phút chốc, nhưng để lại dấu ấn không thể phai mờ. Như người đàn bà bán bánh mì hắn gặp một đêm đông giá rét ở Hà Nội. Bà ấy, với đôi bàn tay sần sùi nứt nẻ vì lạnh, đã trả lại tờ tiền mệnh giá 500k hắn đánh rơi mà không hề do dự. Đôi mắt bà ánh lên niềm tự hào và phẩm giá, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu. “Con ơi, lương tâm còn thì còn sống được,” bà nói, rồi quay lưng đi giữa dòng người tấp nập. Một câu nói đơn giản, một cử chỉ nhỏ, nhưng đã dạy hắn một bài học lớn về nhân cách và lối sống.
=================
Có những tình bạn nảy nở trên những chuyến tàu xuyên lục địa, rồi kéo dài suốt cả cuộc đời. Hắn nhớ người bạn Nga gặp trên chuyến tàu từ Moscow về Kazan – một người đàn ông đứng đắn với mái tóc hoa râm dù khi ấy anh mới ngoài ba mươi. Bọn hắn trò chuyện suốt đêm về văn chương Nga, về Dostoevsky, Tolstoy, về những ước mơ và hoài bão. Dù chỉ gặp trong vỏn vẹn 15 tiếng đồng hồ, bọn hắn đã trở thành bạn của nhau cho đến tận bây giờ.
Rồi những người bạn hắn gặp trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời – khi hắn còn là một du học sinh nghèo, chạy ăn từng bữa. Nhiều khi chưa hết tháng đã tiêu hết sạch học bổng. Họ sẵn sàng chia sẻ thức ăn, từng mẩu bánh mì, từng củ khoai tây… Thậm chí còn góp tiền cho hắn “nhảy tàu” lên “Mát” (cách gọi tắt Moscow của người Việt) để lấy chịu hàng về bán đặng sống qua ngày. Những cuộc gặp gỡ ấy dạy hắn về lòng tốt và tình người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Trên những chuyến tàu, hắn đã chứng kiến biết bao câu chuyện tình đẹp như mơ: cô dâu hồi hộp trong bộ váy cưới trắng tinh, chàng rể hớn hở trong bộ vest lịch lãm, cùng nhau đi về quê để tổ chức đám cưới; cặp vợ chồng già nắm tay nhau ngắm cảnh qua cửa sổ, ánh mắt vẫn đong đầy tình yêu sau hơn nửa thế kỷ bên nhau; hay cô gái trẻ hồi hộp đi gặp người yêu sau những tháng ngày xa cách.
Những câu chuyện tình ấy, dù không phải của riêng hắn, vẫn khiến hắn tin vào tình yêu đích thực – thứ tình yêu vẫn tồn tại giữa cuộc đời này, như ngọn đèn sáng trong đêm tối, như ngọn lửa ấm trong giá lạnh, như dòng suối mát lạnh giữa sa mạc khô cằn.
Và cũng từ đó, hắn đã may mắn gặp được một vài người đàn bà… Những người đàn bà chỉ vút qua đời hắn như một ánh sao băng nhưng cũng đủ để đọng lại trong kí ức của hắn cả trời kỉ niệm…
Và biết đâu đấy, cũng trong giờ phút này, họ đang nhớ đến một kẻ “ngẩn ngơ ngắm sao băng”…?
Những mối quan hệ trong đời, dù ngắn ngủi hay dài lâu, đều là những món quà mà cuộc sống ban tặng. Chúng dạy ta cách yêu thương, cách trân trọng và nhất là cách buông bỏ. Bởi lẽ, không phải mọi cuộc gặp gỡ đều dẫn đến một kết thúc viên mãn, nhưng mỗi cuộc gặp gỡ đều mang một ý nghĩa riêng – như những mảnh ghép của bức tranh cuộc đời ta.
==========================
Có người đến để dạy ta bài học về sự kiên cường, như người đàn ông gốc Serbia hắn gặp trong trại giam năm xưa – một tay xã hội đen nhưng rất am hiểu triết học. Thân thể anh đầy những vết sẹo của những trận “tử chiến”, nhưng ánh mắt vẫn tỏa sáng một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. “Thể xác có thể bị giam cầm,” anh nói, “nhưng không ai có thể nhốt được linh hồn ta.” Khi được thả tự do, anh đã ôm hắn thật chặt và thì thầm: “Người anh em, hãy sống như thể mỗi ngày là ngày cuối cùng, nhưng hãy mơ ước như thể ta sẽ sống mãi.”
Có người đến để nhắc nhở ta về sự mong manh của hạnh phúc, như cậu bé bán vé số hắn gặp trong một chiều mưa bão tại Bình Định. Đôi bàn tay nhỏ bé của cậu tím ngắt, nhợt nhạt vì ngấm lạnh, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm tin vào cuộc sống. “Mai sẽ là một ngày tốt hơn. Con sẽ bán được nhiều hơn!” cậu nói khi hắn mua hết số vé còn lại. Hắn không biết “ngày mai” của cậu bé ấy có thật sự tốt đẹp hơn không, nhưng niềm tin đơn sơ của cậu đã dạy hắn hiểu rằng, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, con người vẫn có thể nuôi dưỡng hy vọng.
Và có người đến để dạy ta về sự sẻ chia, như bà cụ nghèo khó ở một vùng quê hẻo lánh hắn từng ghé qua trong chuyến đi “phượt phủi” đầy ngẫu hứng. Nhà bà không có gì ngoài một túp lều tranh xiêu vẹo và vài con gà gầy guộc. Vậy mà khi hắn ghé qua xin nước uống, bà đã mời hắn ở lại, chia sẻ bữa cơm đạm bạc với vài cọng rau lang và ít muối vừng. “Có gì ăn nấy cháu ơi,” bà nói khi thấy hắn ngần ngại. “Đừng lo, nhà bà tuy nghèo mà vẫn đủ cơm rau cho khách phương xa.” Hắn đã ăn bữa cơm đó trong nước mắt, không phải vì đói, mà vì cảm động trước tấm lòng rộng mở của bà. Và từ đó, hắn hiểu rằng, sự giàu có không đo bằng vật chất trong tay, mà đo bằng tấm lòng rộng mở trong tim.
===============
Hắn đã gặp biết bao người trong những chuyến đi không mỏi. Mỗi người đều để lại trong hắn một dấu ấn, một mảnh ký ức, một bài học. Như những hạt bụi vàng óng ánh trong nắng chiều, họ làm cuộc đời hắn rực rỡ hơn dù chỉ trong khoảnh khắc.
Như người thuyền trưởng già hắn gặp trên chuyến phà trên biển Baltic. Ông có đôi mắt xanh biếc như màu biển và nụ cười luôn nở trên môi dù bão tố hay nắng hanh. “Biển dạy ta biết kiên nhẫn,” ông nói khi thấy hắn lo lắng trước cơn sóng dữ. “Khi không thể chống lại những con sóng, ta học cách lướt trên chúng.” Và rồi ông kể cho hắn nghe về những chuyến đi xa, những cảng biển đã qua, những con người đã gặp. Mỗi câu chuyện của ông đều chứa đựng một bài học về cuộc sống, về lòng can đảm, về niềm tin. Hắn chỉ gặp ông trong vỏn vẹn một ngày trên biển, nhưng những lời ông nói đã theo hắn suốt phần đời còn lại: “Đừng sợ bão tố, hãy học cách vượt qua chúng. Và đừng sợ lạc lối, hãy nhớ rằng, đôi khi, những con đường quanh co nhất lại dẫn ta đến những điểm đến tuyệt vời nhất.”
Hắn nhớ người phụ nữ với đôi bàn chân đen nhẻm đi dép tổ ong bán trà bên đường ray xe lửa ở một ga nhỏ miền Trung. Chồng bà đã mất trong một tai nạn hầm mỏ, để lại bà với bốn đứa con thơ. Thế nhưng, thay vì buông xuôi, bà đã một mình gồng gánh gia đình, ngày ngày bán trà bên đường ray để nuôi các con ăn học. “Khổ lắm chú ơi,” bà thở dài, đưa tay gạt mồ hôi, “nhưng còn con thì còn gắng. Không lẽ mẹ buông xuôi để con mình đói à.” Lời nói giản dị nhưng chứa đựng cả một quyết tâm phi thường. Hắn gặp bà trong vỏn vẹn mươi lăm phút khi tàu dừng lại trả và đón khách, nhưng sức mạnh và ý chí của bà đã thức tỉnh trong hắn niềm tin vào sự kiên cường của con người.
Và còn biết bao người khác – người thợ mộc già với đôi bàn tay chai sần nhưng tạo ra những tác phẩm tinh xảo; cô gái nhỏ bán hương trong một ngôi chùa cổ với nụ cười rạng rỡ dù đôi chân không lành lặn; chàng họa sĩ vẽ tranh vỉa hè với ánh mắt luôn hướng về phía chân trời xa xôi… Mỗi người đều có một câu chuyện riêng, một nỗi đau riêng, một niềm vui riêng. Và mỗi người đều để lại trong hắn một dấu ấn không thể phai mờ.
====================
Có những người hắn tưởng sẽ đi cùng nhau đến cuối con đường, nhưng rồi số phận lại đưa đẩy họ rẽ sang một hướng khác. Những cuộc chia li không hẹn trước ấy, ban đầu luôn để lại những vết thương rỉ máu trong tim. Nhưng dần dà, những vết thương ấy sẽ thành sẹo, và những vết sẹo ấy sẽ trở thành một phần không thể thiếu của con người ta – như lời nhắc nhở về những gì ta đã từng trải qua, từng yêu thương, từng mất mát.
Cuộc đời đã dạy hắn nhiều bài học về mất mát và hồi sinh. Có những khoảnh khắc tưởng chừng như bế tắc, khi hắn đứng trước ngã ba đường của cuộc đời, không biết phải chọn lối đi nào. Có những lúc hắn tưởng mình sẽ đánh mất tất cả – sự nghiệp, gia đình, và cả niềm tin vào cuộc sống. Mỗi lần như vậy, hắn lại tìm đến Thiền Đạo và những bài tập Khí Đạo để lấy lại thăng bằng.
Những thử thách ấy đã làm hắn mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn. Chúng dạy hắn biết trân trọng những gì mình đang có, biết sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, biết yêu thương mà không đòi hỏi sở hữu. Và quan trọng hơn cả, những trải nghiệm ấy dạy hắn biết tha thứ – tha thứ cho người khác, tha thứ cho hoàn cảnh, và tha thứ cho chính mình.
Vết thương lòng cũng giống như vết thương thể xác: nó sẽ đau, sẽ chảy máu, sẽ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Nhưng nếu ta biết cách làm lành nó, nó sẽ thành sẹo, và những vết sẹo ấy sẽ là bằng chứng của sự sống sót, của sự kiên cường, của khả năng hồi sinh sau những tổn thương.
Hắn đã gặp một người đàn ông trong một quán rượu nhỏ ở miền núi phía Bắc. Anh có khuôn mặt khắc khổ với một vết sẹo dài chạy từ trán xuống má. “Vết sẹo này là món quà của định mệnh mà tôi luôn phải khắc cốt ghi tâm” anh nói khi thấy hắn tò mò nhìn. “Nó nhắc nhở tôi rằng tôi đã từng đối mặt với tử thần và chiến thắng nó.” Anh kể cho hắn nghe về tai nạn đã cướp đi vợ con anh và để lại anh với vết sẹo ấy. “Tôi đã muốn chết theo họ,” anh nói, “nhưng rồi tôi nhận ra rằng, sống tiếp và phải sống thật tốt là cách duy nhất để giữ họ luôn sống trong tim mình.”
Và hắn hiểu rằng, đôi khi, những mất mát lớn nhất lại là những cơ hội lớn nhất để ta trưởng thành. Như cây trúc, ta có thể gãy nhưng không đổ; như viên kim cương, ta cần được mài giũa bởi áp lực và nhiệt độ mới có thể tỏa sáng rực rỡ nhất.
=====================
Ngồi trên chuyến tàu đêm này, hắn nhìn thấy sự đan xen giữa hiện thực và ký ức – giữa người đàn ông trung niên đang miệt mài thực hành và phổ truyền Khí Đạo Himalaya hôm nay, và chàng thanh niên “nhảy tàu” năm xưa. Hai mảnh đời ấy tưởng chừng cách xa nhau một trời một vực, nhưng lại gắn kết bằng những trải nghiệm, những bài học, và những con người đã đi qua cuộc đời hắn.
Hắn chợt nhận ra rằng: chính những cuộc gặp gỡ và chia li ấy đã làm nên con người hắn của ngày hôm nay. Mỗi người hắn gặp đều để lại trong hắn một mảnh hồn của họ – có thể là một nét tính cách, một lối suy nghĩ, một cách nhìn đời. Họ đến rồi đi, nhưng phần hồn họ để lại vẫn ở mãi trong hắn, như những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đêm kia.
Cuộc đời ta không chỉ là những gì ta làm, những nơi ta đi, mà còn là những người ta gặp. Mỗi người đều mang đến một bài học, một trải nghiệm, một góc nhìn khác về cuộc sống. Người này dạy ta biết yêu thương, người kia dạy ta biết kiên cường; người này cho ta niềm vui, người kia cho ta nỗi đau; người này làm ta cười, người kia làm ta khóc. Và tất cả những điều ấy đều làm nên con người ta – phong phú, đa dạng, và luôn phát triển.
Đôi khi, ta quá mải mê với đích đến mà quên mất hành trình. Ta quá bận rộn với việc nắm bắt tương lai mà quên đi hiện tại. Ta quá lo lắng về những người đã rời xa mà quên đi những người đang ở bên. Nhưng chính trong những khoảnh khắc hiện tại ấy – những cuộc gặp gỡ, những cuộc trò chuyện, những cái nắm tay, những nụ cười – mới là nơi cuộc sống thực sự diễn ra.
Những người ta gặp trong đời, dù chỉ thoáng qua, đều để lại trong ta một dấu ấn. Như những viên sỏi nhỏ ném xuống hồ nước, họ tạo nên những gợn sóng lan tỏa, ảnh hưởng đến ta theo những cách mà ta không ngờ tới. Một lời khuyên từ người lạ trên tàu có thể thay đổi hướng đi của cả cuộc đời ta; một nụ cười từ đứa trẻ bán hàng rong có thể làm ấm lòng ta trong một ngày lạnh giá; một cái nhìn từ người yêu cũ có thể khiến tim ta đau nhói nhưng cũng đồng thời nhắc nhở ta về những điều mình đã từng trải qua.
========================
Trời đã về khuya, tàu sắp đến ga Quảng Bình, nhưng hắn vẫn không thể ngủ. Bên ngoài cửa sổ, những ánh đèn thị trấn nhỏ lướt qua nhanh như những vì sao băng. Hắn ngắm nhìn bóng mình phản chiếu trên tấm kính – khuôn mặt đã hằn lên những nếp nhăn của thời gian và những vết hằn của cuộc đời. Mỗi nếp nhăn, mỗi vết hằn đều kể một câu chuyện – chuyện về những người hắn đã gặp, những nơi hắn đã đến, những điều hắn đã trải qua.
Hắn nghĩ về hai đầu hành trình của mình – người cha già ở Hà Nội và hai đứa con thơ ở Đà Nẵng. Hai thế hệ, hai trách nhiệm, và một con người đang cố gắng nối liền cả hai. Chưa bao giờ hắn cảm thấy rõ rệt đến vậy vai trò làm cầu nối giữa quá khứ và tương lai của mình – vừa là người con phụng dưỡng cha già, vừa là người cha nuôi dạy con thơ.
Trong khoảnh khắc ấy, hắn chợt nhận ra rằng: cuộc đời này, sau tất cả, chỉ là một chuỗi những cuộc gặp gỡ và chia li. Và điều quan trọng không phải là thời gian dài hay ngắn, mà là những gì ta đã học được, những gì ta đã cảm nhận, và những gì ta đã trở thành sau mỗi lần gặp gỡ ấy.
Có người nói rằng, mục đích của cuộc sống là để tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hắn lại nghĩ, hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cách ta đi. Không phải là những gì ta có, mà là cách ta nhìn nhận những gì mình có. Không phải là việc không gặp phải bão tố, mà là học cách khiêu vũ trong mưa.
Và có lẽ, ý nghĩa của cuộc đời không nằm ở việc tìm kiếm một điểm đến cuối cùng, mà ở chính hành trình ta đang đi – với tất cả những ngã rẽ bất ngờ, những vấp ngã đau đớn, và cả những khám phá tuyệt vời. Không phải ở những thành tựu ta đạt được, mà ở những người ta gặp, những trải nghiệm ta có, những bài học ta học được.
Chuyến tàu vẫn lao đi trong màn đêm. Và hắn, một hành khách cô độc, vẫn đang trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ và chia li. Có lẽ, ý nghĩa ấy không nằm ở đích đến, mà nằm ngay trong hành trình mình đang đi – trong từng khoảnh khắc gặp gỡ, trong từng giây phút yêu thương, và cả trong những nỗi đau của chia li.
Tiếng bánh tàu vẫn đều đặn: “lạch cạch, lạch cạch…” – như nhịp đập của trái tim, như bước chân của thời gian, như dòng chảy không ngừng của cuộc đời. Và hắn, một kẻ lữ hành trên chuyến tàu đời, vẫn đang tìm kiếm ý nghĩa của mỗi nhà ga, mỗi điểm dừng, mỗi người hành khách đã từng gặp gỡ trong suốt hành trình.
Có lẽ, đó chính là ý nghĩa của cuộc đời này: Không phải để đến một đích nào đó, mà là để trải nghiệm hành trình; không phải để tìm kiếm một điểm cuối, mà là để sống trọn từng khoảnh khắc; không phải để níu giữ ai đó mãi mãi, mà là để trân trọng từng người đã bước qua cuộc đời mình, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Tàu vẫn lao đi. Đêm vẫn dài. Còn hắn, giờ đây không còn phải “nhảy tàu” như thuở hàn vi năm xưa, nhưng vẫn tiếp tục hành trình của mình – một hành trình không chỉ qua các vùng đất, mà còn qua các thế hệ, qua tình yêu thương, qua những bài học cuộc sống mà mỗi chuyến đi lại mang đến.
Ngày mai, khi tàu đến ga Đà Nẵng, hắn sẽ phóng xe vượt thêm gần ba chục km về căn nhà trước hồ Hóc Khế (Hòa Phú, Hòa Vang). Hai thiên thần nhỏ của hắn sẽ chạy ra đón cha, và hắn sẽ ôm chúng thật chặt, như thể trong vòng tay ấy chứa đựng tất cả tình yêu thương, tất cả những bài học, tất cả những trải nghiệm mà cuộc đời đã ban tặng cho hắn.
Và hành trình vẫn còn tiếp tục…