Như đã nói ở phần I, duy nhất ở “thằng vật người”, nhu cầu ĂN và ĐÚT được nâng lên thành thú ăn chơi, thành nghệ thuật hưởng thụ.
Bao đời bao kiếp, những bộ óc vĩ đại vắt kiệt cả nơ ron thần kinh để tìm ra cách chế biến những món ăn ngon miệng nhất. Để những kẻ thực khách phàm phu tục tử vừa ăn vừa rên lên vì sướng.
Cũng tương tự như vậy, bao đạo sĩ râu dê tóc búi củ tỏi đầu bù răng bựa, bao thần y, ngự y cung đình áo mũ xênh xang, vắt kiệt trí não của mình để chế ra các bí kíp tập luyện sao cho dồn khí huyết xuống trym nhanh nhất và phải giữ ở đó lâu nhất cho khỏi xìu xìu ển ển.
Bao phương thuốc được làm từ những dược liệu quí hiếm mọc tít trên tận núi cao, nơi chỉ có bọn khỉ đột, đười ươi sinh sống bằng nghề hái lượm và thi thoảng được rửa mắt ngắm bầy tiên nữ từ thượng giới xuống tắm truồng bên những hồ nước trong văn vắt…
Cũng tương tự như vậy, bao dược liệu quí giá được lấy từ bể khơi khiến cho gã thần biển Long Vương chỉ biết kêu trời than với Lạc Long Quân “Bọn hậu duệ của mày bắt hết ba ba thuồng luồng, đồi mồi, cá ngựa, cắt hết hột dái đám hải cẩu của ta rồi…!”.
Lạc Long Quân cũng chỉ biết ngửa mặt, bứt tóc giật râu, đấm ngực thùm thụp nghẹn ngào trong những giọt nước mắt to như hạt muối biển: “May mà chúng nó chưa nghiên cứu và phát hiện ra là ngọc hành của tao và mày có tác dụng cường dương đấy. Bé cái mồm thôi kẻo nó cho tàu ngầm,người nhái xuống thiến sạch sẽ ngay bây giờ…”
Tất nhiên, những dòng trên chỉ thuộc dạng just for fun. (Và cũng từ đây trở đi, tôi sẽ sử dụng lối hành văn một cách hết sức nghiêm túc, thậm chí hơi khô khan. Mong các bạn cố đọc, và nếu có khó đọc quá thì cũng cố đọc. Vì có thể nó rất cần cho bạn!)
Vâng, những dòng trên chỉ thuộc dạng just for fun.
Nhưng ám chỉ một thực tế: Để thỏa mãn nhu cầu – chính xác hơn là cái thú ĂN của mình, loài người đã không chỉ dành phần lớn thời gian, tiền bạc, mà còn sẵn sàng làm tất cả vì nó. Ngoài những ngành nghề, trung tâm dạy nấu nướng, còn phát triển nhiều ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trồng cấy, chăn nuôi với các loại thuốc bảo vệ thực vật, cám tăng trọng, công nghệ biến đổi gen, công nghiệp sản xuất, chế biến, thực phẩm, hóa thực phẩm… Thậm chí còn tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, môi trường, xóa sổ các loài động vật khác chỉ để thỏa mãn cái thú ĂN này.
Không còn gì để nghi ngờ, nhu cầu (thú) ĂN tiêu tốn vô cùng nhiều tiền của, công sức, trí tuệ, thời gian của nhân loại.
Và đổi lại, chúng ta được cái gì?
Mặc dù tiêu tốn nhiều chất xám, trí tuệ, thời gian, tiền bạc cho cái thú ĂN. Nhưng càng ngày, nhân loại càng gặp, hứng chịu nhiều loại bệnh tật. Nhiều hơn rất nhiều so với ngày trước. Trừ những bệnh do yếu tố bên ngoài tác động như virus, kiểu covid 19 bây giờ chẳng hạn… Còn thì đều là những bệnh xuất phát hoàn toàn từ chế độ ăn uống, dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt của con người mà ra.
Giáo sư, tiến sỹ Colin Campbell, người đã bỏ ra 20 năm để theo đuổi, nghiên cứu công trình về dinh dưỡng với sức khỏe con người đã phải thốt lên:
“Người Mỹ, và người dân trên toàn thế giới, cần được biết sự thật, rằng tại sao con người ngày nay lại dễ mắc bệnh đến vậy? Dù chúng ta ngày càng chi nhiều hơn cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Mỉa mai thay, giải pháp cho vấn đề này hóa ra lại đơn giản và chẳng tốn kém chút nào. Câu trả lời cho cuộc khủng hoảng về sức khỏe của con người thời hiện đại chính là những món ăn mà mỗi người chúng ta chọn đưa vào miệng mình mỗi ngày. Chỉ đơn giản là vậy”
Quả thật là như vậy!
Cơ thể chúng ta được nuôi dưỡng bằng những món ăn hàng ngày. Vậy thì khỏe mạnh hay đau ốm đều là tích lũy của thói quen ăn uống mỗi ngày mà ra.
Cơ thể chúng ta được nuôi dưỡng bằng những món ăn hàng ngày. Vậy thì khỏe mạnh hay đau ốm đều là tích lũy của thói quen ăn uống mỗi ngày mà ra.
Ngày nay chúng ta đang sống trong vô vàn các loại thực phẩm đa dạng, phong phú. Thế nhưng, phần lớn những thực phẩm này lại mang đến cho con người rất nhiều bệnh tật nếu không biết lựa chọn cho mình những gì có thể, những gì cần phải ăn…
Những ai ở thế hệ tôi hoặc lớn tuổi hơn, hẳn nhớ: Cách đây 40-50 năm, nếu có ai chết vì bị ung thư. Thì đây hẳn là một sự kiện được nhiều người xầm xì bàn tán với nỗi sợ hãi xen lẫn ngạc nhiên: “Ôi, ông X, bà Y chết vì ung thư đấy! Sợ quá!”. Nhưng bây giờ, nếu có ai chết, thì người ta sẽ hỏi: “Sao mà chết? Tai nạn giao thông hay ung thư?”. Nghĩa là, mặc nhiên thời nay, nếu có ai chết vì ung thư là chuyện hết sức bình thường. Còn ai không bị tai nạn giao thông, cũng không phải do ung thư mà chết thì mới là chuyện lạ…
Không chỉ ung thư, một loạt các bệnh khác tăng đột biến và có nguy cơ càng ngày càng tăng lên một cách đều đặn, vững chắc, toàn diện: Tiểu đường, tim mạch, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ…
Tôi nhớ, có lần được ngồi đàm đạo với Sư Phụ về bệnh ung thư, Cụ có căn dặn tôi: Chẳng có bài khí công nào đặc trị ung thư cả. Bởi từ hàng ngàn năm trước, căn bệnh này có lẽ chưa có trong danh sách những bệnh thường gặp. Nhưng khi nắm được nguyên nhân gây nên bệnh ung thư và cơ chế phát triển, thì có những chùm bài tập có thể hỗ trợ rất tốt trong việc khống chế. Cũng tương tự như vậy, bệnh tiểu đường trong y học cổ truyền và khí công từ thuở xa xưa cũng thuộc dạng “hiếm”… Tìm toét mắt trong các cổ thư, y văn cũng không thấy cái tên “tiểu đường – đái tháo đường”. Hóa ra, nó có tên là “tiêu khát”. Một chứng bệnh cũng không thuộc dạng quá phổ biến như thời đại 4.0 này.
Cũng trong lần trò chuyện đó, Sư Phụ có nói: Ở một vài nơi trên dãy Himalaya mà Cụ đã đi qua, có thấy một vài “trại” nhận chữa những người bị bệnh nan y (ung thư, tiểu đường, tim mạch, nhìn chung là các bệnh mãn tính…). Những bệnh nhân này đã vật vã, khổ sở lăn lóc ở các bệnh viện nhưng không khỏi,. Trại nhận chữa hết. Điều kiện chỉ là: Phải tuyệt đối tuân thủ nội qui mà họ đề ra, bao gồm ăn uống, tập luyện khí công, ngủ nghỉ… Nghĩa là ở trại này, áp dụng dinh dưỡng + tập luyện + lối sống để chữa bệnh. Và tỉ lệ thành công rất cao.
Thú thật, lúc đó, tôi chỉ nghe để biết vậy, chứ không mấy quan tâm. Vì cứ suy từ mình ra, thấy ăn uống thoải mái, tập luyện đều đặn hàng ngày thì việc gì phải để ý tới chế độ ăn uống làm gì cho nhiêu khê…
Nhưng sau này, có cơ hội tiếp xúc với nhiều học viên bị các bệnh mãn tính nặng, nan y cũng nhiều… Thì thấy rằng, đòi hỏi ở họ công phu tập luyện để có thể át, đè bẹp được bệnh tật ngay là điều quá sức. Bởi hầu hết các học viên này đã rất yếu về thể trạng, tay chân run rẩy, nói không ra hơi thì chưa thể có công phu công trình gì được. Với các đối tượng này, nhất định phải phối kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện thì mới có kết quả.
Lúc đó, tôi nhớ lại câu chuyện của Sư Phụ kể về các “trại” nọ…
Tôi ân hận vì đã không chú tâm tới việc tìm hiểu chế độ dinh dưỡng ngay từ ngày ấy…
Tôi đã bỏ lỡ cơ hội, vậy thì bây giờ, tôi chỉ còn con đường tự tìm hiểu, tự học hỏi mà thôi.
Vậy là lại tìm mua sách để đọc. Sách thì tràn lan, kiến thực thật giả lẫn lộn. Chẳng biết đường nào mà lần. Lại như lạc vào rừng…
Cứ hì hụi, hì hụi giam mình trong căn phòng 8m2, gí mắt vào từng con chữ.
Rồi cuối cùng, tôi đã tìm thấy những gì cần tìm. Và lao vào thực hành!
Vậy là tôi vừa chuyên tâm nghiên cứu các nhóm bài tập phù hợp với từng loại bệnh. Đồng thời cũng rốt ráo thử nghiệm các chế độ dinh dưỡng để chữa bệnh.
Những gì tôi chia sẻ ở đây, chính là những gì mà tôi đã trải qua, đem thân mình làm “chuột bạch” để thử nghiệm.
Tôi đã nghiên cứu các phương pháp dinh dưỡng của Ohsawa, bác sĩ Shinya, giáo sư – tiến sĩ Colin Campbell, Markus Rothkranz (người thực hành và cổ súy cho trường phái ăn thô)
Sau một quãng thời gian đủ dài thực hành, nghĩa là từ bỏ hẳn chế độ ăn uống bình thường mà tôi đã ăn trong bao nhiêu năm qua, để ép mình vào vai một người bệnh cần phải ăn theo chế độ dinh dưỡng chữa bệnh. Tôi đã có thể tự tin mà bày tỏ những cảm nhận của mình tới hiệu quả, tác dụng của các phương pháp này.
Tôi sẽ lần lượt chia sẻ từng phương pháp.
(Còn tiếp)