Bài tập Ngũ hành động công ứng dụng lý thuyết thuyết Tương sinh trong Ngũ hành. Luyện tập động tác của hành nào sẽ giúp tạng phủ thuộc hành đó mạnh lên, từ đó giúp cải thiện sức khỏe của tạng phủ tương sinh.
Khí công Himalaya: Tìm hiểu về Vạn Bộ Trường Sinh
Ngũ hành động công là một trong những bài tập nền tảng cơ bản đã rất quen thuộc đối với học viên của Khí công Himalaya. Tuy nhiên để hiểu rõ và tường tận nhất về nguồn gốc và triết lý của bài tập, Khí công Himalaya sẽ có chia sẻ đầy đủ nhất để học viên nắm bắt, hiểu rõ và thấm nhuần.
Chữ “Ngũ” trong cơ thể ta
Để hiểu về Ngũ hành động công, ta cần nắm bắt được chữ “Ngũ” trong tên của bài tập này. Nếu có hiểu biết phong thủy thì hẳn chúng ta đã có thể liên hệ ngay tới Ngũ hành cấu tạo nên thế giới đang sống là: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây là những yếu tố cơ bản nhất.
Trong Y học cổ truyền và khí công đã nhận định rất rõ ràng rằng: “Con người là tiểu vũ trụ, còn bên ngoài là đại vũ trụ. Muốn sống là phải thuận với tự nhiên, nếu làm trái sẽ bị hủy diệt”.
Vậy tiểu vụ trụ thì tương tự như đại vũ trụ. Vũ trụ bên ngoài có ngũ hành, trong cơ thể con người cũng vậy.
Ngũ hành trong cơ thể con người ứng với Ngũ Tạng (Tim, Gan, Lá lách, Phổi, Thận).
Mỗi Tạng lại kết hợp với một Phủ tạo thành 5 cặp Tạng Phủ.
Từ Ngũ Tạng (Phủ) sinh ra những mối liên hệ mật thiết với Ngũ Quan (5 giác quan) – Ngũ Trạng (5 trạng thái tình cảm chính) – Ngũ Vị (5 vị chính trong đồ ăn thức uống) – Ngũ Sắc (5 màu sắc chính).
Cụ thể như sau:
- Hành Kim – Tạng: Phế (phổi); Phủ: Đại trường (ruột già); Quan: Mũi; Trạng: Buồn; Vị: Cay; Màu: Trắng. Chủ về: khí – hô hấp, tuyên phát – túc giáng, bì mao (da lông).
- Hành Mộc – Tạng: Can (gan); Phủ: Đởm (mật); Quan: Mắt; Trạng: Tức giận; Vị: Đắng; Màu: Xanh lá cây. Chủ về: Tàng huyết, sơ tiết, các khớp – gân – cơ.
- Hành Thủy – Tạng: Cật (thận); Phủ: Bọng đái (bàng quang); Quan: Tai; Trạng: Sợ hãi; Vị: Mặn. Màu: Đen. Chủ về: -sinh dục và phát dục của cơ thể, khí hoá nước, xương – tuỷ.
- Hành Hỏa – Tạng: Tâm (tim); Phủ: Tiểu trường (ruột non); Quan: Lưỡi; Trạng: Vui; Vị: Chua. Màu: Đỏ. Chủ về: Thần chí, huyết mạch.
- Hành Thổ – Tạng: Tì (lá lách); Phủ: Vị (dạ dày) – Quan: Môi; Trạng: Lo lắng; Vị: Ngọt. Màu: Vàng nâu. Chủ về: Vận hoá đồ ăn – thuỷ thấp, Thống huyết, cơ nhục.
Tác dụng của Ngũ hành động công
Nhắc lại, muốn sống là phải thuận với tự nhiên, nếu làm trái sẽ bị hủy diệt. Con người muốn sống tốt, khỏe mạnh thì phải hòa hợp với đại vụ trụ.
Ngũ hành động công áp dụng thuyết Tương sinh trong Ngũ hành. Luyện tập động tác Hành nào sẽ giúp cặp Tạng – Phủ của Hành đó mạnh. Từ đó giúp cho Hành tương sinh khỏe lên theo. Theo vòng tuần hoàn đó, 5 cặp Tạng – Phủ sẽ khỏe mạnh đồng đều, tương sinh, tương khắc lẫn nhau để con người hòa mình vào đại vụ trụ, để tồn tại và phát triển.
Động tác Kim
Hành Kim tương ứng với cặp Tạng phủ Phổi – Ruột già; chủ về khí – hô hấp, tuyên phát – túc giáng, bì mao (da lông). Động tác tập thuộc hành này sẽ tác động mạnh tới kinh phế, giúp phổi có thể hít thanh khí, thải trọc khí nhanh hơn, chất lượng khí được đảm bảo. Khí trời hít vào kết hợp với tông khí (khí của đồ ăn từ tỳ khí) đưa vào tâm mạch đi toàn thân cung cấp chất dinh dưỡng. Đây gọi là sự tuyên phát của phổi.
Đồng thời, luyện tập động tác hành Kim sẽ giúp khai khiếu ra mũi, tránh các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, không ngửi thấy mùi, cũng như nâng cao hiệu quả khứu giác.
Ruột già cũng hưởng lợi từ bài tập này khi giúp cải thiện khả năng hấp thụ nước và vitamin trong thức ăn, cũng như co bóp tốt, đẩy chất thải tới trực tràng một cách thuận lợi.
Đặc biệt, người có cặp Tạng phủ Phổi – Ruột già khỏe mạnh thường sống vui vẻ, ít buồn ràu, lạc quan. Sẽ không còn nghe thấy câu nói dân gian: “Buồn nẫu phổi” nữa!
Động tác Mộc
Hành Mộc tương ứng với cặp Tạng phủ Gan – Mật; chủ về Tàng huyết, sơ tiết, các khớp – gân – cơ. Bài tập thuộc hành Mộc sẽ tác động lên kinh Gan, kinh Mật. Bài tập giúp hoạt động điều tiết lượng máu trong cơ thể được hợp lý, kịp thời. Chưa hết, luyện tập đều đặn sẽ giúp can huyết đầy đủ, các khớp, gân, cơ, phụ trách việc vận động của cơ thể được nuôi dưỡng tốt, vận động dẻo dai.
Một tác dụng đáng chú ý khác của bài tập hành Mộc là giúp vinh nhuận ra móng tay, móng chân và khai khiếu ra mắt. Gan khỏe sẽ giúp mắt được cung cấp nhiều tinh khí, nhìn tốt, mắt trong tự nhiên, sáng khỏe. Cũng chính vì điều này mà khi khám bệnh viện, đôi khi bác sĩ chỉ cần nhìn mắt là đoán được bệnh về gan là thế (người bị bệnh gan mắt thường vàng).
Người có gan khỏe sẽ có sơ tiết tốt, tức luôn thư thái, làm chủ được cảm xúc. Vì tình chí là do Tâm (Tim) và Gan phụ trách. Can khí bình thường, thì khí huyết vận hành điều hoà, tinh thần thoải mái, không bị tình trạng khí bị uất kết, hưng phấn quá độ hay u uất, cáu gắt… Câu nói “Giận bầm gan, tím ruột” cũng biến mất!
Khi Gan khỏe sẽ sản sinh được dịch mật nhiều hơn, có chất lượng cao hơn, cải thiện khả năng phân hủy các chất béo, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể người.
Động tác Thủy
Hành Thủy tương ứng với cặp Tạng phủ Cật – Bọng đái; chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể, khí hoá nước, xương – tuỷ. Động tác Thủy sẽ tác động lên kinh Thận, kinh Bọng đái, giúp cải thiện tinh của tiên thiên và hậu thiên tàng trữ trong thận, giúp quá trình chuyển đổi từ tinh thành khí rồi đi vào máu một cách tốt nhất.
Nhờ điều này mà các bộ phận trong cơ thể được tiếp nhận nguồn khí tinh tốt nhất từ máu, sức khỏe của cơ thể được cải thiện, khả năng sinh dục và phát dục tốt hơn rất nhiều. Sức khỏe của thận âm và thận dương được nâng cao đều nhau để chúng hoạt động đúng với chức năng là nương tựa, chế ngự lẫn nhau giữ thế bình quân về âm dương.
Sự chuyển hoá nước trong cơ thể do 3 tạng phụ trách: tỳ vận hoá hấp thu đưa lên phế, phế túc giáng xuống thận, ở thận được khí hoá những chất trong (có ích) được lên phế phân bố đi toàn thân, những chất đục được đưa xuống bàng quang thải ra ngoài. Do vậy, việc thận khỏe sẽ giúp quá trình khí hóa nước được thuận lợi, giữ được nhiều chất có lợi, đồng thời khả năng bài tiết được điều chỉnh phù hợp.
Là chủ về xương – tuỷ, thông với não và vinh nhuận ra tóc, khai khiếu ra tai, do vậy người có thận khỏe, luyện tập động tác Thủy thường xuyên sẽ có xương cốt cứng cáp, sinh và bổ sung tinh tuỷ cho não nên nhờ vậy mà trí tuệ minh mẫn. Tai cũng do thận tinh nuôi dưỡng, thận hư sẽ gây ra các chứng bệnh liên quan tới tai như ù tai, tai điếc, nghe không rõ…
Người có thận yếu thường sẽ cảm thấy sợ hãi. Câu nói dân gian “Sợ vãi đái” cũng thể hiện rõ vai trò của thận với trạng thái tinh thần này. Thận khỏe thì con người ta sẽ dũng cảm, tinh thần mạnh mẽ, không bị còn sợ hãi quá mức dẫn tới mất kiểm soát.
Động tác Hỏa
Hành Hỏa tương ứng với cặp Tạng phủ Tim – Ruột non; chủ về thần chí, huyết mạch. Động tác Hỏa sẽ tác động lên kinh tâm, kinh tiểu trường, kinh tâm bào, kinh tam tiêu. Nhờ đó, tim sẽ được cải thiện hiệu suất hoạt động, giúp đưa đầy đủ khí huyết đi tới não giúp nuôi dưỡng hệ thống dây thần kinh.
Não cũng chính là bộ phận tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất trong cơ thể, nếu không được cung cấp đầy đủ sẽ dẫn tới những nơ-ron thần kinh bị suy yếu, thậm chí là “chết”, gây ra bệnh lý liên quan tới sự minh mẫn, tinh thần hồi hộp, mất ngủ, hay mê, hay quên. Vậy nên người ta vẫn nói là Tâm tàng thần.
Khuôn mặt chính là nơi thể hiện rõ nhất về việc vận hành của tim. Nếu mặt mũi hồng hào, tươi nhuận, thì tức là tâm khí đầy đủ, huyết dịch vận hành không ngừng, toàn thân được nuôi dưỡng tốt. Tim cũng khai khiếu ra lưỡi, chính vì vậy mà bác sĩ vẫn hay chẩn đoán bệnh ở tim qua tình trạng lưỡi.
Ngoài ra trong Y học cổ truyền có câu: “Tâm là vị đại chủ của Ngũ tạng lục phủ, ngoại tà không được phép lọt vào được. Nếu lọt vào được thì Tâm thương, dẫn tới Thần mất. Thần mất thì chết, cho nên mọi thứ tà khí vào đều ở Tâm bào”. Khi tập các bài tập hành Hỏa sẽ giúp ta cải thiện hệ thống Tâm bào lạc, để bảo vệ không cho tà khí xâm nhập vào Tâm. Đồng thời, giúp Tâm và Trí được khỏe mạnh, không bị “sốc bất ngờ” như dân gian vẫn hay nói “Vui vỡ tim mà chết” nữa!
Động tác Thổ
Hành Thổ tương ứng với cặp Tạng phủ Lá lách – Dạ dày; chủ về vận hoá đồ ăn – thuỷ thấp, Thống huyết, cơ nhục. Bài tập thuộc hành Hỏa sẽ tác động lên kinh tỳ và kinh vị.
Bài tập giúp cải thiện khả năng vận hoá đồ ăn và vận hoá thuỷ thấp của dạ dày. Cụ thể, cải thiện vận hoá đồ ăn là tăng hiệu quả tiêu hoá, hấp thu chất tinh và vận chuyển các chất dinh dưỡng lên phổi. Từ phổi, chất tinh này sẽ được đưa vào tâm mạch để đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy mà vận hoá đồ ăn là quá trình vô cùng quan trọng, cũng có thể coi như nguồn gốc của khí và huyết.
Đồng thời, vận hoá thuỷ thấp chính là việc lá lách đưa nước đến các tổ chức cơ thể để nuôi dưỡng, sau đó chuyển xuống thận ra bàng quang bài tiết ra ngoài. Việc vận hoá thuỷ thấp tốt sẽ giúp cơ thể được bổ sung nước đầy đủ, cũng như quá trình bài tiết được hiệu quả, ổn định, tránh các tình trạng nước tràn ra tứ chi gây phù thũng, xuống đại trường gây ỉa chảy, đến khoang bụng thành cổ trướng…
Lá lách giúp hoạt động dạ dày tốt hơn, đưa các chất dinh dưỡng của đồ ăn đến nuôi dưỡng cơ nhục, nếu bộ phận này làm tốt trách nhiệm của mình sẽ làm cho cơ nhục rắn chắc, tứ chi nhẹ nhàng linh hoạt, tránh các các chứng bệnh như sa trực tràng, sa sinh dục, sa dạ dày… Lá lách khái khiếu ra miệng, vinh nhuận ra môi. Người có lá lách khỏe mạnh sẽ giúp ăn uống ngon miệng hơn, cảm nhận rõ khẩu vị, đồng thời môi hồng hào, căng mọng.
Cuối cùng, người có cặp tạng phủ Lá lách – Dạ dày khỏe sẽ tránh được cảm giác thường xuyên lo âu, stress. Sự thật mà khoa học hiện đại đã chứng minh là phần nhiều bệnh lý liên quan tới dạ dày cũng từ cảm giác lo âu mà ra. Dân gian ta cũng có câu quen thuộc là “Lo mất ăn mất ngủ” đó thôi!
Cộng đồng CÂU LẠC BỘ KHÍ CÔNG HIMALAYA TRẦN HOÀI VĂN tại đây: https://www.facebook.com/groups/631157430229052