fbpx

NHẬN DIỆN THỜI ĐẠI XÁO TRỘN (PHẦN 1)

====================

Sương sớm còn vương trên mặt hồ Hóc Khế khi những hạt mưa bụi bắt đầu rơi nhẹ. Hắn khép lại đôi mắt trên gương mặt sạm nắng, thả lỏng tâm hồn vào tiếng mưa rả rích trên tán lá. Những giọt nước mát lành như những ngón tay vô hình chạm nhẹ lên da, nhắc nhở hắn về dòng thời gian không ngừng trôi – thứ không thể nắm bắt nhưng lại biến đổi tất cả.

GIỮA MỘT THẾ GIỚI ĐẢO ĐIÊN

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại xáo trộn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Khi ánh sáng văn minh chiếu rọi vào bản năng sinh tồn nguyên thủy, khi công nghệ và truyền thống va chạm nhau, khi con người chạy đua với chính mình – những vòng xoáy năng lượng được tạo nên. Theo triết lý Khí Đạo Himalaya, đây không đơn thuần là một giai đoạn lịch sử, mà là một chu kỳ năng lượng đang ở thời điểm hỗn loạn tột đỉnh.

Trời vừa hửng sáng, những dòng người đã cuồn cuộn đổ ra đường, gương mặt căng thẳng, ánh mắt hối hả. Trong các thành phố lớn, màn sương sớm còn chưa tan đã bị xé toạc bởi tiếng còi xe inh ỏi, tiếng máy móc ầm ầm và những tiếng thở dài đầy lo âu. Con người vội vã đến mức quên đi những khoảnh khắc quý giá của sự tĩnh lặng buổi sớm mai.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hắn từng gặp một cụ già – một nhà hiền triết người Dagestan trong một chuyến đi làm ăn tới vùng đất Kavkaz xa xôi. Cụ ngồi trước hiên nhà, khói thuốc từ chiếc tẩu to như nắm đấm cuộn lên trong ánh nắng vàng nhạt, ánh mắt xa xăm nhìn về phía những đỉnh núi trùng điệp.

“Thời của các cháu,” cụ nói, giọng trầm như tiếng đất, “là thời của bão táp tâm hồn. Con người sẽ ngày càng xa nhau hơn dù khoảng cách vật lý giữa họ ngày càng gần.”

Khi ấy, hắn coi đó chỉ là lời cảm thán của người già, không ngờ nửa thế kỷ sau, lời tiên đoán ấy lại trở thành hiện thực một cách đáng sợ.

Trong những buổi trà dư tửu hậu cùng những người bạn học từ thuở “trèo me trèo sấu” hay các môn sinh Khí Đạo, câu hỏi thường được đặt ra: “Chúng ta đang sống trong một thời đại như thế nào?”

Hắn luôn trả lời rằng đây là thời đại của “TRỤC TRẶC KHÍ HUYẾT” – khi dòng năng lượng sống bị chia cắt và phân mảnh. Thật nghịch lý khi con người vươn tới khả năng kết nối toàn cầu qua công nghệ, nhưng lại đánh mất khả năng kết nối với người ngồi cạnh mình. Thông tin tràn ngập từ mọi phía – tin thật, tin giả, tin vui, tin buồn – như cơn mưa không ngớt, làm nhiễu loạn trường khí của con người, nhấn chìm họ trong những cảm xúc thái quá, không thể kiểm soát.

NHỮNG KHUÔN MẶT CỦA THỜI ĐẠI XÁO TRỘN

Ở một quán cà phê nhỏ tại phố cổ Hội An, hắn từng chứng kiến một cảnh tượng khiến lòng mình se lại. Một gia đình bốn người – cha, mẹ và hai đứa con khoảng 7-10 tuổi – ngồi quây quần bên bàn ăn. Nhưng không ai nói với ai một lời. Người cha mải mê lướt điện thoại, người mẹ tự chụp ảnh “seo phì” với những đĩa thức ăn tú hụ, ngổn ngang. Còn hai đứa trẻ, mỗi đứa một iPad, đắm chìm trong thế giới ảo, cách biệt hoàn toàn với thực tại xung quanh.

Đây chính là biểu hiện của hiện tượng “TÁN KHÍ PHÂN NHIỄU” – khi năng lượng sống bị phân tán và nhiễu loạn. Trẻ em từ rất sớm đã đắm chìm trong những trò chơi điện tử, những video ngắn chớp nhoáng, khiến nguyên khí bị tiêu hao trước tuổi. Người lớn không ngừng kiểm tra email công việc, tin nhắn, mạng xã hội, tạo nên trạng thái “KHÍ TÁN THẦN MỆT” – khi năng lượng và tinh thần bị phân tán đến mức kiệt quệ. Sự kết nối vật lý gần như biến mất, thay vào đó là cảm giác cô đơn giữa đám đông, cô đơn giữa vô vàn kết nối ảo.

Hắn nhớ những cuộc gặp gỡ với thằng em Trương Minh Trí – một doanh nhân trẻ thành đạt trong lĩnh vực công nghệ, người luôn tự hào về “công việc không có giờ giấc, địa điểm cố định. Lấy khoang thương gia của Boeing làm văn phòng”. Trí có thể làm việc ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào – có thể là 3 giờ sáng trong một khách sạn ở Singapore, hay 11 giờ đêm trên chuyến bay về Hà Nội.

“Em đang sống ở thời đại cực kỳ tiên tiến,” Trí khoe khoang, “không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tụi em bây giờ tư duy và ‘chiến đấu’ khác hẳn thế hệ bọn anh ngày xưa”

Nhưng sau bề ngoài hào nhoáng ấy, hắn nhìn thấy một Trương Minh Trí khác – một người đàn ông 45 tuổi với đôi mắt thường xuyên đỏ ngầu vì thiếu ngủ, với những cơn đau đầu triền miên, với tình trạng cao huyết áp phải uống thuốc hàng ngày, và đặc biệt, với một gia đình đang dần “lung lay” vì sự vắng mặt thường xuyên của người đàn ông trụ cột.

Đây là biểu hiện của hiện tượng “NGOẠI ÁP TÍCH Ứ” – khi con người chịu áp lực từ môi trường bên ngoài đến mức không thể giải tỏa. Công nghệ đáng lẽ giúp con người làm việc hiệu quả hơn, nhưng thực tế lại xóa nhòa ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân. Email, tin nhắn công việc có thể đến bất cứ lúc nào, dù là đêm khuya hay ngày nghỉ. Kỳ lạ thay, nhiều người cảm thấy có lỗi khi không trả lời ngay lập tức, dẫn đến trạng thái “KHÍ UẤT TÂM PHIỀN” – khi năng lượng bị ứ đọng và không lưu thông đúng cách.

CẠNH TRANH VÀ SO SÁNH – CƠN NGHIỆN ĐÔI KHI VÔ THỨC

Một hiện tượng đáng lo ngại nữa của thời đại này là “KHÍ TRƯỜNG TRANH ĐUA” – thói quen so sánh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Mạng xã hội mở ra cánh cửa để mỗi người nhìn vào cuộc sống của người khác – một cuộc sống thường được “trang điểm” bằng những khoảnh khắc hoàn hảo nhất. Người ta so sánh cuộc sống thực của mình với cuộc sống được chọn lọc kỹ càng của người khác, rồi cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ may mắn, không đủ thành công. Điều này tạo nên hiện tượng “KHÍ NGHỊCH TÂM TRỆ” – khi dòng năng lượng bị chặn lại bởi những suy nghĩ tiêu cực và so sánh.

Trên chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Hà Nội, hắn từng ngồi cạnh một cô gái trẻ tên Ngọc – một giảng viên đại học mới vào nghề. Cô tâm sự về áp lực “phải hoàn hảo” mà các nền tảng xã hội tạo ra.

“Em phải đăng ảnh những buổi giảng bài thành công nhất,” cô nói, “phải cho thấy mình năng động, sáng tạo, được sinh viên yêu mến. Em phải khoe những chuyến du lịch, những bữa ăn sang trọng, những món quà đắt tiền… dù thực tế, em chỉ là một giảng viên với mức lương khiêm tốn.”

“Và tại sao em phải làm thế?” hắn hỏi.

“Vì tất cả bạn bè em đều đang làm thế,” cô trả lời với ánh mắt buồn bã. “Nếu em không theo kịp, em sẽ bị coi là kẻ thất bại.”

Đây chính là cái bẫy của thời đại – khi giá trị con người được đo bằng “likes”, “shares”, và những phản hồi ảo. Người ta sống không phải cho chính mình, mà cho cái nhìn của người khác, cho những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt. Đây là hiện tượng “BẢN NGÃ KHÍ TRỌNG” – khi con người đánh mất đi sự kết nối với chân ngã, với giá trị thực sự của bản thân.

THẾ HỆ MẤT GỐC, MÒ MẪM TÌM ĐƯỜNG

Là một người nghiên cứu, thực hành và giảng dạy Khí Đạo Himalaya, đồng thời cũng là người viết, nên hắn ít bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về con người, xã hội đương đại.

Trong số những người hắn thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện, phần lớn họ ở độ tuổi 40-70. Hắn nhận thấy, thời đại xáo trộn này mang đến cho họ những thách thức đặc biệt. Họ sinh ra và lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác, nơi những giá trị được đặt vào nền tảng gia đình, sự tận tâm trong công việc, lòng chung thủy trong tình bạn. Giờ đây, họ buộc phải thích nghi với một thế giới nơi mọi thứ biến đổi trong chớp mắt, nơi công nghệ phát triển quá nhanh khiến họ khó theo kịp, nơi mà đôi khi họ không hiểu nổi chính con cái mình. Đây là hiện tượng “KHÍ ĐẠO NGHỊCH LƯU” – khi dòng năng lượng của họ phải chảy ngược với dòng chảy của thời đại mới.

Điều đáng nói là, lớp trẻ cũng không dễ dàng gì hơn. Trong một lần giao lưu cà phê cà pháo, hắn đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở với một nhóm sinh viên. Họ chia sẻ về cảm giác “không thuộc về đâu” – không thuộc về thế giới truyền thống mà ông bà, cha mẹ họ từng sống, cũng không hoàn toàn thuộc về thế giới công nghệ số với những giá trị đang thay đổi chóng mặt từng ngày.

“Chúng em như đang đi trên một cây cầu,” một nữ sinh viên tâm sự, “nhưng cây cầu này đang lung lay dữ dội. Phía sau là bờ bên kia với những giá trị cổ xưa mà chúng em không còn cảm thấy phù hợp. Phía trước là bờ bên này với những giá trị quá mới, quá nhanh, quá khác biệt. Chúng em không biết mình nên đứng ở đâu.”

Đây là hiện tượng “KHÍ ĐẠO THẤT ĐỊNH” – khi con người không tìm thấy điểm tựa vững chắc cho dòng năng lượng của mình. Họ chìm trong trạng thái hoang mang, không biết nên tin vào điều gì, nên sống theo cách nào. Kết quả là sự mệt mỏi tinh thần, trầm cảm, lo âu – những căn bệnh đang gia tăng ở mọi lứa tuổi trong xã hội hiện đại.

ĂN NHANH, NGỦ VỘI, YÊU VỘI VÀNG

Cũng qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, hoặc thậm chí chỉ là quan sát nhiều người với những hoàn cảnh khác nhau. Hắn nhận thấy đa số có một điểm chung: sự vội vã đã trở thành cách sống của con người thời đại này.

Người ta ăn nhanh với những bữa kiểu “mì ăn liền”, ngủ vội trong những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa công việc và giải trí, thậm chí yêu nhau cũng vội vàng, hời hợt. Các mối quan hệ trở nên ngắn hạn, dễ đứt gãy. Người ta “vuốt” qua những khuôn mặt trên ứng dụng hẹn hò, tìm kiếm sự kết nối nhưng lại không sẵn sàng đầu tư thời gian và cảm xúc thực sự.

Một lần, trong một buổi giao lưu với nhóm sinh viên Đại học trong Đà Nẵng, một nam sinh viên đã đặt câu hỏi với hắn: “Thưa thầy, người ta nói thời gian là vàng bạc. Làm thế nào để tối ưu hóa thời gian, làm được nhiều việc nhất có thể trong một ngày?”

Hắn nhìn sâu vào đôi mắt tràn đầy khát vọng của cậu sinh viên, và đáp: “Trước khi trả lời câu hỏi đó, hãy cho tôi biết: khi bạn tối ưu hóa thời gian để làm được nhiều việc hơn, bạn sẽ dùng thời gian ‘tiết kiệm’ được vào việc gì?”

Cậu sinh viên ngẫm nghĩ một lúc, rồi đáp với vẻ hơi bối rối: “Để… làm thêm nhiều việc khác nữa ạ.”

“Và rồi sao nữa?” hắn tiếp tục hỏi.

“Thì… để làm thêm nhiều việc khác nữa,” cậu sinh viên trả lời, vẻ mặt càng thêm bối rối.

“Vậy là bạn đang chạy đuổi theo cái gì?” hắn hỏi nhẹ nhàng. “Và khi nào thì bạn mới thực sự sống?”

Đây là hiện tượng “TỐC KHÍ NGHỊCH LƯU” – khi năng lượng bị cuốn theo nhịp sống quá nhanh, đẩy con người vào trạng thái căng thẳng, lo âu triền miên. Lo lắng về công việc, về tài chính, về sức khỏe, về con cái, về tương lai… tất cả dồn nén thành những “KHÍ UẤT” – những ứ đọng năng lượng tiêu cực, ngăn tâm hồn tìm thấy bình yên.

THẾ GIỚI NGẬP TRÀN THÔNG TIN, KHAN HIẾM TRÍ TUỆ

Sự phát triển của công nghệ và truyền thông mang đến hiện tượng “KHÍ NHIỄM THÔNG TIN” – một dạng ô nhiễm năng lượng tinh thần. Tin tức từ khắp nơi trên thế giới, từ những sự kiện vui vẻ đến những thảm kịch đau lòng, đều được truyền tải tức thời đến mỗi người. Điều này khiến con người cảm thấy bất lực, lo âu về tương lai của nhân loại, về môi trường, về chiến tranh, về dịch bệnh… Đây là hiện tượng “KHÍ UẤT TÂM PHIỀN” – khi trường năng lượng của con người bị nhiễu loạn bởi quá nhiều thông tin tiêu cực.

Tại một quán trà nhỏ ven hồ Tây, hắn từng gặp một nhà báo kỳ cựu đã nghỉ hưu. Ông tâm sự về sự thay đổi trong nghề báo – từ thời kỳ mỗi bài báo phải qua nhiều vòng biên tập, kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi xuất bản, đến thời kỳ người ta chạy đua đăng tin nhanh nhất có thể, đôi khi hy sinh cả tính chính xác.

“Ngày xưa,” ông nói, ánh mắt xa xăm, “chúng tôi có ít thông tin hơn, nhưng có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm, để tiêu hóa thông tin, và để rút ra những bài học sâu sắc. Ngày nay, người ta có quá nhiều thông tin, nhưng lại không có thời gian để suy ngẫm. Kết quả là, chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn dữ liệu nhưng khan hiếm trí tuệ.”

Đây là hiện tượng “KHÍ NHIỄU TÂM LOẠN” – khi tâm trí con người bị tràn ngập bởi thông tin đến mức không thể xử lý, dẫn đến trạng thái hoang mang, mệt mỏi, thậm chí là vô cảm. Họ nhìn thấy quá nhiều bi kịch đến nỗi không còn cảm thấy đau lòng nữa. Họ tiếp nhận quá nhiều ý tưởng đến nỗi không còn phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là giá trị cốt lõi.

TÌM ĐIỂM TĨNH TRONG CƠN LỐC XOÁY

Trong triết lý Khí Đạo Himalaya có một nguyên lý cổ xưa: “Giữa cơn lốc xoáy mãnh liệt nhất, vẫn luôn tồn tại một tâm điểm tĩnh lặng.” Đây chính là trạng thái “TRUNG TÂM KHÍ ĐẠO” – khi năng lượng bên trong đạt đến sự cân bằng hoàn hảo giữa âm và dương, giữa động và tĩnh. Trong thời đại xáo trộn này, tâm điểm tĩnh lặng ấy chính là sự bình an trong tâm hồn mỗi người, là “HƯ TĨNH KHÍ TRƯỜNG” mà ai cũng có thể đạt được qua con đường tu tập đúng đắn.

Hắn đã chứng kiến nhiều người, sau khi nhận diện được bản chất của thời đại xáo trộn này, đã tìm được con đường quay về với sự bình an bên trong. Họ không phải trốn chạy khỏi thế giới hiện đại, không phải từ bỏ công nghệ hay tiện nghi, mà là học cách sống với chúng một cách có ý thức, có chủ đích.

Như người phụ nữ bán hoa quả ở chợ Cồn mà hắn thường ghé qua mỗi khi về Đà Nẵng. Bà, với vóc dáng nhỏ bé và nụ cười hiền hậu, có một niềm bình yên hiếm thấy giữa chốn chợ búa ồn ào. Khi hắn thành thật nói mình là người thực hành Khí Đạo Hiamalaya, rất hâm mộ sự bình yên đó và hỏi bí quyết. Bà cười, đôi mắt ánh lên niềm vui:

“Tui có biết chi mô về cái Khí Đạo với thiền thất chi đâu, chú ui. Nhưng mà sáng mô tui cũng dậy sớm, ra vườn sau nhà ngó mấy chậu bông tui trồng. Hít hà không khí, nghe tiếng chim kêu líu lo. Rồi thì tui nói thầm, ‘bữa ni lại sống thêm được một ngày, mừng quá chừng’. Có rứa thôi mà tui thấy lòng dạ nhẹ tênh, chú à. Khỏe re!”

Đây chính là biểu hiện của sự trở về với “BẢN NGUYÊN KHÍ ĐẠO” – trạng thái nguyên bản, thuần khiết của năng lượng sống. Khi con người tìm lại được kết nối với thiên nhiên, với hơi thở, với khoảnh khắc hiện tại, họ sẽ tìm thấy tâm điểm tĩnh lặng giữa cơn lốc xoáy của thời đại.

(Còn nữa)

Hình minh họa: Sưu tầm trên mạng.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.