fbpx

THAM KHẢO CÁCH PHÒNG CHỐNG COVID BẰNG THUỐC NAM

Bài viết của dược sĩ cao cấp Nguyễn Duy Như Dược sĩ cao cấp, Trường Đại học Dược Hà Nội
(Ảnh sưu tầm)
1) DỊCH BỆNH COVID-19 DƯỚI GÓC NHÌN CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN
Có ý kiến cho rằng Covid-19 là Ôn bệnh, tức là bệnh do nhiệt. Nhiệt độc tấn công phổi và làm cho người bệnh sốt cao, nên cần dùng các vị thuốc thanh nhiệt để giải độc, tuyên phế tiết nhiệt. Do đó chủ trương dùng vị thuốc có tính hàn lạnh như Xuyên Tâm Liên hay các vị thuốc có tình hàn lạnh khác…để phòng và điều trị. Đây có thể là một sai lầm, vì trong Đông y nếu bệnh thuộc thể hàn mà dùng vị thuốc hàn có thể nguy hại đến tính mạng (hàn ngộ hàn tắc tử). Hơn nữa Xuyên Tâm Liên tuy có tính kháng sinh nhưng mọi kháng sinh (kể cả loại mạnh nhất hiện nay) đều vô hiệu với virus.
Chúng ta có thể dựa vào những luận cứ sau để xác định bệnh Covid-19 thuộc thể hàn:
– Thứ nhất: Covid-19 được gây ra bởi virus thuộc chi corona, cùng chi với virus gây cảm lạnh. Về cấu tạo, cơ chế gây bệnh rất giống với các virus corona gây bệnh cảm lạnh và virus cúm. Thế giới hiện đã xác định được 4 loại virus corona gây bệnh cảm lạnh ở người và chúng thường chỉ gây bệnh khi cơ thể bị nhiễm lạnh, thân nhiệt hạ thấp.
– Thứ hai: Triệu chứng mắc Covid rất giống cảm lạnh và cúm. Thể hiện rõ nhất ở dấu hiệu bị hàn lạnh bên trong cơ thể như gai người, rét, sợ lạnh, sợ tắm, đau đầu, nặng mỏi vai gáy, cảm giác ê ẩm khắp người, cảm giác trống trải bên trong. Triệu chứng này đôi khi đúng cả với người tiêm vaccine ngừa covid.
– Thứ ba: Sốt do virus thường nhẹ (37,5 đến 38,5 độ) và sốt lai rai. Đây là sốt đặc trưng của cảm hàn. Cơ thể bị nhiễm lạnh nên phản ứng tự vệ bằng cách tăng thân nhiệt (sốt) để đẩy hàn ra (trục hàn). Tuy sốt vậy nhưng trong người vẫn thấy lạnh, sợ gió, thèm đắp chăn ủ ấm, ít háo nước. Đông y gọi tình trạng này là chân hàn giả nhiệt. Thực (chân) bệnh là hàn nhưng biểu hiện (giả) ra bên ngoài là nhiệt. Những trường hợp sốt rất cao có thể là do bội nhiễm vi khuẩn khác chứ không phải do nCoV gây ra. Sốt do thực nhiệt rất khác, nóng bên trong lục phủ ngũ tạng, bức bối, phát cuồng (chân tay muốn giãy rụa, bồn chồn), thèm những thứ mát lạnh, rất háo khát, ít tiểu…
– Thứ tư: Xét nghiệm kháng thể của người mới mắc covid cho thấy bạch cầu rất thấp. Điều đó cho thấy virus biết “chọn người, chọn thời điểm” để phát tác. Chúng chờ lúc hệ miễn dịch cơ thể bị suy giảm mới phát bệnh. Điều này cũng lý giải tại sao cùng tiếp xúc nguồn bệnh nhưng người bị, người không. Cùng một người nhưng lúc này âm tính, lúc khác lại dương tính. Chúng ta đã biết khi cơ thể bị nhiễm hàn lạnh thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm, khi cơ thể nóng (sốt) thì hệ miễn dịch tăng. Qua đây càng khẳng định nCoV rất giống cảm lạnh và cúm, rất có thể sau một thời gian biến đổi chúng sẽ trở thành một virus gây cảm lạnh thông thường, tá túc ôn hoà ở mũi họng và chỉ gây bệnh khi cơ thể bị nhiễm lạnh. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã có nhận định như trên
– Thứ năm: Trên thực tế cho người bệnh Covid ăn đồ cay nóng như cháo nhiều hành, uống nước gừng, ăn tỏi nhiều… thì thấy khoan khoái dễ chịu và đỡ. Điều này càng khẳng định bệnh Covid là hàn bệnh
Ngoài ra, một trong những khẩu quyết mà cả thế giới đang tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch Covid-19 đó là: Hãy luôn giữ ấm cơ thể.
Qua phân tích trên để thấy rõ bệnh Covid-19 thuộc hàn bệnh, nên cần tăng sức nóng cho cơ thể chứ không phải thanh nhiệt, tiết nhiệt. Các vị thuốc phải có tính ôn dương thay vì hàn lạnh.
2) THUỐC ĐÔNG Y CÓ CHỮA ĐƯỢC COVID KHÔNG?
Virus Corona không phải sinh vật sống. Nó là tổ hợp sinh học vô tri vô giác, không hoạt động, không trao đổi chất, không chứa độc tố, không sinh sản. Đó là lý do mọi kháng sinh không hề có tác động gì với virus. Chúng ta có thể làm mất tác hại của virus với cơ thể thông qua các cách sau:
a. Phá huỷ hoặc làm biến dạng cấu trúc:
Bằng các tác nhân vật lý (nhiệt độ, tia UV, chênh lệch áp lực thẩm thấu (nước muối)) hay tác nhân hoá học (chất tẩy rửa, tinh dầu, cồn, ether, các axít hay kiềm…) để làm biến dạng hay thuỷ phân virus.
Một cơ chế phá huỷ nữa là “ăn tươi nuốt sống”, phân giải và làm tan rã virus bởi chính các tế bào miễn dịch của cơ thể (đại thực bào, tế bào T)
b. Không cho virus chui vào tế bào: Virus vào được trong tế bào là nhờ chúng có “chìa khoá” (chính là các gai protein S chồi lên) phù hợp với “ổ khoá” trên màng tế bào (gọi là các receptor). Để ngăn cản việc mở khoá người ta làm ra các “chìa giả” tranh chấp ổ khoá với virus, hoặc làm biến đổi ổ khoá để không còn phù hợp với “chìa” của virus nữa.
c. Khi virus chui vào được tế bào thì không cho nhân bản: Virus được chính tế bào vật chủ tự ý nhân bản sau khi nhận được mã thông tin (một sự nhầm lẫn chết người). Để tránh việc này, người ta làm ra hoạt chất sinh học ức chế quá trình nhân bản, từ đó dẫn đến việc virus không được tái tạo trong tế bào vật chủ được nữa. Các thuốc này còn gọi là thuốc ức chế tăng sinh virus hoặc thuốc ức chế sao chép ngược (không gọi là thuốc diệt virus).
Thực hiện hai điều dưới cùng là một việc vô cùng khó, liên quan đến công nghệ sinh học phân tử chuyên sâu. Các chất ngăn cản quá trình phiên dịch mã gen hay ức chế tổng hợp của virus nói trên chỉ có thể được “chế tạo một cách có chủ ý”, sau khi đã giải mã bộ gen và biết rõ quá trình sao chép chúng. Các chất này thường có cấu trúc sinh học tương tự cấu trúc các chất có trong tế bào. Hiện chưa tìm thấy bất cứ hoạt chất nào trong thực vật có cấu trúc như vậy. Thực vật không thể tạo ra các chất này vì tế bào thực vật khác biệt với tế bào của người, và bản thân chúng cũng không có nhu cầu tạo ra các loại chất sinh học như trên.
Đông y chỉ có tác dụng chữa triệu chứng của bệnh như làm giảm quá trình viêm, tăng thân nhiệt, hạ thân nhiệt, bảo vệ màng tế bào. Các thuốc Đông y cũng giúp tăng lực, tăng sinh tế bào, chống nhiễm độc, giải độc, làm tăng miễn dịch của cơ thể, Từ đó tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật. Mọi thuốc từ dược liệu chỉ nên dùng với mục đích hỗ trợ điều trị chứ không phải thuốc chữa bệnh Covid và cũng không diệt được virus.
Việc nghiên cứu thuốc Tây y chữa virus cũng vô cùng khó khăn và tốn kém, nó tác động thẳng vào chính tế bào cơ thể nên cực kỳ khó thực hiện và phải rất cẩn thận với độc tính. Chi phí nghiên cứu vô cùng đắt đỏ. Hơn nữa các chủng virus gây bệnh trên đường hô hấp lại thường xuyên biến đổi nên việc nghiên cứu thuốc càng không khả thi (tốn nhiều tỷ đô la chưa kịp thu hồi vốn thì virus đã biến thể và thuốc đó có nguy cơ bỏ đi). Đó là lý do mỗi năm bắc Mỹ và châu Âu đều chết vài chục ngàn người vì cúm mùa mà họ cũng không có thuốc chữa.
Phân tích vậy để mọi người hiểu rằng mọi tuyên bố tìm ra dược liệu hay bài thuốc chữa được bệnh Covid-19 đều không khả thi về mặt khoa học và không đáng tin cậy. Cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng vào điều trị.
Mọi người thay vì quá kỳ vọng vào “thuốc chữa” thì hãy chủ động phòng và chống theo các cách dưới đây cũng có thể khắc chế được virus một cách hiệu quả.
3. CẦN LÀM GÌ KHI DƯƠNG TÍNH COVID
Với Covid thì chữa như thế nào không quan trọng bằng chữa có kịp thời hay không. Vì virus nCoV tăng sinh rất nhanh đồng thời phản ứng miễn dịch cũng phản ứng quá mạnh, nên khi đã để bệnh nặng thì vô cùng phức tạp và dễ tử vong. Một điều nguy hiểm là bệnh gây ra cái chết bất thình lình, không kịp trở tay. Do vậy yếu tố tiên quyết là đừng để bệnh nặng. Phải ngăn chặn virus ngay từ những phút giây đầu tiên, lúc chúng mới đang phát triển ở mũi họng.
* Rửa mũi họng liên tục: Dùng nước muối sinh lý ấm tháo rửa toàn bộ vùng mũi và súc họng thật kỹ mỗi tiếng một lần. Cần quan niệm đây là một cuộc chiến, virus liên tục được tạo ra tại mũi họng thì chúng ta liên tục vô hiệu hoá chúng, không để tấn công xuống phổi.
Cách pha nước muối: Pha 9 đến 10 gam muối tinh vào 1 lít nước sạch (khoảng 2 thìa cà phê). Khi dùng thì quay lò vi sóng cho ấm (khoảng 400C). Cần cúi xuống bơm vào mũi bên nọ cho chảy ra bên kia hoặc hít nhẹ vào hai mũi cho chảy xuống họng rồi xì nhẹ ra. Nước muối diệt được tất cả các loại virus, vi khuẩn mà không phụ thuộc biến thể hay chủng loại (làm biến dạng màng virus nhờ chênh lệch áp lực thẩm thấu).
* Dinh dưỡng: Sáng uống cốc nước ấm với gừng tươi, mật ong kèm vitamin C. Ăn sáng với cháo thịt bò (thịt gà) với nhiều tỏi, nhiều hành củ băm nhuyễn cùng hạt tiêu, ớt. Tốt nhất là nấu cháo Nhung hươu nếu có điều kiện. Nhung hươu ôn ấm, đại bổ, ích huyết, tăng lực, dưỡng thương, tăng miễn dịch. Các bữa ăn khác trong ngày cũng phải giàu đạm. Nên ăn nhiều tỏi. Không ăn các thức ăn có tính hàn lạnh như Vịt, Ngan, Ốc, Ếch, đậu phụ…Người bệnh bị mất vị giác ăn không ngon miệng thì cần dùng lý trí để ăn. Phải xác định ăn để sống chứ không phải ăn vì ngon. Dinh dưỡng không đủ thân nhiệt sẽ bị hạ và bệnh nặng thêm. Cần bù đủ nước khi sốt dài ngày
* Xông hơi:
Vì là bệnh do hàn lạnh và miễn dịch xuống thấp nên rất cần biện pháp sốc nhiệt để trục hàn và kích hoạt hệ miễn dịch, nhất là giai đoạn đầu tiên của bệnh. Xông hơi với tinh dầu là biện pháp tốt nhất để làm việc này. Nếu bệnh nhân không khó thở, không sốt cao (sốt vừa vẫn xông được), không có bệnh nền như cao huyết áp, nhịp tim nhanh, giãn tĩnh mạch, suy tim, hen hay giãn phế quản… thì nên xông toàn thân ngày 1 lần, mỗi lần 3 đến 5 phút. Người có các bệnh trên thì chỉ nên xông vùng mũi họng. Trong lúc xông cần uống 500 đến 1 lít nước mật ong – gừng để bù nước, bổ sung đường chống tụt huyết áp và đường huyết. Khi xông xong chỉ lau người hoặc tắm qua nước ấm rồi phải giữ ấm cơ thể ngay, đồng thời ăn ngay bát cháo hành tỏi.
Xông hơi tinh dầu ngoài tác dụng diệt khuẩn và vô hiệu hoá virus bám trên niêm mạc hô hấp nhờ sức nóng hơi nước và các chất terpen trong tinh dầu, còn làm tăng miễn dịch cơ thể, trục hàn lạnh và giải độc.
Bệnh nhân cần ngủ đủ giấc, không nằm điều hoà dưới 300C hay nằm quạt thổi thẳng người, tuyệt đối không uống nước lạnh, nước đá.
* Dùng thuốc:
Bệnh có liên quan mật thiết đến cảm hàn nên Paracetamol rất cần dùng. Ngay cả khi không có sốt vẫn nên uống liều 500mg cho người lớn mỗi lần để giảm phản xạ kích thích, giảm đau. Ngày có thể dùng 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 8 tiếng (Kinh nghiệm thực tế khi bị cảm hàn, đau đầu, gai người uống liều Paracetamol 500mg rồi đắp chăn ngủ, mồ hôi toát ra như tắm là khỏi).
Người bệnh cần bổ sung thêm các Vitamin. Đặc biệt là Vitamin C (500mg đến 1000mg mỗi ngày), Vitamin D 3 (100IU đến 400IU mỗi ngày). Bổ sung thêm các vitamin khác và Kẽm.
Bên cạnh phác đồ điều trị do Bộ y tế hướng dẫn (tôi đang băn khoăn việc cho dùng corticoid quá sớm liệu có đúng?), người bệnh có thể sử dụng một số các vị thuốc nam đơn giản như trà Gừng, trà Quế vào mỗi sáng sớm, ăn nhiều gia vị có tác dụng ôn ấm giải cảm như Tía tô, Kinh giới, Hẹ, các thuốc giải độc gan…Giai đoạn đầu người bệnh không nên tự ý dùng các vị thuốc đông y khi chưa được kiểm chứng, nhất là những vị có tính hàn lạnh như Nhân sâm, Xuyên Tâm Liên, Thạch cao, Kỷ tử..vì có thể làm bệnh nặng thêm và nguy hiểm đến tính mạng.
* Tập thở sâu nhiều lần trong ngày và giữ tinh thần thoải mái, không lo sợ: Covid cũng giống như cảm lạnh hay cúm. Ngay khi mắc bệnh chúng không hề nguy hiểm. Chúng chỉ nguy hiểm khi chúng ta bỏ mặc chúng tấn công vào phổi. Do vậy cần chủ động và quyết liệt ngay từ giây phút ban đầu. Hãy tiêm vaccine, rửa mũi họng thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, xông hơi, dinh dưỡng tốt, luyện thở sâu và tập thể dục thật nhiều để nâng cao miễn dịch nội sinh. Miễn dịch tự nhiên khoẻ thì chống được tất cả các bệnh, kể cả ung thư. Chúng ta hoàn toàn có thể sống khoẻ cùng virus nCoV.
Chúc mọi người mạnh khoẻ!
DS. NGUYỄN DUY NHƯ
=====================
P/S: Riêng phần thở, các học viên Khí công Himalaya đọc tham khảo thôi. Chứ môn phái chúng ta có những kĩ thuật thở vô cùng hiệu nghiệm để làm mạnh hệ miễn dịch, phòng chống các loại bệnh nan y. Hãy dành thời gian chuyên tâm tập luyện các bài của môn phái.
CÂU LẠC BỘ KHÍ CÔNG HIMALAYA – NẾU BẠN QUAN TÂM TỚI SỨC KHỎE:
VÌ TƯƠNG LAI MỘT NÒI GIỐNG VIỆT KHỎE MẠNH

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.