Tôi hẹn Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, quê Nghệ An, hiện đang làm biên kịch phim hoạt hình) tại một quán cà phê nhỏ nằm ngay phía sau Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội).
Trước khi gặp Thuần, tôi đã biết đến câu chuyện và hành trình chiến đấu căn bệnh ung thư máu của cô thông qua 2 cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” và “Muôn ánh mặt trời”.
Không riêng bản thân tôi, mà với rất nhiều người khi đọc chúng, đều rất xúc động và khâm phục cô. Hôm nay câu chuyện về ung thư máu, về cuộc chiến sinh tử của Thuần có thể đã lùi vào quá khứ. Nhưng làm sao để có được một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát bệnh, lại giống như một dấu chấm hỏi lửng lơ.
Thuần có thân hình mảnh mai, cặp kính cận dày cộp, mái tóc ngắn buộc gọn đằng sau. Thuần tâm sự: “Tôi viết tự truyện không phải mong muốn trở thành nhà văn hay cây bút chuyên nghiệp. Tôi chỉ đơn giản muốn chia sẻ câu chuyện của chính mình gửi tặng tới cậu mẹ (cậu tức là bố, cách gọi riêng của địa phương), tới anh trai, người thân, thầy cô, bạn bè, những người đã giúp đỡ tôi…
Để khi nhìn lại, họ biết mình đã từng rực rỡ và tươi đẹp như thế nào trong mắt tôi. Trên tất cả, tôi biết mình sống chạm được đến ngày hôm nay chính là nhờ sự yêu thương của rất nhiều người. Những người mà tôi luôn xem như muôn ánh mặt trời tươi đẹp nhất”.
Thuần không quên ngày bắt đầu cuộc sống của một bệnh nhân ung thư. Cuối tháng 9/2005, khi đang học năm nhất khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Quốc gia Hà Nội), Thuần đến bệnh viện thăm người họ hàng bị ung thư máu của cô bạn cùng lớp.
Quá trình trò chuyện, Thuần nhận thấy mình có những biểu hiện giống hệt người bệnh đó như xuất hiện những vết thâm bầm to ở chân, thường sốt vào buổi đêm, hay chóng mặt mệt mỏi. Cô sụt cân khá nhanh, gần hai năm đã giảm từ 46kg xuống còn 36kg. Chuyến thăm hỏi lần ấy đã giúp Thuần phát hiện kịp thời căn bệnh của mình.
Thuần chia sẻ: “Từ cuối học kỳ 2 của lớp 11, tôi đã bắt đầu có những đợt ốm kéo dài và phải nghỉ học rất nhiều. Tôi mải mê học mà quên mất cơ thể cũng cần được lắng nghe và chăm sóc. Tôi quyết định tới bệnh viện làm xét nghiệm. Và điều tồi tệ nhất cũng đã đến với tôi – cô gái 18 tuổi.
Bác sỹ nói gì đó tôi không thể hiểu, đại loại như bạch cầu tăng cao, tiểu cầu tăng cao nhưng hồng cầu rất thấp, sẽ phải truyền máu và hóa chất. Trong giây lát, đầu óc tôi trống rỗng. Tôi nhận thức được mình đã mắc căn bệnh quái gở ấy, nhưng không thể thốt nên lời. Tôi đã sợ giây phút này biết bao nhưng khi nó đến, tôi lại thấy mình chẳng có nổi một giọt nước mắt”.
Vào năm thứ 7 của chặng đường chung sống với ung thư máu, cơ thể cô gần như đã suy kiệt hoàn toàn do tác dụng phụ nặng nề của thuốc nhắm đích Glivec (loại biệt dược làm dừng sự tăng trưởng và phân đôi của tế bào ung thư). Giải pháp hữu hiệu nhất lúc này chỉ có thể ghép tủy.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào muốn ghép tủy đều được toại nguyện. Có người đủ tài chính nhưng không tìm được người hiến thích hợp. Lại có người bất lực vì không đủ tiền hoặc đã quá tuổi. Thuần khao khát được ghép tủy nhưng không dám nói với ai vì lúc này nhà cô gần như đã khánh kiệt. Nhờ bạn bè động viên và sự hỗ trợ hảo tâm của mọi người, cô có đủ chi phí để bước vào “trận địa mới”.
Lúc ấy, Thuần sắp tròn 25 tuổi nhưng chỉ nặng 34kg, da sạm đen, đầu không tóc trong khi lông lá mọc khắp mặt mũi. Nằm ở phòng cách ly, Thuần chào đón ngày mới bằng việc làmxét nghiệm máu, sau đó truyền Sandimmun (loại ức chế miễn dịch chống thải ghép).
Sandimmun là nguyên nhân khiến cô mọc đầy lông, chân tay run rẩy, co quắp, đau đầu, buồn nôn, mồm lở loét. Trong cuốn “Muôn ánh mặt trời”, cô nói về nỗi đau của mình thật khủng khiếp: “…Nhắm mắt lại là đêm/ Mở mắt ra cũng là đêm/ Nhắm mắt lại là đau/ Mở mắt ra cũng là đau/ Ối trời ơi!/Tôi đau!” và “Chiều nay mưa gió ôm nhau tình tự/ Con đóng cửa/ Một mình/ Tình tự với cơn đau”.
Thuần kể: “Ăn uống là điều khiến tôi căng thẳng nhất, ngoài cháo và sữa thì chẳng ăn được gì. Món cháo trứ danh từ khoa Dinh dưỡng của bệnh viện luôn là cơn ác mộng. Mỗi lần phải ăn cái thứ khủng khiếp đó, tôi chỉ muốn khóc thét lên.
Tôi “hút cháo” bằng một cái ông hút thật to. Tôi nuốt được một miếng cháo thì cũng khóc một miếng vì rất đau, rất rát. Cứ thế, tôi gồng mình chống chọi. Ngày 9/11/2012, bệnh viện tổ chức họp báo công bố ghép tủy thành công cho tôi và tôi được ra viện. Vậy là sau 44 ngày kể từ khi được truyền tế bào gốc từ máu ngoại vi, cuối cùng tôi cũng được giải thoát. Dù chỉ vỏn vẹn 5 ngày ngắn ngủi. Do các chỉ số máu vẫn còn thấp nên tôi phải ở lại Hà Nội”.
SỰ SỐNG XUẤT HIỆN TRỞ LẠI NHỜ KHÍ CÔNG HIMALAYA
Sau ca cấy ghép tủy thành công, Thuần tiều tụy đến mức nhiều người lầm tưởng cô là một bà cụ già yếu, hom hem. Cô gần như không có gì, sức khỏe, công việc, tiền bạc đều không. Nhưng càng không có những thứ đó, cô càng nhận thấy mình phải cố gắng, trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Với cô, được sống đã là món quà tuyệt vời nhất. Rồi, Thuần biết đến khí công Himalaya thông qua một đàn anh học cùng trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Thuần nhớ lại: “Anh Lam gợi ý tôi đi học khí công Himalaya bằng việc kể lại quá trình đầy lùi bệnh viêm xoang, hen suyễn của chính mình sau một thời gian tập luyện. Ban đầu tôi hơi đắn đo. Sau này, biết thầy giáo là anh Trần Hoài Văn – một nhà văn, biên kịch có tiếng, tôi lại đang làm biên kịch phim hoạt hình nên quyết định đến học.
Ngay bước đi đầu tiên của bài Vạn Bộ Trường Sinh của khí công Himalaya, tôi đã thấy các đầu ngón tay ấm nóng dần như có nguồn năng lượng tồn tại trong cơ thể. Cũng phải nói thêm rằng, ca ghép tủy thành công nhưng để lại cho tôi vô số ảnh hưởng do dùng hóa chất quá mạnh như giảm sức đề kháng, thể trạng kém (ăn ngủ kém, thận yếu, gầy), chỉ số máu thấp hơn so với bình thường.
Thêm nữa, tôi bị nhiễm viêm gan C từ trước khi ghép khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn. Nhưng tác dụng phụ đáng nói và lâu dài nhất là việc tất cả các phụ nữ bệnh máu ác tính như tôi, sau ghép tủy đều bị mất kinh nguyệt.
Điều này có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và tâm lý của tôi trong suốt 5 năm qua. Bác sĩ trưởng khoa, người trực tiếp ghép tủy cho tôi từng an ủi: “Giữa được sống và vô sinh thì được sống vẫn hơn phải không cháu?”.
Việc có kinh nguyệt trở lại rất khó và gần như không có hy vọng. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào có cả. Có thể họ không sống được đến lúc kinh nguyệt có lại, cũng có thể là quá khó… ”.
Thế nhưng, sau khi tập luyện khí công Himalaya, Thuần đã có những chuyển biến từ nhỏ nhất đến tuyệt vời nhất. Ban đầu, cô tập một mình ở nhà với những bài tập cơ bản. Sau 4 ngày, chứng tiểu đêm biến mất, các khớp xương có cảm giác linh hoạt và bớt khô. Cô ăn ngon, ngủ ngon hơn rất nhiều.
Sau này, khi biết cô bạn cùng cơ quan học khí công Himalaya được hơn 1 năm, họ đã cùng nhau tập luyện vào mỗi sáng. Thuần tập đều đặn mỗi ngày 45 phút hoặc hơn với Vạn Bộ Trường Sinh, Ngũ Hành Ðộng Công… trong khí công Himalaya.
“Kết quả là sau 2 tuần liên tục tập luyện khí công Himalaya, tôi đã có kinh nguyệt trở lại. Ðây là một điều hết sức tế nhị để chia sẻ. Nhưng với tôi, nó thật sự kì diệu nên chẳng còn ngại ngùng. Cân nặng đã nhích lên từng chút một và không suy giảm. Da dẻ cũng nhờ thế mà hồng hào. Mỗi tháng tôi chỉ phải đến bệnh viện tái khám một lần.
Kết quả xét nghiệm định lượng gen BCR – ABL p210, với trị số 0.001%, có nghĩa là tôi chẳng còn phải lo lắng gì thêm nữa. Tôi thậm chí sẽ chẳng phải dùng bất cứ loại thuốc nào khác. Giờ đây, tôi vô cùng hạnh phúc khi mỗi sáng được vội vã thức dậy đến chỗ làm và hòa vào dòng người hối hả lúc tan ca. Và những tia nắng trải ra trước mắt tôi, lấp lánh như những gương mặt bao người đã bên tôi, yêu thương tôi, lấp lánh lấp lánh”, Thuần lý lắc nói.
Biên Thùy (Tuổi trẻ & Đời sống)