fbpx

Suy tim và thoái hóa cột sống thắt lưng bị đẩy lùi sau một năm luyện Khí công Himalaya

HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI KHÍ CÔNG HIMALAYA
Nhân kỷ niệm tròn một năm đến với Khí công Himalaya, học viên Lê Triều Sâm đã chia sẻ những thành quả, lợi lạc của mình đạt được sau khi tập luyện. Mời quý cô bác anh chị cùng đọc, chia sẻ và bình luận để ý hay lời đẹp được lan tỏa.

Sau một năm tập Khí công Himalaya, ông Lê Triều Sâm đã có nhiều cải thiện về sức khỏe dù trước đó bị suy tim, thoái hóa cột sống thắt lưng… để tiếp tục rong ruổi trên những cung đường du lịch.

“Tôi rời công sở với hai bệnh thuộc loại nan y trong người: Suy tim do hở van động mạch chủ và van hai lá làm tăng huyết áp; Thoái hóa cột sống thắt lưng với ba đĩa đệm cuối cùng thoát vị, cột sống chệch ra phía trước đè vào tủy sống gây tê bại chân trái, đi lại rất đau.

Các bác sỹ đều khuyên mổ sớm khi khả năng phục hồi còn tốt. Cả hai ca mổ đều là nhạy cảm, chỉ sai 1/10mm có thể gây hậu quả khôn lường nên tôi còn chần chừ chưa lên bàn mổ. Biết tập thể dục có thể chữa được bệnh, tôi tìm đến các hoạt động thể chất phục hồi chức năng.

Môn đầu tiên tôi thử là bài thể dục dưỡng sinh hơn 100 động tác, mỗi động tác thực hiện 32 chu kỳ, thời gian tập khoảng 90 phút. Bài này do hai nữ võ sư người Trung Quốc hướng dẫn. Thấy động tác quá mạnh, thời gian quá dài, tập xong rất mệt, không phù hợp với thể trạng của mình nên tôi bỏ.

Môn thứ hai tôi tiếp cận là Thái cực quyền. Tôi nhức hết cả đầu với các khái niệm kinh lạc, huyệt và sự huyền bí như trong chưởng Hồng Kông, kèm theo động tác quá chậm nên tôi chuyển sang tập Yoga do một người hàng xóm mở lớp. Sau một thời gian tập tôi thấy loại hình thể dục này chỉ phù hợp với đối tượng còn trẻ do các động tác quá nặng thậm chí là nguy hiểm với người cao tuổi nên tôi lại bỏ.

Một người bạn cho tôi một đĩa DVD kèm theo sách hướng dẫn tập Pháp luân công. Tôi kiên trì đọc sách và xem đĩa ghi hình vì thấy nhiều người ca ngợi tập môn này chữa bệnh không cần dùng thuốc. Lại một lần nữa nhức đầu vì không hiểu gì cả. Sự thần bí về tôn giáo cộng với sự thiếu thuyết phục về cơ sở khoa học nên tôi cũng thôi luôn.
Một người bạn gợi ý về luyện khí công. Tôi lên mạng tìm ngay được bài “Phật gia khí công” của thầy Thích Trung Đạo. Tôi cùng vợ tập thử. Cũng không ổn vì so với bài thể dục dưỡng sinh không có gì khác hơn. Nhân đọc được bài viết về phương pháp thở của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện và được sự giới thiệu của nhiều người tôi quyết định đăng ký theo học lớp Khí công Hymalaya do võ sư Trần Hoài Văn hướng dẫn.

Trong lúc chờ mở lớp (lớp nhập môn tháng một lần) tôi lên mạng tình cờ tìm được đoạn video nói về môn Tiên thiên khí công của pháp sư Phạm Văn Chính, tôi rất tâm đắc và tập thử. Tuy vậy đến lớp học cho có bài bản, có khí thế, có kỷ luật vẫn hơn.

Hai vợ chồng ông Lê Triều Sâm cùng tập Khí công Himalaya và vẫn chinh phục được những đỉnh núi cao trong những lần đi du lịch của mình.

Chúng tôi (cả hai vợ chồng) chính thức theo học lớp nhập môn thứ 11 khai giảng vào ngày 19/5/2016. Nhiều người đến lớp chỉ chăm chăm học vũ đạo ít nghe thầy giảng. Tôi theo học với tinh thần nghiên cứu xem bản chất khoa học của môn khí công Himalaya là gì; Môn học này có gì khác biệt với các môn khác; Có phù hợp và áp dụng được cho mình không. Phần vũ đạo tôi dùng điện thoại di động ghi hình về nhà tập sau. Một số đoạn video tôi đưa lên kênh Youtube của mình được hàng nghìn lượt xem do chất lượng ghi hình rất tốt.

Từ khi theo học tới nay vừa tròn một năm. Mười ngày theo học và một năm luyện tập sức khỏe đã tăng lên rõ rệt. Không còn mệt mỏi triền miên như người ốm giả vờ. Thậm chí cảm thấy còn khỏe hơn cả khi còn đang đi làm. Chân đau và tim suy như vậy nhưng đi du lịch với bạn bè cùng tuổi chúng tôi vẫn leo núi băng băng không cảm thấy mệt. Có thể kể đến đỉnh Panxifan cao 600m (3.600 bậc), đỉnh Ba Vì 120m (720 bậc) leo không cần nghỉ do bắt đầu leo là hít sâu – thở dài. Hoặc hành trình trên tầu du lịch Lê Nin lên phương Bắc tháng 8/2016, trên tầu lúc đó có gần 1.000 du khách, buổi sáng lên boong tầu tập thể dục, mọi người áo đơn áo kép riêng chúng tôi mặc áo phông tập bình thường.

Lúc đầu chúng tôi tập mỗi buổi sáng khoảng 60 phút theo trình tự: Vạn bộ trường sinh (20 bộ) – Ngũ hành động công (10 lượt) – Trường xuân công (một số động tác). Vài ngày lại đổi Trường xuân công bằng Luân xa 1 (lớp 11 mới dạy bài Luân xa 1). Buổi tối tập một số động tác xoa mặt vai gáy trong Trường xuân công.

Chúc các anh chị và các bạn luyện tập thành công. Xin cám ơn sư phụ Trần Hoài Văn, cám ơn Khí công Himalaya đã đem lại cho chúng tôi một cuộc sống mới!”

Lê Triều Sâm

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.