fbpx

Khí công dưỡng sinh và phục hồi chức năng

Tác dụng của khí công trong việc hít sâu thở dài làm tăng dung tích sống của phổi giúp giải độc trong cơ thể. Hít thở đúng kỹ thuật kết hợp với các động tác vũ đạo hợp lý sẽ giúp cho việc nâng cao thể lực, phòng và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Thải độc cơ thể với Khí công Himalaya là khóa học trực tuyến đầu tiên của giảng viên Trần Hoài Văn phát hành tháng 4/2017.

1- HƠI THỞ – LINH HỒN CỦA SỰ SỐNG
Các kết quả nghiên cứu về sự sống của con người cho thấy nếu nhịn ăn thì phải 25 đến 35 ngày mới chết, nếu nhịn uống cũng phải 5 đến 7 ngày mới chết nhưng không thở thì chỉ 5 đến 7 phút là não đã chết! Như vậy mới biết hơi thở là vô cùng quan trọng đối với con người. Có thể nói hơi thở chính là linh hồn của sự sống. Thế nhưng trong cuộc đời, con người thường chỉ quan tâm tới Ăn – Uống mà rất ít khi quan tâm tới Thở. Con người phải lao động vất vả để có cái ăn thức uống.
Riêng về Thở có lẽ do không phải mất tiền mua nên con người coi thường, ít để ý. Chính vì không quan tâm nên con người đã sử dụng không đúng sự thở mà tạo hóa đã ban cho.

2- CON NGƯỜI THỞ NHƯ THẾ NÀO
Môn giải phẫu cơ thể học cho thấy phổi của một người bình thường có thể tích khoảng 6 lít. Nhưng kiểm tra bằng máy Spirometer (máy đo tổng lượng khí thở ra được – còn gọi là dung tích sống) cho thấy hơi thở bình thường trên nhiều người chỉ có 0,5 lít (nữ ít hơn nam). Như vậy con người chỉ sử dụng chưa đến 10% công năng theo cấu tạo của phổi! Chính xác chỉ có 0,35 lít là vào đến phế nang để tham gia quá trình trao đổi khí, còn lại 0,15 lít nằm ở phế quản và các đường dẫn nhánh của nó không tham gia trao đổi khí với máu.

Chức năng của phổi là lấy không khí từ ngoài cơ thể hòa trộn với máu tại các phế nang để cung cấp ôxy (O2), xả khí thải độc hại, diệt vi khuẩn trong máu. Máu đen từ Tim bơm vào phổi qua các động mạch phổi sẽ tràn ngập toàn bộ các phế nang (phổi người có khoảng 300 triệu phế nang). Thế nhưng ở người bình thường chỉ chưa đầy 10% lượng máu vào phổi được trao đổi khí. Số máu còn lại (chiếm trên 90%) tuy có vào phổi nhưng không được thanh lọc, không được bổ xung O2 vẫn phải quay về Tim để tiếp tục đi nuôi cơ thể!

3- CHUYỂN HÓA
Các máy móc tự hành hoặc nhà máy chuyển hóa năng lượng như máy bay, tầu hỏa, ô tô, nhà máy điện… đều phải sử dụng nguồn nhiên liệu cung cấp từ phía ngoài, chuyển hóa thành công năng để chuyển động hoặc biến thành các dạng năng lượng khác. Cơ thể con người cũng vậy, chỉ khác là máy móc có 1 động cơ (xe gắn máy) hoặc vài động cơ nhưng trong cơ thể con người có rất nhiều động cơ. Mỗi tế bào là một động cơ đốt trong vì hầu hết các tế bào đều sử dụng nhiên liệu lỏng do máu cung cấp để chuyển hóa thành công năng (các tế bào cơ, gân, xương), thành điện sinh học (các nơron thần kinh, tế bào não), chế tạo men sinh hóa (các tế bào nội tiết, tiêu hóa) … Số lượng tế bào trong cơ thể người rất lớn. Riêng não người đã có khoảng 8 – 10 tỷ tế bào. Như vậy với hơn 100 nghìn tỷ tế bào đang hoạt động, cơ thể con người không khác gì một tổ hợp máy móc khổng lồ, tinh vi, hiện đại!

4- CHẤT THẢI
Máy móc trong quá trình vận hành luôn phải xả ra khí thải. Tế bào sống cũng vậy. Điểm khác biệt là khí thải của máy móc xả trực tiếp vào khí quyển còn tế bào trong cơ thể con người xả chất thải vào ngay nguồn cung cấp tức là trả lại cho máu! Máu từ tĩnh mạch chủ được tim bơm qua phổi vào các phế nang và tại đây chúng được sử lý, bổ xung O2. Các chất độc hại, vi khuẩn sau khi sử lý sẽ được xả ra ngoài qua đường khí quản. Với hơn 100 nghìn tỷ động cơ đang gào rú trong cơ thể con người thì khí quản chẳng khác gì một ống khói khổng lồ! Mặc dù phần lớn chất cạn bã hòa tan được trong nước (như muối Natri Clorua, Urê, xác tế bào chết …) được lọc qua gan – thận đẩy ra ngoài qua đường tiết niệu còn lại hầu hết chất thải dạng khí được thải qua hai lá phổi theo cơ chế Ngay và Luôn! Các nhà khoa học phân tích được trong hơi thở ra của con người có khoảng 250 loại khí độc hại như khí Cacbonic, Amoniac, methane (từ ruột già); Alcohol (thấy rõ sau khi uống rượu), axit citric (thấy nhiều sau khi uống nước chanh), acetone (thấy khi nhịn ăn) v.v.

5- HƠI THỞ VỚI TẾ BÀO SỐNG
Một khi cái ống khói khổng lồ này chỉ hoạt động cầm chừng (khoảng 10% công xuất thiết kế) thì tất yếu rất nhiều chất độc hại trong máu với lưu lượng khoảng 7.500 lít/ngày-đêm luân chuyển qua phổi sẽ quay trở lại, đầu độc tế bào, đầu độc cơ thể, vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch, làm suy giảm sức đề kháng. Khi tế bào bị ngộ độc thì cơ quan chức năng tương ứng cũng sẽ bị hư tổn theo, lâu ngày trở thành thoái hóa. Bệnh tật phát sinh, nặng dần lên theo năm tháng.

6- CHUỘT RÚT
Trận đấu bóng đá đã sang hiệp đấu phụ thứ nhất. Một vài cầu thủ đang chạy tự mình ngã nhào xuống sân cỏ, lăn lộn tỏ vẻ rất đau đớn. Bình luận viên giải thích cầu thủ đó đang bị “chuột rút”. Hiện tượng chuột rút thường xảy ra khi đối tượng phải tham gia một hoạt động gắng sức, quá khả năng chịu đựng. Đồng nghĩa với việc cơ bắp (thường ở chân) phải đốt cháy năng lượng để sinh công rất nhiều. Quá trình sinh công xả ra nhiều chất thải độc hại, chủ yếu là Urê, Amoniac …

Số lượng chất thải quá lớn, máu không kịp vận chuyển ra khỏi vùng nóng làm cho các tế bào cơ bị ngộ độc, co cứng gây ra cảm giác vô cùng đau đớn. Chuyện gì sẽ xẩy ra với người ít hoạt động chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn buộc phải vận động gắng sức!? Chuyện gì sẽ xẩy ra khi chất độc từ máu không được thanh lọc quay trở lại tích tụ xung quanh các mô tế bào? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu chất độc tích tụ lâu ngày trong cơ thể được ép dần ra ngoài?

7- ÔXY HAY CACBONIC
Nghiên cứu về môi trường sống của con người khi phải làm việc dài ngày trên vũ trụ, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thử nghiệm trong đó có hai thử nghiệm quan trọng liên quan tới việc thở. Thử nghiệm thứ nhất: cấp bù O2 cho khoang lái đảm bảo nồng độ O2 như trong khí quyển trái đất. Thử nghiệm thứ hai: Lọc bỏ chất độc hại phát sinh trong không khí do con người xả ra, không cấp bù O2. Kết quả với thử nghiệm thứ nhất chỉ sau một ngày các tình nguyện viên đã cảm thấy tức thở, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi. Ở thử nghiệm thứ hai sau vài ngày mọi người mới cảm thấy tình trạng thiếu dưỡng khí. Như vậy bài học kinh điển về hệ hô hấp được học ở phổ thông phải hiểu ngược lại: Phổi có nhiệm vụ xả thải khí độc và cấp bù ôxy cho cơ thể chứ không phải là cấp ôxy thải cacbonic.

8- NGÁP
Hắt hơi và Ngáp là những hành động vô thức, bất thường, là hành vi ngoài ý muốn chủ quan của con người. Hắt hơi và Ngáp tuy cùng là phản vệ của phổi nhưng chúng không giống nhau. Hắt hơi xảy ra khi đường khí quản bị nghẽn đờm hoặc có vật thể lạ xâm nhập. Con người có thể tái hiện được. Riêng ngáp do não bộ chỉ đạo thực hiện qua hệ thần kinh thực vật (thần kinh vô thức). Ngáp xảy ra khi não gặp nguy hiểm. Bộ não chỉ chiếm khoảng 5% trọng lượng cơ thể con người nhưng nó tiêu tốn tới 40% năng lượng toàn cơ thể. Tương ứng lượng chất thải độc hại sinh ra từ não cũng chiếm khoảng 40%. Khi não phải hoạt động nhiều (nghĩ ngợi, tính toán hoặc làm việc căng thẳng liên tục) lượng chất thải phát sinh trong não rất lớn trong khi ống xả thải là hai lá phổi hoạt động cầm chừng không đáp ứng được thì não sẽ phát lệnh “Ngáp”.

Để xem ngáp giải quyết được gì ta hãy giải mã chúng: Mồm đột ngột há to hết cỡ (Ngoác tới tận mang tai) -> Các cơ khẩn cấp căng phồng lồng ngực -> Một lượng lớn không khí lao cực nhanh vào tận rốn phổi -> Khối không khí vừa vào quay trở ra với tốc độ cao giảm dần kèm theo một âm thanh không mong muốn “Ng.. áh áh… áp”!

Kết quả của hiện tượng ngáp là đưa được một lượng lớn không khí vào tận rốn phổi và trở ra với một lượng lớn chất thải độc hại. Theo cơ thể học thì ngáp là hành động tạo ra một “dung tích sống” có độ lớn bất thường. Một lần ngáp chưa xả hết chất độc thì ngáp vài cái nữa (ngáp vặt). Thường sau khi ngáp con người cảm thấy buồn ngủ và được ngủ thì ngủ khá say (nếu đang trong lớp học hoặc trên hội trường thì ngủ gật luôn!). Hiện tượng ngủ sau ngáp cho thấy tế bào não quá mệt mỏi do bị đầu độc, giấc ngủ sẽ làm giảm tối đa các hoạt động thể chất và tinh thần nhờ đó giảm thiểu việc phát sinh chất độc hại trong não và trong cơ thể. Như vậy ngáp là một phản vệ tốt của cơ thể. Nhờ ngáp mà cơ thể nhận được một lượng lớn ôxy và thải ra một lượng lớn chất độc hại tồn trữ trong phổi. Ngáp là một hành động vô thức, con người không thể tái thực hiện được.

Tuy nhiên việc đưa một lượng lớn không khí vào tận rốn phổi và từ từ xả ra thì con người có thể thực hiện được thông qua luyện tập. Nghiên cứu hành vi bảo vệ vô thức của cơ thể, từ ngàn năm xưa các võ sư tu hành ở vùng núi Hymalaya đã sáng tạo ra bộ môn gọi là khí công nhằm luyện tập để tăng dung tích sống của phổi, kích hoạt mọi cơ quan chức năng trong cơ thể với hàng nghìn vũ đạo tinh vi để tạo ra cơ chế dưỡng sinh và phục hồi chức năng vô cùng kỳ diệu. Quá trình lưu truyền trong nhân gian môn khí công đã chia thành nhiều trường phái khác nhau với nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh một trục trung tâm là hơi thở.

9- DUNG TÍCH SỐNG
Theo định nghĩa “Dung tích sống” là thể tích khí thở ra được. Ở người bình thường dung tích sống chỉ có 0,5 lít trong khi thể tích của toàn phổi là 6 lít? Thực nghiệm cho thấy sau khi hít vào bình thường con người có thể hít cố thêm 2,1 – 3,1 lít khí nữa. Tương tự sau khi thở ra bình thường, con người có thể thở ép ra được từ 0,8 -1,2 lít nữa. Như vậy tổng dung tích sống có thể ở người là 3,4 – 4,8 lít! Gấp 6 – 9 lần khi thở bình thường.

Ở người khỏe mạnh dù thở ra cố đến đâu cũng vẫn còn một phần khí lưu lại trong phổi từ 1,0 – 1,2 lít được gọi là thể tích cặn. Phần thể tích cặn này vô cùng quan trọng và có liên quan đến một trong những nguyên lý căn bản của khí công là cơ chế “thở 3 thì”. Một phần thể tích nhỏ nữa thuộc phổi (0,15 lít) không được xem xét ở đây gọi là “khoảng chết giải phẫu” đó là không gian chiếm dụng bởi các ống dẫn khí do chúng không tham gia vào quá trình thở.

Sơ đồ minh họa “Dung tích sống”.

10- THỞ BA THÌ
Hít vào thở ra là thở hai thì. Hít vào – Nín – Thở ra là thở ba thì. Do quá trình trao đổi khí trong phế nang cần phải có một thời gian nhất định để các thể tích khí hòa trộn với nhau. Ngay cả khi đã thở hết ra thì phần thể tích cặn trong phổi tiếp tục giữ cho quá trình trao đổi khí được liên tục. Như vậy khi hít vào nên hít nhanh, sau đó nín thở để giữ khí ở lại trong phổi càng lâu càng tốt, khi thở ra thì thở từ từ để kéo dài thời gian lưu khí trong phổi. Kinh nghiệm trong luyện tập nếu Hít vào mất 1 đơn vị thời gian thì Nín là 2 đơn vị thời gian và thở ra là 2 đơn vị thời gian.

11- CÁC CƠ THỞ VỚI DUNG TÍCH SỐNG
Các cơ hô hấp theo chức năng được chia thành cơ hít và cơ thở. Theo hành trình được chia thành cơ dọc và cơ ngang. Các cơ giúp lồng ngực chuyển động theo phương ngang (co giãn ngang so với mặt đất) gồm Cơ ức đòn chũm, Cơ gian sườn trước, Cơ bậc thang, Cơ gian sườn ngoài, Cơ liên sườn trong … các cơ này tạo dung tích sống tối đa là 1,0 lít. Các cơ giúp lồng ngực co giãn theo phương thẳng đứng gồm cơ Hoành và cơ Bụng.

Đây là hai cơ quan trọng nhất tạo ra dung tích sống lớn do cơ Hoành có diện tích khoảng 250Cm2, chỉ cần di chuyển nhẹ xuống dưới 1Cm đã tạo ra phần dung tích sống 0,25 lít. Khi phối hợp với cơ Bụng (cơ thở ra), cơ Hoành có thể gia tăng dung tích sống từ 2,4 -:- 3,8 lít. Nhược điểm của cơ Hoành là chỉ hoạt động khi có vận động gắng sức như chạy, leo dốc cao … Trong luyện khí công để tạo ra dung tích sống lớn phải sử dụng cơ Hoành và cơ Bụng ép nội tạng xuống dưới bằng cách phồng bụng lên hoặc hóp bụng lại. Phương pháp thở này có tên là thở bụng (thai tức) đó là cách thở của trẻ sơ sinh. Hoạt động thở ở con người do não bộ chỉ huy thông qua hệ thần kinh thực vật ngoài ý thức chủ quan của con người (hoạt động vô thức) nên để có thể thở được bằng bụng cần phải kiên trì luyện tập (xem thêm bài: Phương pháp luyện tập nâng cao dung tích sống của phổi).

12- LẬP TRÌNH TỰ CHẾT
Trong cơ thể con người có hơn 100 nghìn tỷ tế bào, chúng không cùng sinh cùng chết với con người. Mỗi tế bào chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định sau đó tự chết đi để một thế hệ mới ra đời thay thế. Hoạt động này được lập trình sẵn trong AND của mỗi tế bào nên còn được gọi là “lập trình tự chết”. Mỗi ngày có khoảng 500 triệu tế bào trong cơ thể người chết đi và thay thế vào đó là 500 triệu tế bào mới. Tế bào mới này được sinh ra từ tế bào cùng chức năng đang còn trong độ tuổi sung sức theo phương pháp nhân bản (chia đôi giống hệt nhau). Ở một cơ thể khỏe mạnh thì sự đổi ca này là bình thường nhưng ở một cơ thể già yếu, tình trạng ngộ độc tế bào ở mức cao thì việc phân chia này là khó khăn thậm chí còn èo uột. Việc tế bào bị đầu độc còn hết sức nguy hiểm do chất độc có khả năng gây đột biến gien, lập trình tự chết bị rối loạn tức là tế bào già cỗi không chịu tự chết mà sống lang thang đây đó, tụ họp với nhau thành khối, gây ách tắc, chèn ép các hoạt động chức năng. Y học gọi đó là bệnh ung thư, một trong các bệnh hiểm nghèo có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay.

13- CƠ CHẾ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Một thiên hướng tuyệt vời trong cơ thể con người đó là khả năng tự phục hồi. Một vết cắt trên tay do dao chỉ một vài ngày tự liền. Một vết thương khá sâu trên cơ bắp nếu được cố định tốt (khâu lại) cũng chỉ sau một tuần là liền da, thậm chí ở người khỏe mạnh sau một thời gian không còn cả sẹo. Cứng như xương cũng chỉ 15 – 20 ngày đã có biểu hiện liền chỗ gãy. Trong cơ thể người Gan là cơ quan có khả năng tự phục hồi tốt nhất. Cơ chế tự phục hồi được thực hiện rất tốt trên một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng trên những cơ thể ốm yếu, ở các tế bào èo uột, ngộ độc do chính chất thải của mình gây ra thì sự nhân bản là vô cùng khó khăn thậm chí không tự hồi phục được. Các chức năng bị ngừng trệ thậm chí bị hủy hoại luôn. Đó là hiện tượng thoái hóa, các cơ quan chức năng tại đây đã không còn thực hiện nhiệm vụ.

Tác giả Lê Triều Sâm chia sẻ bài viết rất hữu ích này tới những người quan tâm đến khí công, đến sức khỏe…

14- NGUYÊN LÝ CỨU HỎA
Một đám cháy bùng lên, lực lượng cứu hỏa địa phương tập trung đến để dập lửa. Đám cháy to phải huy động xe cứu hỏa của các quận khác. Cháy to quá phải huy động lực lượng cứu hỏa của cả các tỉnh xung quanh. Trong cơ thể cũng vậy. Khi một vùng cơ thể được kích hoạt như vỗ hai tay vào nhau, não sẽ huy động máu tập trung nguồn lực đến hai tay. Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng để sinh công, máu còn thu dọn phế thải phát sinh do vận động. Trong quá trình cung cấp nguồn lực, dọn dẹp vệ sinh môi trường một công việc khác cũng được thực hiện song song đó là bổ xung các tế bào khiếm khuyết theo “Cơ chế tự phục hồi”. Bộ môn khí công sau khi nghiên cứu kỹ cấu tạo cơ thể đã cho ra đời nhiều bài luyện tập chuyên sâu giúp phục hồi chức năng. Mỗi bài tập đều tập trung vào một nhiệm vụ như kích hoạt hệ Xương khớp, hoặc Nội tạng, huyết áp, Thần kinh, tiêu hóa …

15- HỆ BẠCH HUYẾT
Trong cơ thể Hệ bạch huyết tồn tại và hoạt động song song với hệ tuần hoàn. Chúng có Mạch bạch huyết và các Hạch bạch huyết. Ở đâu có động mạch, tĩnh mạch thì ở đó có mạch bạch huyết tương ứng. Nhiệm vụ của hệ bạch huyết là thực hiện dịch vụ chuyển giao nguồn lực cũng như thu nhận chất xả thải giữa máu và tế bào, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu diệt vi trùng, tế bào lạ, tế bào chết. Khác với hệ tuần hoàn có tim bơm máu đi khắp cơ thể, hệ bạch huyết có rất nhiều tim ở hình thức sơ khai là các van một chiều. Động lực để đẩy bạch huyết lưu thông trong cơ thể là rung động của thân thể mà chủ yếu là hoạt động co bóp của phổi. Cũng giống như các cơ quan trong cơ thể, hệ bạch huyết sẽ yếu đi khi bị nhiễm độc do chính chất xả thải từ tế bào. Như vậy việc hít sâu thở dài không chỉ xả chất độc hại mà còn giúp bạch huyết di chuyển tốt hơn trong mạch bạch huyết, tăng cường khả năng tầm soát của các Hạch bạch huyết trong việc dọn dẹp vệ sinh cơ thể.

16- KHÍ CÔNG VỚI DƯỠNG SINH VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Đến đây đã có thể thấy rất rõ tác dụng của khí công trong việc hít sâu thở dài làm tăng dung tích sống của phổi giúp giải độc trong cơ thể. Hít thở đúng kỹ thuật kết hợp với các động tác vũ đạo hợp lý sẽ giúp cho việc nâng cao thể lực, phòng và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Chúc các bạn luyện tập thành công và chiến thắng mọi bệnh tật!
Lê Triều Sâm

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.