HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI KHÍ CÔNG HIMALAYA
Gia đình tôi có nhiều người bệnh, thậm chí là bệnh nan y, mà tôi là người hay đi theo họ vào bệnh viện để chăm sóc. Kể cả hàng xóm láng giềng, nếu họ cần thì tôi cũng không từ nan.
Thường vào bệnh viện, thấy cảnh đau ốm bệnh tật của nhiều người nên trong đầu lúc nào tôi cũng đặt câu hỏi: Có cách nào không? Phải có cách nào để cải thiện sức khỏe?
Rồi tôi quyết tâm tìm hiểu để có sức khỏe tốt. Hơn nữa, tôi phải khỏe thì mới đủ sức lo cho người thân và làm công tác xã hội. Và quan trọng phải khỏe để con cháu nó mừng mà yên tâm làm ăn, và mình không làm phiền nó vì sức khỏe yếu. Cho nên tôi ăn uống điều độ, tìm hiểu nhiều môn thể thao tự tập luyện mà không đến trung tâm hoặc mua sắm dụng cụ hỗ trợ nào.
Tôi vẫn thường xuyên tập luyện vào sáng sớm, trong đó có chạy bộ, hít đất một lần 20 cái. Hít 3 lần 60 cái xen kẽ với nằm đạp xe đạp, mỗi lần 150 vòng, 3 lần 450 vòng. Rồi tôi tự tìm hiểu thêm nhiều môn phái, trong đó có Trường sinh học. Chuẩn bị lên cấp 3 của Trường sinh học thì tôi bỏ hẳn.
Tôi rất quí trọng các môn mà tôi tìm hiểu, tập luyện để nâng cao chất lượng sống. Nhưng khi có nội quy hơi bị ràng buộc thì những lúc tập luyện không được an tâm cho lắm. Cứ lo lắng không biết mình bị mất luân xa chưa?! Rồi phải 30 phút đến 60 phút cho đúng qui định… Khi thiền thì không được dùng thuốc. Mà bệnh hen của tôi nó kéo cơn bất ngờ, không có thuốc để kiềm chế cơn kịch phát thì nguy to… Và không được dùng rượu. Mà tôi thỉnh thoảng có dùng rượu vang kèm với phô mai. Cho nên quá trình tập luyện đầu óc tôi cứ lăn tăn lo lắng về những qui định có rất nhiều trong môn phái này. Nhất là khi có công việc phải đi lại bằng máy bay dài ngày, tôi càng lo lắng hơn vì không hiểu mình bị mất luân xa chưa? Phải chờ khóa mới đi học lại… Và cuối cùng tôi đã bỏ tập môn này.
Dịp may đến với tôi khi có nhiều thông tin trên báo đài nói về KHÍ CÔNG HIMALAYA. Tôi rất quan tâm, trong những ngày đầu tiên tự hỏi: Không hiểu sao mọi người đều tin sái cổ về người đàn ông xa lạ này? Thấy bảo cũng có nhiều người khỏe mạnh sau khi tập môn này nên tôi chú ý, trong đó có những người bị hen cũng bớt nên tôi rất mừng. Ai đã từng trải qua đau ốm bệnh tật thì mới hiểu hết nỗi khổ của kiếp người. Vì dạo sau này bệnh hen của tôi trở nặng lắm. Có đêm cơn hen kịch phát, tôi phải ngồi dậy, dựa vào tường để ngủ, chờ sáng tới phòng mạch. May quá, số tôi chưa tới nên chưa bị đứt hơi mà không phiền hàng xóm. Cho nên vì bệnh tôi quyết tâm tầm sư học đạo. Vì trước đó loay hoay mãi mà không có cách nào khác. Kể cả mở youtube ra học mà cũng không được.
Cuộc sống của tôi phụ thuộc vào con cháu. Tất cả đều đi làm ăn ở xa, quanh quẩn chỉ có một mình nên tôi sợ bệnh lắm. Nên mọi sinh hoạt đời thường tôi đều tinh giảm tối đa. Khi quyết định ra Hà Nội học, tôi không cho con cháu biết mà cứ thế khóa cửa đi. Cho nên mọi thông tin về tàu xe, nơi lưu trú, khác biệt vùng miền, khí hậu thời tiết… tôi đều mù tịt. Thậm chí lúc ra sân bay, Hai Lúa tôi rất lo lắng: Không biết có được lên máy bay không? Vì nhờ người ta đặt vé online chứ không cầm tấm vé trong tay nên sợ. Vì từ hồi nào tới giờ đi khắp mọi nơi đều do con cháu lo lắng từ A tới Z. Tôi vô tình hồn nhiên đến độ ra Hà Nội mấy lần mà không biết hết bao nhiêu tiền máy bay và khách sạn.
Cho nên lần đầu tiên trong đời tự mình mò mẫm đi tới nơi xa lạ cũng ngại lắm. Lịch học ngày 21/3/2016 đến 29/3 (khóa 9), nhưng vì lịch bay nên phải ở lại 2 tuần mới về Nha Trang. Và điều quan trọng là sau 10 buổi học đều có một ngày sinh hoạt chung mà tôi rất tiếc không được tham gia vì không được biết trước để chuẩn bị.
Hà Nội chào đón tôi bằng mưa phùn dày đặc mù sương. Từ tỉnh Khánh Hòa xa xôi nắng chan chát mà ở đây như vầy khiến tôi muốn xỉu luôn. Vì cơn hen không chịu được khí hậu ẩm ướt. Bệnh của tôi trở nặng vì gió bấc mưa phùn ở Hà Nội. Địa điểm tập ở trường Đại học Luật nên tôi thuê trọ ở khách sạn tên là Ngân Hà đối diện với Đài khí tượng thủy văn Hà Nội. Bên kia là nơi tập nhưng tôi phải đi một đoạn xa vì không dám băng qua đường mà phải dùng cầu vượt. Đó là lí do mà buộc tôi phải ở đây.
Không khí của buổi học, sự hiện hữu của đông đảo mọi người đã làm cho tôi tin tưởng rất nhiều. Điều này đã giải thích lí do tại sao thiên hạ đã tin ông này sái cổ. Hầu như tôi không tiếp thu được gì nhiều, vì bệnh hen hành hạ lúc đi đường bị cơn mưa và khí lạnh thấm vào. Đôi lúc tôi muốn nằm lăn ra giữa hội trường vì khó thở. Nhưng cố chịu vì ngại quá!
Ngày hai bữa tôi theo sau các sinh viên đến quán để mua cơm. Khẩu vị không hợp vùng miền, không sao cả, tôi mua cơm trắng về ăn với muối mè đem theo. Hết muối mè thì mua cơm trắng ăn với phô mai đầu bò. Bữa sáng mua xôi ở gần trường Đại học Luật rồi uống cà phê mang theo tự pha. Hành trang mang theo đều là những thứ dùng ở khí hậu vùng Khánh Hòa. Nên khi ra đây thời tiết khác biệt tôi chịu không nổi. Tôi đã nhờ bạn đồng môn đưa đi mua dùm áo phao, mặc vào mới tỉnh táo để đến trường. Mỗi khi cửa phòng học mở ra để người ta vào lớp thì tôi nổi da gà vì lạnh, dù đã mặc nhiều lớp áo quần. Ngoài thời gian tập ở Đại học Luật, tôi chỉ đi đến 2 nơi đó là Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Thái Hà sát bên một bệnh viện. Tôi mua bản đồ ở quầy bán báo để tìm biết nhà thờ nào gần nhất. Và tôi cũng biết rằng phải nói là “Bán cho một cốc chè” thay vì “một ly trà”. Thú vị thật! Sau một vài buổi học, cũng có nhiều đồng môn có nhã ý cho tôi về nhà họ ở cho đỡ tốn kém. Nhưng tôi ngại phiền hà, và vì căn bệnh của tôi hay đột xuất, sợ ảnh hưởng cuộc sống của họ.
Các con cháu ở xa, biêt tôi sống một mình nên rất quan tâm lo lắng. Chúng thường xuyên điện thoại về nhà bằng máy bàn để hỏi thăm và để biết sự di chuyển của tôi hàng ngày, kể cả lên mạng online bằng laptop của tôi vì tôi chỉ xài di động loại cùi bắp. Chúng hoảng hốt khi không liên lạc được bằng máy bàn và laptop nên dồn dập điện vào cái di động cùi bắp của tôi. Tôi báo cho chúng biết là đã ở Hà Nội và đang học khí công. Chúng lo lắng và ngạc nhiên vì đây là điều không tưởng. Tôi chỉ có 12 triệu trong chuyến đi kéo dài 2 tuần ở thủ đô Hà Nội. Trong đó bao gồm cả tiền vé máy bay và ăn ở, nên tôi không dám tiêu pha gì cả. Các con cháu dồn dập điện để gửi tiền cho tôi, nhưng tôi cương quyết từ chối. Hạ quyết tâm chỉ dùng trong phạm vi số tiền 12 triệu đồng chúng cho (để tôi phòng khi đau ốm). Coi như mình đầu tư cho sức khỏe. Nghĩ vậy nên tôi mới vác ba lô đi phượt chuyến này. Cho nên sau này thấy có một số bác phàn nàn là ở xa chỗ tập thì em thấy chạnh lòng lắm. Vì cái gì cũng phải có cái giá của nó. Ăn thua là mình thấy có đúng và có quyết tâm đánh đổi hay không mà thôi.
Sau khi thanh toán tiền phòng xong vào ngày cuối, trong túi chỉ còn 250 ngàn. Bụng đánh lô tô vì sợ không đủ trả tiền taxi ra sân bay Nội Bài. Tôi đã điện cho tài xế taxi thường chở tôi đi nhà thờ: “Alo, xin cho biết có loại taxi giá rẻ nào để ra sân bay vào sáng sớm mai?”. Họ cho biết gọi vào số đó là loại xe giá rẻ. Và chỉ tốn 180 ngàn đồng. Tôi đưa 200 luôn. Nhà tôi cách sân bay Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa gần 80 cây số. Mà trong túi chỉ còn 50 ngàn đồng, nhưng không sao, vì về quê mình sẽ có sự trợ giúp.
Gần 5h sáng tôi rời khách sạn để ra Nội Bài. Trong ba lô thủ một chai nước và một gói xôi mua sáng hôm qua trước trường Đại học Luật. Thật là một kỉ niệm tuyệt vời trong chuyến đi phượt tầm sư học đạo. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày ở giữa thủ đô Hà Nội và phải trải nghiệm nhiều điều thú vị lạ lùng. Trong đó có những cơn lạnh cắt da mà không mang theo áo khoác để chống đỡ cơn hen. Và 2 tuần không có người nói chuyện ngoài 2 giờ đến lớp học vào buổi tối. Thời gian còn lại chỉ đứng nhìn xuống phố từ lầu 3, rồi im lặng và đọc báo các loại.
Khi rời Hà Nội, tôi có cảm giác lưu luyến thế nào, mọi người còn yên ngủ, xe lướt qua từng con phố. Thủ đô đẹp lung linh dưới ánh đèn đường. Tôi thấy chạnh lòng khi liên tưởng tới cảnh bom đạn 1 thời tàn phá thủ đô, mà ở miền Nam ngày xưa tôi chỉ biết qua tin tức thời sự một cách dửng dưng. Và qua dòng thơ của thi sĩ mà tôi ái mộ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…
Về lại nhà, sau đó tôi tiếp tục tập luyện. Cố gắng từng động tác và hơi thở. Tôi hình dung ra những lúc thầy thị phạm và lần lượt thuộc hết các bài. Kinh nghiệm thường xuyên là nếu không tập hết vào sáng sớm thì trong ngày có những lúc xảy ra việc đột xuất sẽ khó thực hiện. Nên tôi quyết tâm dậy sớm để trả bài cho xong. Tôi đam mê đọc sách báo để tìm hiểu, nên thức khuya. Vậy mà cứ đều đặn cứ tầm 3h sáng nào cũng tỉnh táo thức dậy tập khí công để tầm 4h30 đi lễ nhà thờ. 5h30 đi lễ về rồi tiếp tục tập nữa. Lịch tập của tôi như sau:
– Buổi sáng: Bài Trường xuân công rồi Ngũ hành động công, Vạn bộ trường sinh (30 bộ), rồi Nạp khí, Xả khí. Và chỉ 5 động tác khởi động duy nhất trong bài Luân xa 1. Mà tôi cũng chỉ thuộc nhiêu đó.
– Buổi chiều: Duy trì 2 bài Luyện đan và Mệnh môn công trong 30 phút. Nếu rảnh thì tập tiếp tục tập thêm Vạn bộ trường sinh nữa.
Sau thời gian ngắn, tôi thấy sức khỏe của mình cải thiện rất nhiều, tràn đầy niềm vui và năng lượng. Không đi phòng mạch bác sĩ (mà trước đây đi thường xuyên mỗi tháng). Đến khi khám sức khỏe định kì, các kết quả đều ổn. Cho nên tôi không quan tâm về cân nặng, sau khi sút 2 kí. Tôi đã khỏe với số kí 37 cho đến tận bây giờ. Ăn rất ngon, thậm chí nước lã cũng thấy ngon.
Tôi như một người khác trước đây. Có nhiều người đã nhận xét như vậy sau khi gặp lại tôi trong một thời gian đã rèn luyện KHÍ CÔNG HIMALAYA. Sau này tôi có nhận chăm sóc một người thân đã hơn 90 tuổi. Bà cụ đã lẩm cẩm, không còn nhận thức về hành vi và lời nói nhưng vẫn khỏe mạnh, thường xuyên lên cơn giận dữ như người tâm thần, la hét và vùng vẫy để lao ra đường. Ngày đêm rất ít ngủ mà hay nói xàm suốt. Cho nên tôi không thể nào chợp mắt hoặc nghỉ ngơi một chút, dù đêm hay ngày.
Lúc đầu tôi tường mình không thể nào vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn mà mình tự nguyện. Kể cả hàng xóm cũng lo lắng và ngạc nhiên cho tôi vì tiếng gào thét của cụ đã làm náo động. Tôi mất ăn mất ngủ một thời gian dài. Nhưng nhờ tập luyện khí công mà tôi vẫn tỉnh táo phục vụ và làm mọi công việc trôi chảy như thường. Trong đêm dài, vì tiếng ồn lảm nhảm suốt, thì tôi cứ tập khí công. Trong đó nhiều nhất là Vạn bộ trường sinh. Bài Vạn bộ trường sinh giúp ích cho tôi rất nhiều trong những lúc cảm thấy mệt mỏi yếu đuối về sức khỏe và lấy lại tinh thần. Những người ở gần rất ngạc nhiên và thắc mắc về sức chịu đựng nhẫn nại của tôi. Họ không biết rằng tất cả đều nhờ do tôi đã học khí công mà ra…
Tôi rất mừng vì đã quyết định đúng để bỏ ra công sức và tiền bạc để đi tìm học môn này. Như tôi đã kể, ở Hà Nội tôi không thuộc bài lắm nên một lần mua sách, tôi thấy tác phẩm của ông Perter Kelder có in hình 5 động tác trong bài Luân xa 1. Tôi mừng quá mua sách về nhìn hình minh họa để tập theo. Vì trong sách chỉ có 5 hình nên tôi cũng chỉ nhớ có vậy trong bài Luân xa 1 của Thầy.
Mấy ngày nay, Thầy đã làm chương trình tập luyện trên mạng. Thật may mắn cho những người học sau này. Tôi mong có sự hưởng ứng rất nhiều trong cộng đồng để xã hội mỗi ngày một tốt hơn. Vì theo bản thân mình, sau khi luyện tập, tôi ngộ ra nhiều điều: Bớt sân si nhiều lắm. Biết rõ Cõi Tạm và biết trân quí Tha Nhân hơn!
Xin cảm ơn vì đã đọc chia sẻ của tôi!
Xin tặng Thầy mấy dòng sáng tác:
Chẳng giấu gì anh, tớ cũng nghèo
Chồng con thì có, của thì không
Làm sao khỏe mạnh mà vui sống?
Rốt cuộc đi tìm, gặp khí công.
Chẳng giấu gì anh, tớ cũng…già
Tuổi đời vừa chẵn sáu mươi ba
Người ta bỏ tớ, nên thành…giá
Nứt mộng lâu rồi, tớ kệ cha…
Hai Lúa miền Trung.
Thanh Phong Pham