“Kính thưa thầy Trần Hoài Văn và các cô/bác/chú/anh/chị trong Câu lạc bộ Khí công Himalaya!
Vậy là loạt bài 11 kì viết về Khí công Himalaya đăng tải trên báo Tuổi trẻ & Đời sống của em đã kết thúc. Vẫn biết là còn nhiều tấm gương đẩy lùi bệnh tật rất hay và ý nghĩa nhưng “đất diễn” của em đã hết, phải dành chỗ cho các bài viết khác. Em xin phép được dông dài một chút ạ.
Em vẫn còn nhớ như in mối nhân duyên đã đưa em tới Khí công Himalaya và thầy Trần Hoài Văn. Đó là vào khoảng tháng 10/2015. Buổi sáng hôm ấy em nhận được tin nhắn của Thư ký tòa soạn báo Người Giữ Lửa gửi cho 1 đường link với nội dung: “Lấy lại phong độ đàn ông và cải thiện chuyện phòng the nhờ Khí công Himalaya”. Thư ký tòa soạn bảo em tìm hiểu cái “món” Khí công này là gì rồi làm cho chị 1 bài. Giống như biết bao nhiêu người lần đầu nghe tới môn phái, em chẳng biết Khí công Himalaya “mặt ngang mũi dọc” là gì, lại cứ ngỡ “hắn” cũng giống như Suối Nguồn Tươi Trẻ.
Ngay sau đó, em lên mạng tìm kiếm. Đúng như lời thầy Văn nói, lúc bấy giờ, trên mạng hầu như không có nhiều tài liệu viết về nó, chỉ có 2 phóng sự ngắn của Đài Truyền hình Quốc hội và VTC10 phỏng vấn Thầy. Đặc biệt, có 1 bài viết khá thú vị của thầy giáo Tuấn – luyện chữ đẹp, chia sẻ trên trang otofun. Tại đây, anh Tuấn còn “hào phóng” cho mọi người số điện thoại và Faccebook cá nhân của thầy Văn để mọi người tiện liên lạc, tìm hiểu. Thế là em đánh bạo nhắn tin qua Facebook cho thầy Văn và thấp thỏm chờ đợi câu trả lời. Bất ngờ, tối hôm ấy, Thầy trả lời tin nhắn của em và nói thời gian này khá bận vì chuẩn bị có lớp nhập môn nên hẹn gặp em vào sáng chủ nhật. Sợ quá trình phỏng vấn diễn ra không suôn sẻ, em ngồi viết ra hàng loạt câu hỏi vào sổ để hôm sau mang ra hỏi cho chắc ăn (ngày đầu mới ra trường em hay làm việc này nhưng sau đó thì “mai một dần”).
Buổi sáng hôm ấy đúng 9h ngày 20/10, em và một bạn quay phim đến nhà thầy Văn tại một con ngõ nhỏ trên đường Kim Mã. Tại đây, em đã bị thầy Văn “hớp hồn”, không phải vì vẻ ngoài đẹp trai, phong độ đâu ạ. Mà là vì cách nói chuyện của Thầy rất thu hút, lôi cuốn, kiến thức uyên bác và sự trải nghiệm tuyệt vời. Khi ấy, trong đầu em nghĩ: “Mình quả là may mắn khi gặp được nhân vật này. Chưa khi nào đi phỏng vấn mà được truyền nhiều cảm hứng đến như vậy. Phải đăng ký đi học Khí công Himalaya ngay mới được”. Thế là vừa viết bài, em vừa theo học Khí công Himalaya, lại còn lôi kéo được bác họ, chị dâu và 1 anh bạn (không phải người yêu) đi cùng. Lần ấy, em viết được 16 kì với 16 nhân vật trên báo Người Giữ Lửa. Và đó cũng chính là loạt bài dài kỳ đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của em.
Đúng là em có nhân duyên với Khí công Himalaya thật, sau này vì một số lý do chủ quan và khách quan, em nghỉ lớp duy trì. Ra tết, nhận thấy môn phái ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng… Rất nhiều người sau khi học khóa nhập môn đã cải tiến rõ rệt sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.. Em được yêu cầu làm một loạt bài khác về Khí công Himalaya. Vậy là em chủ động “quay lại” liên lạc lại với thầy Văn sau quãng thời gian dài “mất mặt” và bày tỏ mong muốn làm lại loạt bài về Khí công Himalaya đăng trên báo Tuổi trẻ & Đời sống. Một lần nữa, em lại được thầy và các anh chị trong Câu lạc bộ giúp đỡ rất nhiệt tình. Thế là 11 kì viết về Khí công Himalaya tiếp tục “ra đời”.
Quá trình viết loạt bài này, em đã nhận được khá nhiều tình cảm và sự quí mến của bạn đọc. Đường dây nóng của tòa soạn phản ánh, bạn đọc gọi đến chủ yếu hỏi về Khí công Himalaya và “con” Biên Thùy. Mới đây, em nhận điện thoại của 1 cụ ông 95 tuổi nhưng giọng nói sang sảng như người 60 và có trí nhớ vô cùng minh mẫn. Cụ bày tỏ sự kính trọng tới thầy Văn, đọc thơ viết về Thầy cho em nghe và nói rất ngưỡng mộ các nhân vật trong bài viết vì đã chăm chỉ luyện tập để đẩy lùi bệnh tật. Kết thúc cuộc nói chuyện, cụ còn hẹn em, buổi học nhập môn ngày 17/5 “nhất định chúng ta phải gặp nhau” nữa.
Tất nhiên, để có những điều đó, em đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình, tận tâm của thầy Trần Hoài Văn và các cô/bác/chú/anh/chị trong Câu lạc bộ Khí công Himalaya. Qua đây, cho em xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới môn phái Khí công Himalaya, tới thầy Tran Hoai Van. Cháu/em xin cảm ơn các nhân vật trong bài viết đăng trên báo Người Giữ Lửa và Tuổi trẻ & Đời sống, cảm ơn cô Phạm Thị Yến, bác Nguyễn Thị Tuyết, cô Ngoc Anh Nguyen, chị Nguyễn Hồng, chị Phương Nguyễn, chị Trần Thanh Hải, anh Nguyễn Đức Lam, chị Huyền Phạm, chị Hoai An Pham, anh Tran Thanh Nam, chị Meo Cat, chị Ha Thanh Nguyen và bố mẹ đẻ của chị, chị Phuong Anh, anh Tuấn Tulia, chị Hoàng Diệu Thuần, anh Duong Tuan, anh Akira Phan, cô Tran Thi Bach Tuyet, anh Hưng (đã mất).
Cháu/em cũng xin cảm ơn các cô/bác/chú/anh/chị trong Câu lạc bộ Khí công Himalaya rất rất nhiều ạ! Tuy không trực tiếp có mặt trong bài viết nhưng cô/bác/chú/anh/chị luôn tạo động lực để cháu/em cố gắng hoàn thành bài viết một cách tốt nhất có thể ạ!”