Những năm tháng “ăn dầm ở dề” tại bệnh viện, chị Hải thấy yêu và trân quý cuộc sống hơn bao giờ hết. Xác định không ai có thể cứu mình ngoài chính bản thân nên chị hăng say tập luyện. Được 15 ngày, chị đã thấy cơ thể khoan khoái, dễ chịu đến lạ thường. Rồi, chị “phải lòng” khí công Himalaya này lúc nào chẳng hay.
Sững sờ khi biết mình mắc bệnh lạ
Trước khi tới gặp chị Trần Thanh Hải (sinh năm 1962, trú tại Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với nhau trên mạng xã hội Facebook. Mặc dù đã được thầy Trần Hoài Văn giới thiệu và cũng mường tượng ra hình ảnh của chị. Nhưng, tới khi gặp trực tiếp, tôi vẫn bị “đơ” vài giây vì nhìn chị ở ngoài trẻ trung, khỏe mạnh đến ngỡ ngàng.
Trong căn nhà thoang thoảng mùi hương hoa loa kèn, chị Hải kể cho tôi nghe hành trình tìm lại sự sống của chính mình bằng chất giọng sang sảng. Chị nói: “Trước tết 2010, tôi thấy cơ thể rất mệt mỏi, bải hoải, đứng một lúc thôi mà chân tay bủn rủn. Tôi vào bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm máu. Nhận kết quả trên tay, tôi sững sờ, bạch cầu chỉ còn 2.000G/L, trong khi những người bình thường, lượng bạch cầu trung bình từ 4.000 – 10.000G/L. Biết mình bị bệnh, tôi sốc, đứng giữa bãi xe của bệnh viện gọi điện cho chồng và khóc tu tu. Sau đó, BS cho tôi tiêm thuốc kích bạch cầu nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và phải chọc tủy để kiểm tra. Rồi, tôi tới bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, sang cả Thái Lan xét nghiệm lại tủy thì phát hiện mình bị đen mất 1 nhiễm sắc thể. Tức là cơ thể của mình có 46 nhiễm sắc thể thì tôi bị đen nhiễm sắc thể số 9 cho nên nó không sản sinh ra bạch cầu. BS kết luận tôi bị rối loạn sinh tủy. Bạch cầu như một đội quân phòng vệ, khi nó xuống quá thấp thì cơ thể rất dễ nhiễm bệnh và tôi thường xuyên bị viêm phế quản”.
Từ ngày bị bệnh, mỗi lần thời tiết thay đổi luôn là nỗi khiếp đảm của riêng chị. Quãng thời gian ấy, chị bắt đầu tìm hiểu, tham vấn rất nhiều các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về căn bệnh mình đang mang. Họ cho biết, bệnh này là do môi trường, ăn uống tác động. Lúc bấy giờ, chị Hải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, cho rằng số phận đã an bài và mình đang phải đối mặt với án tử. Là người sống khá tâm linh nên ngoài chữa Tây y, chị Hải còn theo Đông y và các nhà ngoại cảm nhưng không ăn thua, chỉ số máu vẫn chẳng cải thiện. Thậm chí, chị còn “theo đuổi” một vị danh sư có tên tuổi ở trong Nam, chữa bệnh theo kiểu thổi hương dọc cột sống. Đeo đẳng gần năm trời nhưng “mèo vẫn hoàn mèo”. Ít lâu sau, không những bạch cầu thiếu mà hồng cầu của chị cũng giảm dần, thỉnh thoảng lại phải vào viện truyền máu.
“Cuối năm 2014, tôi bị một trận sốt virus kéo dài tới thừa sống thiếu chết. Nằm viện 23 ngày, tôi sút tới 5kg, toàn thân đau nhức, lúc nào cũng phải có người ngồi bên xoa bóp. Hết cơn nhức xương lại đến sốt rét, người nhà phải mượn cả máy sưởi và chăn của bệnh viện để tôi đỡ lạnh. Hết cơn sốt rét lại quay sang sốt nóng 39 độ. Tôi cứ ăn gì là nôn ra cái đó, cả ngày chỉ “nã” thuốc vào người. Đã thế tôi còn bị dị ứng thuốc kháng sinh, toàn thân đỏ ửng như con tôm luộc. Sau trận ốm đó, cơ thể tôi suy kiệt, BS bảo muốn duy trì sự sống thì chỉ còn cách ghép tủy. May mắn, tôi có cậu em trai trùng khớp gen 100%. Đầu năm 2015, tôi tiến hành ghép tủy”, chị Hải nhớ lại.
Mong manh, yếu ớt như trẻ sơ sinh
Bước vào “trận địa” mới, chị Hải giống như bao bệnh nhân ghép tủy khác đều cảm thấy lo lắng, sợ sệt, bởi cơ hội sống sót khá mong manh. Vì đã từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đi vào phòng ghép và vĩnh viễn chẳng bao giờ quay trở lại nên chị càng hoang mang. Những ngày nằm trong phòng ghép tủy, chị phải truyền hóa chất cực mạnh để diệt hết tủy 100% khiến cơ thể mệt mỏi rã rời, chẳng thể ngóc đầu dậy. “Đánh” hóa chất xong, các chỉ số của chị đều về 0 và phải mất gần một tháng mới trở lại ngưỡng bình thường. Sau ghép tủy, sức đề kháng của chị Hải cực kì kém, chẳng khác gì đứa trẻ sinh thiếu tháng cần phải nuôi dưỡng trong lồng kính. Ăn uống phải hết sức giữ gìn, đảm bảo vệ sinh. Chị chẳng dám tiếp xúc với mọi người. Ai tới thăm cũng phải đeo khẩu trang và ngồi cách ra xa.
Chị kể: “Có hôm trời mưa, tôi đi dép trong nhà bước ra sân, chỉ bị dính tý nước vào gan bàn chân mà sốt li bì, phải nằm viện hơn 10 ngày điều trị viêm phổi. Hoặc chỉ cần rửa tay bằng nước lạnh, mở tủ lạnh bị hơi lạnh phả ra là “dính” viêm phổi, lại nhập viện. Lần đó, do hóa chất “đánh” quá mạnh, tôi bị khô giác mạc, đến tận bây giờ vẫn phải triền miên nhỏ nước mắt sinh lý. Lại còn bị chống chủ về gan, men gan của tôi có đợt lên tới 700 U/L, trong khi chỉ số cho phép <40 U/L. Trong năm 2015, tôi liên tục bị viêm phổi, chiều 30 tết còn phải nhập viện do viêm phổi và nằm ở đó gần hết tháng giêng. Đợt viêm phổi nặng nhất là vào tháng 4/2016, tôi sốt 39 độ liên tục hơn chục ngày, ô xy trong máu dưới 90. Phải điều trị 3 loại kháng sinh cùng lúc mà vẫn không “cắt cơn”. Tiêm truyền nhiều, mặt tôi bị phù phũng rất đáng sợ. Trước ngày 1/5, BS cho về vì tôi đã điều trị kháng sinh hơn 1 tháng, chí phí nằm viện lên hơn140 triệu đồng. Ra viện, tay chân tôi run lập cập, phải vịn tay vào tường để đi và không thể leo lên tầng 2 của nhà mình”.
Lần nhâp viện ấy, hai người bạn học cũng phổ thông tới thăm chị Hải, họ chia sẻ rất nhiều về khí công Himalaya và khuyên chị theo học. Trước đó, chị đang theo đuổi bộ môn Vô thức nên khá hoài khi về khí công và định bụng ra viện sẽ tập cả 2. Chẳng ngờ, chỉ nửa tháng đến với khí công Himalaya, chị Hải biết cuộc đời mình đã rẽ sang một hướng đi khác, nơi mà ốm đau và bệnh tật được chế ngự.
Không còn phải nhập viện nữa
Tháng 6/2016, chị Hải theo học lớp nhập môn do thầy Trần Hoài Văn giảng dạy. Những năm tháng “ăn dầm ở dề” tại bệnh viện, chị Hải thấy yêu và trân quý cuộc sống hơn bao giờ hết. Xác định không ai có thể cứu mình ngoài chính bản thân nên chị hăng say tập luyện. Được 15 ngày, chị đã thấy cơ thể khác hẳn, khoan khoái, dễ chịu đến lạ thường. Rồi, chị “phải lòng” khí công Himalaya này lúc nào chẳng hay.
“Sáng sớm, tôi tập Trường Xuân Công, Vạn Bộ Trường Sinh, rồi xuống nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Khoảng 45 phút sau tiếp tuc Nạp – Xả, Ngũ Hành Động Công. Một ngày tôi tập 5 – 6 tiếng. Buổi trưa 2,4,6 vẫn theo học ở lớp duy trì cùng thầy giáo và các bạn đồng môn. Tôi hạn chế những buổi la cà quán xá để dành thời gian tập luyện. Tập khí công được 3 tháng, để kiểm nghiệm xem sức khỏe mình ra sao, tôi đã lên đỉnh Phan Xi Păng, đi Cửu Trại Châu (Trung Quốc) rồi còn vào Nha Trang tắm biển mà chẳng ốm đau gì.
Từ đó tới nay, tôi không còn bị viêm phổi nữa và tất nhiên là chẳng phải nằm viện bất cứ lần nào. Sức khỏe được cải thiên đáng kể. Vừa rồi, tôi đi du lịch Nhật Bản 1 tuần, thời tiết ở bên khá khắc nghiệt, có tuyết rơi nhưng tôi vẫn khỏe mạnh, chẳng ảnh hưởng gì. Ngày xưa thận của tôi rất kém, khi buồn tiểu tiện mà không được giải quyết luôn thì có khi vãi cả ra quần. Nhưng từ ngày tập, tối ngủ một mạch tới sáng, không tiểu đêm, thậm chí buồn đi giải vẫn có thể nín nhịn được. Giờ, làm gì tôi cũng không thấy mệt, trước đây leo vài bậc cầu thang đã thở hổn hển, nay leo lên tầng 5 một mạch, đi du lịch xách bao nhiêu hành lý vẫn chẳng “xi nhê”. Phần tiêu hóa của tôi cũng cải thiện rõ rệt. Nhiều người lâu không gặp cứ khen tôi trắng trẻo, trẻ trung, giọng nói thì sang sảng. Thậm chí, nhiều người rất ngạc nhiên, còn trêu đùa: “Ơ, vẫn chưa chết cơ à?”.
Tôi đã giới thiệu cho khoảng 70 anh em, bạn bè đi tập khí công Himalaya. Những người từng chứng kiến cảnh tôi nằm thoi thóp thở, chỉ đủ sức hé mắt nhìn xung quanh, nay, thấy tôi thay đổi, họ như được tiếp thêm động lực. Tôi có cô em bị huyết áp cao cũng học khí công Himalaya. Cô ấy tập được hơn 1 tháng, sau khi kiểm tra, huyết áp đã trở lại bình thường và không phải uống thuốc nữa. Hiện nay còn theo tôi tập ở lớp duy trì buổi trưa”, chị Hải say sưa kể.
Giờ đây, khí công Himalaya trở thành “nguồn sống” của chị Hải, chỉ cần một ngày không được tập luyện, chị đã cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Chỉ mới sáng qua thôi, chị tới bệnh viện thăm khám định kì, BS lấy 2 ống máu và khoan 2 miếng xương để làm xét nghiệm. Nhưng buổi chiều, chị đã dậy tập khí công. Ở lớp học của chị, có rất nhiều người từng theo đuổi các môn thể dục khác nhau nhưng vẫn từ bỏ để chuyển sang tập khí công. Bởi họ biết rằng, con người ta có thể nhịn ăn 3 tuần, nhịn uống 3 ngày, nhưng không nhịn thở quá 3 phút. Khí công là công phu về hơi thở vậy nên nó vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta.
Biên Thùy (Tuổi trẻ & Đời sống)