fbpx

ĂN GÌ ĐỂ KHỎE? LÀM GÌ ĐỂ KHỎE? – PHẦN 1

Trước hết, xin nói cho rõ: Tôi không phải là một người được đào tạo về y học (cả hiện đại lẫn cổ truyền) một cách bài bản – Nghĩa là qua thi cử, trường lớp.
Cũng tương tự như vậy với lĩnh vực dinh dưỡng học, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo.
Tuy nhiên, là một người hoạt động trong lĩnh vực tập luyện, trước hết là để nâng cao sức khỏe cho bản thân và phổ truyền tới cộng đồng, tôi không thể không tự tìm hiểu, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết ở cả ba lĩnh vực vừa kể trên.
Tôi sẽ không giả vờ khiêm tốn để nói rằng “Vì tự học, tự tìm hiểu nên không biết gì mấy” – vì tôi không phải loại hay tỏ ra giả vờ khiêm tốn. Bởi ở trên đời này, có không ít những người tự học, tự nghiên cứu mà có được kiến thức không tệ.
Tương tự như vậy, không thiếu mẹ gì những kẻ bằng cấp đầy mình nhưng ngu xuẩn, vô tích sự, thậm chí gây hại cho cộng đồng vì “sở hữu” được những bằng cấp đó.
Tôi được Sư Phụ đào tạo bài bản về Khí công Himalaya – Xin hãy hiểu “bài bản” ở đây là đối với nhu cầu, mức độ nhận thức của cá nhân tôi chứ không so sánh với thiên hạ.
Vậy “bài bản” – nghĩa là tôi được trang bị những chùm bài tập quí giá, hiệu nghiệm theo những chủ đề khác nhau liên quan tới sức khỏe con người (ứng với nhiều bộ phận, cơ quan, chức năng… trên và trong cơ thể). Ngoài ra, để giúp tôi “tiêu hóa” được kho tàng bài tập đồ sộ, quí giá đó, Sư Phụ có dạy cho tôi một số kiến thức cần thiết về y học cổ truyền, kinh dịch…
Còn những thứ khác, tôi phải tự học qua quá trình làm việc với các học viên.
Sở dĩ phải tự học vì những lí do sau:
1/Tôi may mắn có nhiều học viên là các bác sĩ, chuyên gia y tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Mà có lẽ chúng ta quá biết rồi, đám bác sĩ họ khá tự tôn khi nghĩ rằng mình là những chuyên gia về sức khỏe được đào tạo bài bản, chính qui… thì tin thế nào được, và tại sao phải tin những bọn lang băm, giờ lại thêm mấy thằng khí công với chả khí… “không ngoan”…
Do đó, để thuyết phục họ hiểu, tin và làm theo các bài tập, tôi đã phải đọc vỡ mặt cả mét sách để có thể nói chuyện được với họ về những gì liên quan tới các bài tập mà tôi hướng dẫn.


2/Phần vì, với đa số học viên còn lại, có lẽ họ cứ nghĩ “gã thầy” này dạy mình khí công thì tất tần tật những gì liên quan tới sức khỏe ắt gã phải biết… Nên nhiều khi hỏi những câu chẳng liên quan gì tới khí công cả, mà thuộc lĩnh vực y học, dinh dưỡng học…
Ở đây, tôi muốn mở ngoặc để nói cho rõ: Đa phần học viên của tôi khi đến với Khí công Himalaya đều mang trong mình những vấn đề về sức khỏe. Họ đã “lăn lộn” ở nhiều phòng bệnh, bệnh viện với đủ những chứng bệnh khác nhau, những mức độ khác nhau… Thậm chí không ít người thuộc dạng “bác sĩ bảo thích làm gì thì làm ngay đi kẻo không kịp”…
Họ đến với Khí công Himalaya như một sự giãy dụa, bấu víu trong những nỗ lực cuối cùng, những tia hi vọng còn sót lại sau rất nhiều tháng năm đã hi vọng…
Chính vì đã “hết cửa”, nên khi tìm đến với tôi, họ hỏi rất nhiều, hỏi một cách cuống cuồng…


Và rất nhiều câu hỏi trong số đó liên quan đến việc NÊN ĂN CHAY HAY ĂN MẶN ĐỂ CHỮA BỆNH?
Tôi đã cố gắng trả lời trong khả năng hiểu biết của mình. Dù có thể chưa thực đầy đủ như họ mong muốn, nhưng nhất định những gì tôi trả lời đều được chắt lọc, cân nhắc một cách kĩ lưỡng từ vốn kiến thức tự học chứ nhất định không phải qua loa, chiếu lệ cho xong.
Hôm nay, trong bài viết này, tôi lại phải một lần nữa nói về vấn đề ĂN CHAY – ĂN MẶN vì có một số học viên gửi cho tôi đường link bài viết của ông Đoàn Quý Lâm gửi tới hai ông Trần Đăng Tuấn và Ngô Bảo Châu – Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch Danh dự của Quĩ thiện nguyện nổi tiếng khắp Việt Nam với cái tên rất mộc mạc, dân dã – CƠM CÓ THỊT.
Họ (những học viên gửi link) phần lớn là học viên mới, nói rằng rất hoang mang sau khi đọc bài viết và hàng ngàn comments với những ý kiến không chỉ trái chiều mà còn đầy “mùi đạn bom”, căng thẳng mạt sát, thóa mạ nhau… Ai cũng cho mình đúng, thằng khác mình là sai, là ngu…
Tóm lại là những học viên này không biết nghe ai cả và lại lôi tôi vào cuộc.
Nói thật là đúng dịp này tôi đang rất bận việc phải chuẩn bị lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Khí công Himalaya tại Việt Nam. Nếu chỉ một hai người hỏi về việc này thì tôi đã bảo họ tìm bài cũ mà tôi đã viết trong nhóm kín dành cho các học viên môn phái để đọc lại.
Nhưng đây lại là đề nghị của nhiều học viên, lại toàn những người mới, đang có bệnh và rất cần được giải đáp thì tôi thấy mình có nghĩa vụ phải trả lời chứ không thoái thác, câu giờ kiểu “để khi nào rảnh” được…
Và ở đây, tôi cũng xin nói luôn: Những gì trong bài viết này hoàn toàn là những điều tôi muốn trao đổi với các học viên của mình; Chứ không hề có ý định bênh vực hoặc đả phá bất kì ai, dù là ông Đoàn Quý Lâm hay ông Trần Đăng Tuấn – Ngô Bảo Châu. Cũng như không có ý định tranh luận với bất kì ai về những điều tôi chia sẻ cùng các học viên của mình rằng tôi ĐÚNG hay SAI dưới nhãn quan, theo quan điểm của quí vị.
Các học viên thân mến!
Tôi đã đọc hơn một lần bài viết của ông Đoàn Quý Lâm (theo link được học viên cung cấp) và có thể nói là tất cả các comments được hiện hữu (tất nhiên, cho tới giờ phút tôi viết những dòng này).
Cũng như các học viên, tôi không khó để nhận thấy bài viết của ông Đoàn Quý Lâm đã tạo nên một hiện tượng rất nóng trên mạng xã hội trong mấy ngày qua. Con số 3,3 ngàn người bày tỏ cảm xúc (thích, thả tim, giận giữ, ha ha…), 2,2 ngàn comments, 803 lượt chia sẻ (tính tới 4h30 ngày 11/9/2023) đã nói lên điều này.
Và cũng không khó để nhận thấy dư luận chia thành hai phe rõ rệt:
-Ủng hộ ông Đoàn Quý Lâm: Lên án việc ăn thịt! Ủng hộ, kêu gọi chỉ ăn rau củ quả và những sản phẩm từ thực vật.
-Phản bác ông Đoàn Quý Lâm: Phản đối chủ trương kiêng hoàn toàn không ăn thịt. Ủng hộ việc ăn thịt bình đẳng như ăn rau hoa củ quả (những thực phẩm khác có nguồn gốc từ thực vật) …
Và quả nhiên, những người ở cả hai phe này đã có không ít comments không nằm trong phạm vi một cuộc tranh luận nữa, mà là chửi bới, mạt sát, thóa mạ nhau.
Nhưng thôi, kệ họ đi. Chúng ta hãy tôn trọng sự khác biệt và đừng bao giờ áp đặt người khác phải giống mình dù là trong bất kì lĩnh vực nào.
Có nhiều cách để hiểu nhau. Nhưng nếu họ thích chửi nhau, thích cãi lộn thì kệ họ.
Quay vào việc chính của chúng ta!
Đã nhiều lần, trong những bài viết hoặc trong những câu chuyện chia sẻ trên lớp nhập môn, lớp duy trì trực tiếp, trực tuyến tôi đã trả lời những câu hỏi liên quan đến việc NÊN ĂN CHAY HAY ĂN MẶN? LÀM THẾ NÀO CHO KHỎE?
Bây giờ tôi chỉ nhắc lại những ý chính đã được nói, được viết đó:
1/Trước hết, xin nói cho rõ: Tôi đã từng là một bệnh nhân mắc bệnh viêm đa khớp rất nặng. Tôi đã chữa bệnh theo tây y (tại Ba Lan, nơi tôi sinh sống 13 năm) nhưng không khỏi. Sau đó về Việt Nam, tôi đã chữa theo đông y ở nhiều nơi nhưng cũng không khỏi.
Sau gặp được Sư Phụ dạy cho Khí công Himalaya và khuyên tôi VỪA TẬP KHÍ CÔNG VỪA KẾT HỢP ĂN CHAY MỘT CÁCH NGHIÊM NGẶT THEO CÔNG THỨC SỐ 7 CỦA OSHAWA.
TÔI ĐÃ ĂN TRƯỜNG CHAY THEO CÔNG THỨC SỐ 7 NÀY KHOẢNG 6 THÁNG.
Sau 6 tháng bệnh thuyên giảm nhiều.
Tôi không ăn chay số 7 nữa, chuyển sang chế độ ăn bình thường (rau hoa quả củ quả, thịt cá, tôm cua, nghêu sò ốc hến…) và tiếp tục tập khí công.
Sau một năm tôi không còn đau bệnh nữa.
Những điều này tôi đã chia sẻ nhiều lần, nhưng sở dĩ ở đây nhắc lại vì nó liên quan tới vụ “ăn chay theo công thức số 7”. Phần sau tôi sẽ đi vào cụ thể, chi tiết hơn vụ “số 7” (nhưng không phải là SỐ 7 Thiền Quang đâu nhá! 😊 )
Và kể từ sau khi khỏi bệnh, tôi không ăn chay trường nữa trong khoảng 10 năm (lần ăn công thức số 7 kết hợp tập khí công chữa bệnh là vào 2007). Nghĩa là thi thoảng vẫn phải ăn chay một cách thụ động. Ví dụ đến chơi nhà nào đó mà họ ăn chay thì mình ăn theo. Tham gia giao lưu, sinh hoạt với một nhóm, cộng đồng nào đó ăn chay, thì mình cũng vui vẻ ăn theo. Đúng tinh thần tu tập kiểu “Thõng tay giữa chợ”.
Nhưng trong 10 năm đó, tôi nhịn đói dài kì nhiều lần (không nhớ được. Có năm 01 lần, có năm 02 hoặc 03 lần. Tùy hứng thôi).
Đương nhiên, trong những kì nhịn đói này, hoàn toàn không ăn gì , chỉ uống nước.
Vì sao đã khỏi bệnh mà vẫn nhịn đói? Tôi cũng sẽ nói ở phần sau.
Nhưng từ 2018 cho tới tận năm 2022, tôi lại thay đổi chế độ ăn từ bình thường sang những chế độ đặc biệt khác.
Cụ thể:
1/ Ăn theo chế độ “NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN”, ở các mức 12/12, rồi 16/8. Nếu ai muốn, có thể mua cuốn sách “Nhịn ăn gián đoạn”, tác giả Gin Stephen để tìm hiểu thêm.
2/ ĂN NGÀY MỘT BỮA. Nghĩa là 24 tiếng chỉ ăn đúng 01 bữa. Theo cuốn sách “Ăn ít để khỏe” (tác giả – bác sĩ Yoshinori Nagumo)
3/ĂN THÔ hoàn toàn. Nghĩa là chỉ ăn toàn hoa quả, rau các loại, nhưng là ăn sống chứ không qua chế biến, lửa khói gì. Cách ăn này theo bộ sách “Cơ thể tự chữa lành” – Anthony William và “Tự chữa lành cơ thể” – Markus Rothkranz.
4/ ĂN THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI. Gọi như vậy để phân biệt với trường phái Thực dưỡng theo phương pháp của Oshawa.
Ai muốn tìm hiểu thế nào là “Thực dưỡng hiện đại” thì hãy tìm đọc các bộ sách: “Nhân tố Enzyme” của bác sĩ người Nhật Bản Hiromi Shinya và “Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện” của Collin Compbell.
Mỗi chế độ trên, tôi đều ăn trong vòng khoảng 100 ngày.
Kể ra cho rõ như vậy để các học viên hiểu rằng tôi là người có “thực chiến” chứ không phải là kẻ hóng hớt, nghe hơi nồi chõ rồi nói phét suông.
Và tuy mỗi chế độ tôi chỉ áp dụng trong vòng 100 ngày, tuy không nhiều, nhưg cũng đủ để cảm nhận sâu, rõ ở mức độ của mình, ở những gì tôi đang, sẽ viết tiếp.
Bây giờ, tôi xin giải thích vì sao tôi lại phải áp dụng những chế độ ăn uống “không giống với người bình thường” đó và “rì viu” những cảm nhận, tác dụng của mỗi phương pháp dưới góc độ của cá nhân:
1/Ăn chay theo công thức số 7: Đây là chế độ ăn chay nghiêm ngặt nhất mà tôi áp dụng trong thời gian dài nhất (khoảng 6 tháng).
Lí do: Ăn chay theo công thức số 7 này có tác dụng thải độc tố rất tốt. Hồi đó, tôi được Sư Phụ dạy khí công và khuyên ăn chay theo công thức này. Sư Phụ bảo, do tôi đã ăn uống rượu bia vô độ trong bao năm, lại uống, tiêm đủ các loại thuốc tây nên trong người rất nhiều độc tố. Phải kết hợp vừa tập khí công với ăn chay nghiêm ngặt theo công thức số 7 này mới có tác dụng nhanh chóng.
Và quả thật là như vậy. Chỉ trong 6 tháng, bệnh tật của tôi đã thuyên giảm được rất nhiều. Cách ăn số 7 kết hợp với tập những bài khí công phù hợp (nghĩa là bệnh nào thì nên tập bài tương ứng với bệnh đó là tốt nhất) đem lại hiệu quả rất tốt cho những bệnh mãn tính, không chỉ khớp, mà còn bệnh tiểu đường, gút (gout), mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cholesteron cao…
Tuy nhiên, ăn số 7 trong thời gian bao lâu, tập luyện như thế nào thì lại phải phụ thuộc vào thể trạng từng người. Chứ không thể có một công thức chung, một thời hạn cố định giống nhau để áp dụng cho tất cả mọi người.
Để dễ hiểu, xin nói thế này: Nếu đối tượng ăn chay số 7 là người có thể lực không quá tệ thì có thể áp dụng chế độ này lâu dài hơn những người thể trạng rất ốm yếu.
Ăn chay kiểu này chủ yếu là để thải độc tố cơ thể. Khi đến một giới hạn nào đó rồi, thì phải dừng lại và áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp để tẩm bổ, nuôi cơ thể.
Nếu làm sai, không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại, chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả mà còn nguy hiểm. Thử hình dung xem, nếu người đã suy yếu vì thiếu dinh dưỡng, mà cứ áp dụng chế độ này, thì cơ thể kiệt quệ hoàn toàn, có khi chế toi trước khi khỏi bệnh là điều không hiếm xảy ra.
2/Nhịn đói mỗi kì khoảng 10-15 ngày có tác dụng thanh lọc cơ thể rất tốt, thậm chí là tốt nhất. Tốt hơn ăn theo công thức số 7.
Có điều nều nhịn đói thì chẳng thể nhịn được 100 ngày hoặc 6 tháng như tôi đã áp dụng với những phương pháp kia. Vì nhịn thế thì đi ngủ với giun từ lâu rồi.
Vừa tập luyện khí công vừa kết hợp nhịn đói (năm một vài lần trong khoảng thời gian phù hợp với thể trạng của người áp dụng) thì rất nên khuyến khích.
Điều này không chỉ tốt với người bị bệnh, mà cả với người khỏe mạnh (chưa bệnh tật gì theo nguyên tắc “phòng hơn chống”).
Tất nhiên, xin nhắc lại một lần nữa: Tôi cũng chỉ áp dụng phương pháp nhịn đói thanh lọc này trong khoảng 10-15 ngày chứ không đẩy lên tận 45 ngày hoặc lâu hơn. Vì tôi không có nhu cầu “thông linh với Thượng Đế”. Nhịn từng đó ngày thì có lẽ tôi toi mẹ nó mất. Còn nếu sống sót thì chắc cũng dở dở điên điên…
3/Nếu như hai phương pháp trên, tôi áp dụng cho bản thân mình với mục đích tự chữa bệnh và hỗ trợ cho tập luyện khí công, thì những phương pháp còn lại, tôi ăn là để tìm hiểu tác dụng thực sự của nó ra sao.
Ăn để biết cách tư vấn, trả lời cho học viên. Phòng khi họ hỏi, họ cần được giải đáp thì mình biết cách tư vấn cho họ chứ không nói bừa, nói ẩu. Muốn biết cụ thể cái gì, thì phải lăn vào việc, chứ không đứng ngoài hóng hớt, nghe hơi nồi chõ rồi nói phét.
Các cách “NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN” và “ĂN NGÀY MỘT BỮA” – “ĂN ÍT ĐỂ KHỎE” (tên sách, tác giả đã viết ở trên) rất tốt với người thừa cân muốn giảm, tốt cho những bệnh mãn tính liên quan tới rối loạn chuyển hóa như tiểu đường mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cholesteron cao, và đương nhiên cả những bệnh khác như xương khớp, gout…
Và nó khá lành, nghĩa là không nguy hiểm gì lắm…
Tuy nhiên, hãy thông minh và luôn tỉnh táo, luôn lắng nghe cơ thể của mình xem nó có phù hợp không? Và ở mức độ nào là phù hợp, mức độ nào là quá tải.
Cơ thể mình thông minh lắm. Chỉ có chúng ta là ngu khi không hiểu tín hiệu mà nó phát ra thôi. Chứ nó thì không ngu đâu.
Cũng đừng thái quá theo kiểu thay vì ăn ngày ba bữa, mỗi bữa một bát cơm (chẳng hạn), thì khi chuyển sang ngày ăn một bữa, lại xơi hẳn trong một bữa đó hẳn 10 bát thì chẳng giải quyết vấn đề mẹ gì. Thậm chí còn hại hơn là ăn 3 bữa bình thường.
4/ĂN THÔ, nghĩa là chỉ ăn thuần hoa quả, rau các loại và hoàn toàn ăn sống, không nấu nướng gì cả. Nếu một số thứ có nấu, thì không được để nhiệt độ quá 40 độ C.
Ai muốn tìm hiểu cách ăn này, thì có thể đọc cuốn “Tự chữa lành cơ thể” của Markus Rothkranz và “Cơ thể tự chữa lành” của Anthon William.
Xin nói luôn, ăn theo kiểu chế độ ăn thô thì đối với cá nhân tôi vô cùng khó. Đang từ một thằng uống rượu cả vò, xơi thịt cả cân như mấy thằng lục lâm thảo khấu Lương Sơn Bạc, giờ đến bữa, trên đĩa vỏn vẹn mấy miếng táo, vài quả nho, ổi iếc, bắp cải sống, mấy miếng cà chua, cà rốt, …
Nhắc lại, vì học viên nên tôi phải ăn kiểu này. Chứ đến bữa trệu trạo nhai bắp cải, cà rốt, bí ngô, bí xanh (ăn sống, đương nhiên rồi). Tôi tự thấy mình chẳng khác chó gì mấy con thỏ, con dê, con bò cả.
Tôi ăn thô trong khoảng 100 ngày, thấy người giảm cân khá nhiều – nhưng giời ạ, giảm cân đâu phải mục đích của tôi? Tất nhiên, ai cần giảm cân hoặc mắc các bệnh mãn tính thì họ có thể ăn lâu dài vì sức khỏe của chính mình.
Còn tôi, thì không có nhu cầu giảm cân, không có nhu cầu chữa bệnh. Mà cái trò “ăn vì người khác” (để tìm hiểu, để biết đặng còn tư vấn) nó khổ hết chỗ nói. Người gầy đi một cách không cần thiết, lúc nào cũng cảm thấy biêng biêng và đặc biệt là trym cò “ngoan một cách xứng đáng để cho đàn bà nó vỗ cho mấy cái guốc vào đầu”…
Tất nhiên, đọc đến đây, có thể có những tín đồ của phương pháp ĂN THÔ này phản đối và cho rằng họ khỏe lên, trym cò ngon lành hơn ngày còn “ăn tạp”. Nhưng đó là cảm nhận của các vị.
Và cũng phải xem xem cái sự “ngon lên của trym” nó ở mức độ nào?
Vì dụ như trước khi ĂN THÔ, mỗi tháng được “phát”. Mỗi phát được một vài phút, thậm chí còn không cương cứng được, thì sau khi ăn thô, bất kì sự cải thiện nào đều là dấu hiệu đáng được ghi nhận.
Còn nếu như trước khi ăn thô ngày nào cũng phải “làm choác”, mỗi “choác” có độ dài, dẻo dai đủ để đối tác thỏa mãn, thì khi ăn thô cả tuần nó chỉ ngúc ngắc được một cách không đâu vào đâu so với ngày trước. Thì đấy chính là dấu hiệu của sự suy giảm và là dấu hiệu cảnh báo sẽ ăn guốc vào đầu, vào mõm…
Cách ăn thô này hiện nay ở Việt Nam có nhiều người theo. Người khởi xướng, cổ súy đầu tiên có lẽ là bác sĩ Lê Thu Hân – bệnh nhân ung thư. Lê Thu Hân đã rất tích cực áp dụng cho bản thân mình và quảng bá cho nhiều người khác.
Nhưng rất tiếc, Hân đã không qua khỏi bệnh ung thư. Hình như qua đời cách đây khoảng 2 năm.
Cũng xin lưu ý thêm: Đối với những người bị tiểu đường thì nên cẩn trọng nếu ăn thuần hoa quả, tránh không ăn nhiều các hoa quả ngọt như chuối, dưa hấu, sầu riêng, nhãn, vải…
5/THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI:
Trong bốn cách: ĂN NGÀY MỘT BỮA, NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN, ĂN THÔ (thuần hoa quả, rau củ quả không nấu)… thì cách ăn theo bác sĩ Hiromi Shinya và Colin Compbell (gọi là THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI để phân biệt với thực dưỡng Oshawa), tôi thấy hợp lí nhất, khoa học nhất và dễ thực hiện nhất.
Ngoài việc đưa ra những kiến thức về độ dài của ruột là bao nhiêu, lượng axit trong dạ dày của con người so sánh với những loài ăn cỏ, ăn thịt giống hay khác nhau thế nào… thì các tác giả còn đề cập tới bộ răng của con người.
Họ phân tích hàm răng con người với 4 chiếc răng nanh, 8 răng cửa, 12 răng cối lớn, 8 răng cối nhỏ…. để khẳng định một điều: Loài người được tạo hóa sinh ra có thể ăn được cả thịt, cá, ngũ cốc, rau, củ, quả, hạt… bởi hàm răng của người đủ các chức năng CẮN (răng cửa), XÉ (răng nanh), NHAI, NGHIỀN (các răng cối, răng hàm)…
Có điều, họ cũng tính toán tỉ lệ của mỗi loại răng đó trên cả hàm răng và rút ra kết luận: Tỉ lệ từng loại thực phẩm ăn vào phải tương xứng với tỉ lệ của loại răng phục vụ các thao tác tương ứng CẮN, XÉ, NHAI, NGHIỀN.
Thực sự đây là công trình nghiên cứu rất khoa học, rất tỉ mỉ… Công trình nghiên cứu này có thời gian trải dài rất lâu, trên nhiều đối tượng nên rất có tính thuyết phục.
Mọi người hãy tìm đọc các bộ sách “Nhân tố Enzyme” và “Bí mật dinh dưỡng cho sức khỏe toàn diện” để hiểu sâu hơn, rõ hơn và tự quyết định có nên áp dụng không? Áp dụng như thế nào…
Sức khỏe của mình, sinh mệnh của mình. Hãy tìm hiểu một cách thật kĩ lưỡng, thông minh chứ đừng có ngu mà đi nghe thằng khác nói rồi cắm đầu làm theo mà không thèm tìm hiểu cho đến đầu đến đũa.
Hãy mua sách mà đọc, mà nghiên cứu thật kĩ.
Tất nhiên, tôi có thể copy and paste ra đây để ra vẻ giải nghĩa, giải thích cho quí vị và tranh thủ chém gió như một nhà thông thái.
Nhưng tỏ vẻ lắm chữ nghĩa hù dọa thiên hạ để làm gì?
Hãy tự đọc, tự tìm hiểu đi. Tên sách đã cho rồi đấy. Đã có thằng đọc trước (là tôi), đem thân mình ra làm chuột bạch và rì viu cẩn thận rồi đấy.
Một điều nữa khiến tôi thích thú phương pháp THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI này nhất vì những người khởi xướng ra nó cho đến bây giờ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, làm việc rất năng suất. Ông người Nhật sinh năm 1935, ông người Mĩ sinh năm 1934.
Rõ ràng là nếu mình muốn làm theo ai, làm cái gì, thì cũng phải nhìn xem người khởi xướng ra sao?
Hai ông này ở tuổi 88, 89 mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn thì mình có thể tin theo được, nếu bạn thực sự muốn sống lâu và khỏe mạnh.
Sở dĩ nói “nếu bạn thực sự muốn sống lâu và khỏe mạnh”, vì cá nhân tôi chỉ cần sống khỏe mạnh cho tới tầm 75-80 là tạch được rồi.
Chứ sống lâu mà dặt dẹo thì chán lắm.
Tôi đã chứng kiến có cụ già thọ trên trăm tuổi nhưng nằm bẹp một chỗ. Cứ đến mỗi độ Tết nhất là bọn chắt chít (vì con cái thì ngỏm hết rồi) lại lôi ra mặc cho bộ quần áo đỏ lòe loẹt, khênh ra đình làng hoặc ủy ban nghe thư chúc thọ của Chủ tịch nước, nhận phong bì mừng tuổi (chẳng hiểu được triệu bạc hay không).
Thế rồi bọn chắt chít sau khi bỏ túi phong bì để nốc rượu thịt chó, nó lại khênh cụ về. Nếu hôm nào trời nắng thì nó tranh thủ phơi cụ, hong nắng cho người đỡ mốc…
Nhìn cảnh đấy, tôi tự nhủ quyết chỉ sống khi khỏe mạnh và hiểu rằng Khí công Himalaya sẽ cho tôi điều đó – KHỎE CHO TỚI LÚC CHẾT!
Đã nói tới hai ông người Nhật và người Mĩ kia – những người chủ xướng của THỰC DƯỠNG HIỆN ĐẠI sống khỏe mạnh, minh mẫn cho tới giờ phút này, thì cũng phải nhắc tới ông Oshawa, còn được gọi là Tiên sinh Oshawa.
Mặc dù Tiên sinh là người chủ xướng của phương pháp THỰC DƯỠNG OSHAWA (mang tên ngài), nhưng rất tiếc là ngài chỉ sống được 73 tuổi. Qua đời vì gan nhiễm độc tố, suy tim.
Mặc dù tôi đánh giá cao công thức số 7 vì quả thật nó có tác dụng thải độc tố cơ thể khá tốt. Nhưng nhìn chung, học thuyết thực dưỡng của Tiên sinh có nhiều điểm tôi không thực sự thấy hợp lí. Cụ thể là không khuyến khích ăn hoa quả, uống rất ít nước.
Ngoài Tiên sinh Oshawa ra, còn một người khác cũng rất nổi tiếng, có rất nhiều tín đồ ở Việt Nam (có thể là cả ở Ấn Độ quê hương ông và một số nước khác) là Minh sư Patrizji. Ngài này là giáo chủ của trường phái Thiền kim tự tháp. Chủ trương thiền càng nhiều càng tốt, mọi nơi, mọi lúc và ăn chay (thuần rau, củ quả, thực vật). Nhưng ngài cũng mất khá sớm ở tuổi 75 (1947-2022)
Nếu là một người bình thường, thì sống đến 73 và 75 như hai vị kể trên cũng là chỉ tạm được thôi. Thậm chí vẫn có thể nói là “chết hơi sớm”so với mặt bằng chung.
Nhưng với tư cách là những giáo chủ của các trường phái chuyên về nghiên cứu, cổ súy chế độ ăn uống kiêng khem để sống thọ, sống khỏe thì việc các Ngài tạ thế ở tuổi 73, 75 (mà là chết già, chết bệnh tật chứ không phải chết do tai nạn) thì dường như là học thuyết, phương pháp của các vị ấy chưa có sức thuyết phục lắm.
Ý tôi chỉ muốn nói như vậy chứ không có ý định dèm pha các học thuyết đó hoặc báng bổ người đã khuất.
Mong các học viên hiểu cho đúng.
Thưa các học viên,
Và bây giờ, sau khi đã dông dài liệt kê những trường phái, chế độ dinh dưỡng mà tôi đã từng biết, từng áp dụng, thì chắc sẽ có nhiều người muốn hỏi: VẬY THÌ CÁI THẰNG CHA NÀY NÓ SẼ ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG DƯ LÀO ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT ĐÂY?
Vậy, tôi xin trả lời ngay:

TÔI KHÔNG ÁP DỤNG TRƯỜNG PHÁI, CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG NÀO KỂ TRÊN CẢ!
BỞI VÌ TÔI CÓ CÁCH, BIẾT CÁCH ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG THEO KIỂU CỦA MỘT NGƯỜI TẬP LUYỆN KHÍ CÔNG HIMALAYA ĐỂ CÓ THỂ KHỎE MẠNH CHO TỚI LÚC CHẾT.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.