fbpx

Bệnh viêm đa khớp đáng sợ và nhân duyên “lạ lùng” giúp nhà biên kịch Trần Hoài Văn thoát khỏi “kiếp xe lăn”

Trước khi trở thành người “gieo duyên” khí công Himalaya đến với hàng ngàn người, nhà văn, biên kịch Trần Hoài Văn từng có quãng thời gian rất dài chiến đấu với căn bệnh viêm đa khớp. Thậm chí, anh xác định mình sẽ chẳng bao giờ thoát “kiếp xe lăn”. Thế nhưng, mối nhân duyên lạ lùng với người thầy bí ẩn đã khiến cuộc đời anh rẽ ngang…

Đánh đổi rất nhiều để đến với khí công Himalaya
– Phóng viên: Chào anh! Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng TT&ĐS. Trước hết, xin gửi tới anh một câu hỏi rất cổ điển: Anh hãy giới thiệu về bản thân mình?

– Trần Hoài Văn: Tôi tên Trần Hoài Văn, sinh năm 1968 tại Hà Nội. Tuổi thơ của tôi gắn liền với thành phố này. Năm 18 tuổi, tôi thi đỗ đại học đạt điểm đi du học ở Liên Xô chuyên ngành ngôn ngữ báo chí. Năm 1991, tốt nghiệp đại học, tôi sang Ba Lan sinh sống. Thời gian đó, ngoài những việc liên quan tới sinh kế, tôi tham gia hoạt động báo chí cộng đồng. Năm 2004, tôi cùng vợ và 3 con hồi hương. Từ 2006, tôi làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam cho tới tháng 8/2014 thì xin nghỉ việc để theo đuổi nghiệp dạy khí công Himalaya tới thời điểm này.

– Được biết anh từng làm biên tập viên, biên kịch phim truyền hình với nhiều bộ phim được khán giả ghi nhận. Cá nhân tôi rất thích “Một lần đi bụi”, “Lời sám hối muộn màng” và đặc biệt là “Hai phía chân trời” do anh viết kịch bản. Ngoài ra, còn có hai bộ phim thuộc dạng “bom tấn” một thời là “Cô gái xấu xí” và “Cô nàng bất đắc dĩ” cũng do anh cùng ê kip của mình chuyển thể sang tiếng việt. 8 năm là quãng thời gian không dài, nhưng anh đã có 1 giải thưởng cánh diều vàng, 1 cánh diều bạc và 2 huy chương Liên hoan truyền hình toàn quốc. Một thành tích cũng đáng nể đấy chứ?

– Không, cũng bình thường thôi. Có lẽ do tôi gặp may.

– Không phải một nhà biên kịch nào (dù làm việc lâu năm) cũng có thể đạt được những giải thưởng danh giá đó. Dường như mọi việc có vẻ đang rất tốt. Tại sao anh lại bỏ việc? Anh hết yêu thích nghề biên kịch rồi ư?

– Tôi yêu chứ. Không phải vì các giải thưởng đâu, bởi “Cái áo chẳng làm nên thầy tu”. Tôi yêu vì nó hợp với sở thích cầm bút, và qua những kịch bản phim, tôi có thể phần nào nói được những điều mình muốn nói về thân phận con người, thực trạng xã hội… Thế nhưng, tôi phải bỏ công việc yêu thích này, bởi tôi đã gặp khí công Himalaya, đã bén duyên và trên hết, là tôi biết ơn, muốn tri ân môn phái.

– Ồ, thú vị quá! Anh có thể chia sẻ rõ hơn sự liên quan giữa “bỏ việc” và khí công Himalaya được không?

– Chuyện dài lắm, nhưng xin tóm tắt thế này: Từ bé, tôi là người ham hoạt động, chạy, bơi, tập võ nên thể lực rất tốt. Thế nhưng từ cuối năm 1994, tôi bắt đầu bị bệnh viêm đa khớp. Thoạt đầu, tôi chủ quan, không chữa trị ngay vì còn mải kiếm sống. Sau gần 2 năm, bệnh nặng dần, hay bị sưng tấy, đau nhức các khớp ngón, khuỷu tay, chân, đầu gối, … đi lại, vận động hết sức khó khăn. Tôi mới lao vào chữa bệnh. Tôi đã tìm đến những giáo sư, bác sĩ giỏi nhất chuyên ngành xương khớp ở Ba Lan. Thế nhưng chẳng có tiến triển nào đáng kể, vẫn bị những cơn đau, nhức lên tận óc hành hạ trong suốt gần 10 năm trời. Đến năm 2004, bà giáo sư điều trị lâu năm cho tôi khuyên “Nên về nước chữa theo các phương pháp cổ truyền, chứ tây y không thể khỏi đâu. Tương lai sẽ là một người tàn tật với chiếc nạng hoặc xe lăn”. Tôi hiểu là không còn hi vọng gì nên đành phải hồi hương, mặc dù lúc đó công việc làm ăn đang rất tốt và cả nhà tôi có thẻ xanh định cư tại Ba Lan.

Về nước, tôi lao vào chữa bệnh bằng phương pháp đông y ở những vị danh sư có tên tuổi. Suốt ngày phải uống đủ kiểu thuốc bắc, thuốc nam nhưng không đỡ. Rồi chuyển sang bấm huyệt, châm cứu… chẳng ăn thua gì. Vẫn đau nhức, sưng tấy, phát sốt phát rét, cử động, đi lại ngày càng khó khăn hơn. Một lần, tôi ngủ mơ, thấy được khuyên bảo phải đi học khí công. Thế là tôi đi học với hi vọng mong manh. Lại tìm đến những thầy có tên tuổi. Tôi miệt mài tập luyện nhưng vẫn “tay trắng”. Đổi sang một vài môn phái khác, cũng vẫn thế. Đúng lúc tuyệt vọng nhất, năm 2007 tôi gặp được Thầy của mình (người đã truyền dạy cho tôi khí công Himalaya). Tôi tập sau khoảng 3 tháng, thấy cường độ, tần suất các cơn đau giảm hẳn. Mừng quá, tôi chuyên cần tập luyện hàng ngày. Sau khoảng nửa năm thì bệnh gần như thuyên giảm hẳn và sau hơn 1 năm thì tôi không còn cảm giác là mình đã từng bị cơn bệnh quái ác này nữa.

Từ đó, tôi một lòng một dạ gắn bó với khí công Himalaya và may mắn được Thầy tin yêu, chọn làm người kế tục. Bắt đầu từ 2010, Thầy cho tôi đi dạy, ban đầu là các lớp nhỏ cho phù hợp với khả năng. Sau được mở rộng dần. Đến tháng 8/2014, nhận thấy không thể vừa đi làm, vừa dạy khí công, vì lúc đó tôi đã chuyển sang làm phóng viên ở Ban truyền hình đối ngoại (VTV4), hay phải đi công tác. Do đó, tôi đã đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn đó là tiếp tục công việc ở Đài TH hay bỏ việc để theo nghiệp khí công? Cuối cùng, tôi đã dứt khoát xin thôi việc, sau khi tự nói với mình: “Dù có là ai, làm gì, thì trước hết cũng phải là một người biết mang ơn. Và tôi phải mang ơn khí công Himalaya”.

– Anh có ân hận không, khi từ bỏ công việc ở Đài TH?

– Tôi vẫn nhớ nghề cũ lắm. Nhưng ân hận thì không, bởi cho đến ngày hôm nay, khi ngồi chia sẻ với bạn chuyện này, tôi thấy mình đã có một quyết định đúng đắn. Có điều, tôi thực sự tiếc vì hồi đó, tôi đã có những đồng nghiệp rất tốt, môi trường công tác thuận lợi. Lẽ ra, tôi đã phải làm được nhiều việc hơn, nhưng do mải chơi, tôi mới chỉ bỏ ra khoảng 20% sức lực của mình. Đây là một điều vô cùng tiếc nuối trong tôi mỗi khi nghĩ về nghề cũ.
Mối nhân duyên “lạ lùng” với người thấy bí ẩn

– Quay trở lại với khí công Himalaya. Thú thực, tôi đã lên mạng tìm hiểu về môn phái này và chẳng có được mấy thông tin ngoài một số bài viết của anh. Có vẻ như đây là một môn phái bí ẩn? Và Thầy của anh cũng là một nhân vật bí ẩn?

– Không có gì bí ẩn cả. Chẳng qua đây là môn phái mới được truyền bá công khai ở Việt Nam được vài năm nay, mà tôi là người đầu tiên được Thầy của mình cho phép. Do vậy, ngoài những gì tôi viết về môn phái thì chưa có mấy tư liệu. Còn Thầy của tôi thì đúng là một bậc ẩn tu đã tránh xa vòng tục lụy, danh vọng. Đã có thời gian dài Thầy tập luyện với một vị chưởng môn khí công Himalaya (nguyên là người Tây Tạng, phải bỏ xứ lưu vong sau một vài biến cố chính trị). Về nước, Thầy dạy cho một số đệ tử, trong đó có tôi.

– Xin anh nói rõ hơn chút nữa về tên tuổi, thân thế, sự nghiệp của Thầy?

– Tôi tránh không muốn nói nhiều, bởi Thầy là một bậc vừa chân tu, vừa ẩn tu. Nghĩa là không muốn mọi người biết nhiều về mình. Và thực ra, tôi cũng chẳng có gì để kể cả. Lượng thông tin của tôi về Thầy vô cùng ít ỏi. Thầy tôi tên Nguyễn Văn Hoài, nhưng do kiêng kị phạm húy của dòng tộc nên thường gọi là Nguyễn Văn Hòa. Thầy thường nói đùa với tôi “Thầy là Văn Hoài nên gặp thằng Hoài Văn”. Thầy tôi người gốc Vĩnh Phúc. Cũng chính vì vậy, Thầy nói với tôi “Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” con tham gia với tư cách biên tập là về cụ Kim Ngọc, đồng hương Vĩnh Phúc với Thầy đấy. Đây cũng là một trong số ít ỏi phim Việt Nam mà thầy yêu thích. Thế là có duyên rồi nhé!”. Đấy, chỉ có thế thôi.

– Bây giờ, anh có hay gặp Thầy không?

– (Lặng người giây lát) Không, tôi ít cả thông tin lẫn số lần được gặp thầy. Tôi được gặp Thầy có thể nói là do sự sắp đặt của số phận. Như đã kể với bạn ở phần trên, tôi về nước với tấm thân tàn. Đúng lúc ở dưới đáy của sự tuyệt vọng, tôi tình cở gặp Thầy. Cái “sự gặp” này có nằm mơ cũng không thể tin được. Tháng 7/2007, tôi ra bến xe Mỹ Đình lên Phú Thọ dự đám giỗ bên nhà vợ. Những năm trước, bà xã vẫn đi thay vì bên nhà vợ biết thằng rể ốm đau bệnh tật, không ăn, không uống gì được, đi lại vất vả nên tha cho. Nhưng năm đó, cô ấy lăn ra ốm. Thế là tôi phải cắn viên thuốc giảm đau để “đóng thế” cho vợ. Lúc taxi vào trong bến, do chân tay khuỳnh khoảng nên tôi va phải một người đàn ông đi ngược chiều và làm rơi chiếc ca táp của ông ấy xuống đất.

Biết mình có lỗi, tôi dừng lại, nhặt chiếc cặp xách đó lên. Hôm ấy trời mưa, nền sân ẩm ướt nên chiếc cặp bị dính bẩn. Tôi bèn lau chiếc cặp vào ống quần và trao trả lại cho người ấy, miệng nói “Cháu xin lỗi chú! Cháu vội quá nên sơ ý”. Người đàn ông cầm lấy chiếc cặp, nhìn tôi giây lát rồi khẽ mỉm cười. Tưởng xong việc, tôi quay gót rảo bước vì nghe thấy loa thông báo chuyến xe đi Phú Thọ gần nhất sắp khởi hành. Nhưng chưa kịp bước chân, tôi nghe tiếng gọi giật giọng “Này, anh bạn trẻ! Anh không đi được đâu. Ở lại đã”. Tôi nhạc nhiên, trong bụng nghĩ thầm “Chết. Hay mình làm vỡ, hỏng thứ gì quý giá trong cặp?” nên nói với người đán ông “Chú ơi, cháu rất vội. Xin chú cứ kiểm tra, nếu làm hỏng cái gì đó thì cháu xin đền”. Người này nhìn tôi, cười và lắc đầu “Không, chẳng có gì để hỏng, vỡ cả. Nhưng nhất định anh không đi được đâu”. Lúc này, tôi chuyển sang ý nghĩ “Có lẽ lão này định ăn vạ mình đây”. Tôi chưa kịp mở mồm thì ông ấy đã chặn họng “Này, tôi không phải hạng người như anh nghĩ đâu”. Tôi kinh ngạc vì thấy ông ấy đoán được ý nghĩ của mình. Chưa hết, ông ta nói tiếp “Để anh khỏi mất thời gian đoán mò. Tôi nói luôn, anh mang trong mình chứng bệnh viêm đa khớp và bị nó hành hạ đã chục năm nay”. Tôi như chết lặng. Người này còn nói ra một số thông tin hết sức bí mật, riêng tư về cuộc đời tôi mà không một ai (kể cả bố mẹ, vợ con) biết được. Lập tức, tôi hiểu rằng, đứng trước mặt tôi là một cao nhân. Tôi quyết định (có thể nói, trong đời tôi chưa có quyết định nào sáng suốt như vậy) không lên quê vợ ăn giỗ nữa mà ở lại với người đàn ông này. (Cười sảng khoái).

Tôi mời người đàn ông này đi uống cà phê và được nhận lời. Chưa hết cữ cà phê tôi biết rằng đây là một bậc cao thủ về võ thuật, khí công, kinh dịch, y thuật… Tôi bèn chắp tay xá và nói “Thưa Thầy, cho phép con được xưng hô như vậy và xin Thầy chỉ bảo cách tập luyện để chữa khỏi chứng bệnh hành hạ con suốt 13 năm qua”. Người ấy đáp rất khẽ nhưng rành rọt “Tôi chưa nhận làm Thầy của anh vì chưa biết chúng ta có duyên với nhau hay không. Tôi sẽ dạy anh một số bài khí công cơ bản. Anh chịu khó tập trong vòng 100 ngày, nếu bệnh tình thuyên giảm thì lúc đó tính tiếp”.

Thế là tôi thuê khách sạn rộng rãi trên mạn Hồ Tây để thầy nghỉ lại và truyền dạy cho tôi. Những bài đầu tiên được học chính là những bài mà tôi dạy lại cho học viên trong các lớp nhập môn và khóa học online sắp tới. Đó là những bài cơ bản nhất, nền tảng nhất cho các kiểu thể trạng, bệnh tật. Tôi học với Thầy được 3 ngày. Sau khi chia tay, tôi miệt mài tập luyện bất kỳ lúc nào có thời gian. May quá, ông trời thương tôi nên sau gần 3 tháng, tần suất và cường độ các cơn đau giảm hẳn, như tôi đã kể ở phần trên. Đúng 100 ngày, Thầy gọi điện. Tôi trả lời trong nước mắt “Thưa Thầy, con vẫn đau, nhưng đã đỡ rất nhiều. Cả mấy tuần mới đau một lần”. Thầy bảo “Được, như vậy là có duyên. Anh có thể tập tiếp mà không lo uổng phí thời gian”. Rồi tôi được Thầy thu nhận, truyền nghề.

– Cảm ơn anh về những bộc bạch gan ruột. Nhưng anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi “Anh có hay gặp Thầy không?”

– (Lặng đi một lúc) Không, có lẽ Thầy tôi mất rồi…

– Sao lại là cõ lẽ?

– Không ai hiểu được Thầy của tôi đâu. Bởi chính tôi còn không hiểu. Vào một ngày tháng 6/2015, sau một khóa “tu nghiệp” (xin nói để bạn rõ: Mỗi năm Thầy về Hà Nội 3-4 lần, mỗi lần khoảng 2-3 tuần để kiểm tra bài cũ và dạy bài mới cho tôi. Thày về lúc nào, tôi được gặp lúc đó. Còn Thầy chẳng cho biết là mình ở đâu. Thậm chí điện thoại còn để chế độ giấu số), Thầy nhìn tôi rất lâu rồi khẽ nói: “Phúc ai nấy hưởng, nghiệp ai nấy trả. Thầy nặng nghiệp lắm. Vợ con mất hết vì bom đạn. Cho đến bây giờ, hành trang còn lại trên cái cõi tạm này là ít bài khí công Himalaya đã truyền dạy cho con thôi. Con cố gắng phổ truyền pháp môn đến với nhiều người. Đó chính là một cách trả nghiệp. Thầy trò mình có lẽ đã hết Duyên. Nếu từ giờ tới hết ngày 31/12 năm nay mà không thấy Thầy gọi điện, thì nghĩa là Thầy đã xong việc ở cõi này. Con đừng khóc than, vật vã mà làm vướng chân Thầy”…

Nghe Thầy nói, tôi nhói đau trong tim và linh cảm thấy có điều chẳng lành. Nhưng mặc dù tôi vật nài hỏi số điện thoại hoặc nơi cư ngụ để có dịp thăm nom, Thầy từ chối với một lí do rất giản dị: “Những gì cần làm trong kiếp này, Thầy đã làm xong rồi. Không muốn nợ ai, và không ai nợ mình nữa”. Thế rồi Thầy trò chia tay.

Những tháng ngày sau đó, Thầy tuyệt nhiên không gọi… Suốt ngày 31/12/2015, tôi hầu như không làm được điều gì ngoài ngồi trực điện thoại. Giật mình thon thót khi nghe tiếng chuông reo. Nhưng tất cả đều làm tôi thẫn thờ, thất vọng. Quá 12h đêm ngày hôm ấy, Thầy không gọi. Tôi hiểu Thầy đã tự thu xếp cho mình mọi chuyện. Tôi lôi chai rượu ra uống hết và cố không khóc, bởi không muốn “làm vướng chân Thầy”. Thế thôi…

– Chân thành cảm ơn anh về những chia sẻ hết sức đáng giá này. Tôi sẽ sớm quay trở lại “làm phiền” đồng thời “chất vấn” anh về nguyên lý và sự diệu kỳ của khí công Himalaya.

Biên Thùy (Tuổi trẻ & Đời sống)

One comment

  1. Câu chuyện mang tính chất huyền bí, không biết ý kiến của tác giả ra sao,,, nhưng trước hết, xin hãy chung tay góp sức xây dựng cuộc đời, cuộc sống của nhiều con người trong xã hội này vui khỏe thiện lành với cái Tâm trong sáng nhất..

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.